Thứ sáu, 2/2/2018, 10:02 (GMT+7)

Chợ Bà Hoa - ngôi chợ Sài Gòn gợi nỗi nhớ miền Trung

Ở khu vực Bảy Hiền, Tân Bình từ lâu đã xuất hiện một ngôi chợ - chợ Bà Hoa. 

Như một điểm hẹn, thuở đầu, người Quảng khắp đất Sài Gòn tìm về đây để buôn bán những đặc sản quê xứ. Ngày nay, chợ Bà Hoa ngoài trở thành địa điểm mua sắm của người dân trong khu vực còn là nơi để những người miền Trung tìm lại cho mình chút dư vị quê nhà.

Tọa lạc tại đường Trần Mai Ninh, quận Tân Bình, từ lâu chợ Bà Hoa đã được biết đến như là khu chợ người Quảng Nam. Phần lớn tiểu thương trong chợ là người Quảng bày bán những món đặc sản của quê hương. Người miền Trung cũng về đây tập trung buôn bán rất đông đúc.

Khi được hỏi về nguồn gốc của chợ, nhà văn Trần Nhã Thụy (Quê Quãng Ngãi) cho biết: “Theo chỗ tôi được biết thì chợ Bà Hoa được đặt theo tên của người phụ nữ tên Hoa, người mua đất làm chợ. Thời gian lập chợ là khi nào thì chưa thấy ghi rõ, chỉ biết là có từ... lâu lắm. Chợ Bà Hoa còn có tên là chợ Linh Hoa, Linh là tên người chồng của bà Hoa. Nhưng nói chung vẫn gọi là chợ Bà Hoa, hay chợ làng dệt Bảy Hiền". Trải qua bao thăng trầm của thời gian, ngày nay chợ Bà Hoa cũng hòa cùng nhịp đập của thành phố trẻ, trở nên rộn ràng nhộn nhịp nhưng vẫn phần nào giữ được những nét riêng của mình.

Nhắc đến miền Trung và xứ Quảng nói chung, không thể không nhắc tới những nét độc đáo về ẩm thực. Tiêu biểu về ẩm thực miền Trung có thể kể đến là các loại mắm, như mắm ruốc, mắm cá nục, mắm cái... Hiếm có khu chợ nào ở Sài Gòn lại bày bán chúng nhiều như ở đây. Ngoài ra còn có các loại nem chả nổi tiếng như nem Quy Nhơn, chả bò Đà Nẵng…cũng được nhập về để phục vụ nhu cầu của những khách hàng yêu thích chúng.

Những món ăn đặc sản tươi ngon được chuyển vào từ miền Trung xa xôi. Ảnh: Khánh Dân (Thanhnhnienonline)

Dọc hai bên chợ là rất nhiều quầy bán những món bánh dân dã gắn liền với tuổi thơ của biết bao người con lớn lên ở miền Trung như bánh ú, bánh ít. Xen giữa chúng là mùi thơm béo của những mẻ bánh thuẫn được nướng ngay tại chỗ, đây là loại bánh không thể thiếu trong mâm cỗ của người miền Trung những dịp lễ Tết. Hình ảnh người thợ bánh lấm tấm mồ hôi bên bếp lò chắc hẳn sẽ gợi lại cho không ít người con xa quê những ký ức cùng gia đình, khi còn là một đứa trẻ ngóng từng mẻ bánh được ra lò để được đưa lên mũi hít hà cái mùi thơm ngọt quyến rũ kia.

Những mẻ bánh vàng ươm thơm béo hẳn sẽ làm chùn chân không ít người

Ngoài ra ở chợ Bà Hoa ta còn tìm được những món bánh tưởng như chỉ có thể tìm thấy ở quê như bánh bột lọc, bánh nậm, bánh xèo miền Trung. Bánh xèo miền Trung nhỏ hơn nhiều so với người họ hàng ở miền Tây của nó. Giòn rụm từ trong ra ngoài, mỗi chiếc bánh xèo miền Trung chỉ to cỡ bàn tay, mỗi chiếc lại được ăn kèm với bánh tráng mềm và sau sống chấm mắm mặn. Một đĩa 3-4 chiếc bánh mới được ra lò nóng giòn, dễ dàng làm người ta xua đi cơn đói xế chiều để tiếp tục cuộc hành trình khám phá ngôi chợ.

“Hi vọng rằng dẫu mai này, xã hội có phát triển thế nào chăng nữa thì những ngôi chợ đặc thù làng quê này vẫn còn, không chỉ để lưu giữ những món ngon mà còn giữ lại cái tình quê mộc mạc nồng nàn... ”. (Nhà văn Trần Nhã Thụy)

Chợ Bà Hoa còn có một điểm đặc biệt, mà người dân ở đây đầy tự hào đưa nó trở thành một đặc sản khắp cả đất Sài Gòn này hiếm có nơi nào khác có được. Đó là giọng Quảng. Những “răng, mô, chi, rứa” trong sinh hoạt và trong cách buôn bán khiến không khi nơi đây thanh bình đến lạ lùng.

Những mặc cảm về giọng địa phương đôi khi cũng xuất hiện, nhưng chắc chắn là không phải ở đây. Những tiểu thương gốc Quảng ở đây, có người đã gắn bó với chợ Bà Hoa từ những ngày đầu lập chợ, đến bây giờ vẫn rặc một tiếng nói quê xứ mà chẳng hề lai qua giọng Sài Gòn. Ca sĩ Ánh Tuyết từng có cho một một album hát bolero bằng tiếng Quảng. Cô chia sẻ rằng đó là cách để một người con như cô tri ân tiếng nói quê mình, rằng “hát giọng Quảng để dành cho người Quảng, người cần học nghe tiếng Quảng, người yêu tiếng Quảng, cảm tình đặc biệt với xứ Quảng và cả người chỉ yêu... một người Quảng".

"Đi đâu giao tiếp với người Sài Gòn hoặc dân xứ khác, nếu họ không nghe thì chúng tôi sẽ nói chậm lại, chứ không cố gắng chỉnh giọng cho giống dân thành thị, vì đây là 'đặc sản' quê hương mình mà". (ca sĩ Ánh Tuyết)

Cần cù, chịu khó nhưng cương trực, thẳng thắn, lại rất lạc quan, vui tính và trọng tình nghĩa, dù sống trong cảnh cực khổ, đói rách họ luôn tin vào tương lai của chính mình, thành thật và chất phác. Tất cả những tính cách của người dân đất Quảng nói riêng và miền Trung nói chung đều xuất hiện ở chợ Bà Hoa. Nơi đây như trở thành một phần văn hóa của người Quảng ở Sài Gòn, để dẫu bao đổi thay của thời cuộc, những bình dị mộc mạc nhất về một ngôi chợ miền quê vẫn còn đọng lại đâu đó trong từng nụ cười, từng tiếng rao của những người dân lao động.

Ở chợ không có cái sân si, chen chúc, náo nhiệt, mà đâu đó phảng phất những bình yên dung dị của những vùng quê miền Trung thân thuộc.

Thực hiện: Duy Lam