
Nụ cười phần thưởng
Nụ cười này nảy sinh từ một trạng thái tích cực như hài lòng, tán thành hoặc hạnh phúc. Các nhà nghiên cứu mô tả đây là những nụ cười "phần thưởng" vì chúng ta sử dụng chúng để cổ vũ bản thân hoặc người khác. Nụ cười khen thưởng liên quan đến rất nhiều vùng cơ. Cơ miệng và má đều được kích hoạt, để lộ răng, đồng thời các cơ ở vùng mắt và lông mày cũng được kéo lên.
Nụ cười liên kết
Mọi người cũng sử dụng nụ cười để trấn an người khác, để tỏ ra lịch sự, thể hiện sự đáng tin cậy, sự thân thuộc và những ý định tốt. Những nụ cười như thế này được gọi là nụ cười "liên kết" vì chúng hoạt động như một đầu nối xã hội. Một nụ cười dịu dàng được coi là dấu hiệu của lòng trắc ẩn. Theo nghiên cứu, nụ cười thân thiện không để lộ răng, cơ miệng cân xứng và kéo lên một chút, thường kích hoạt má lúm đồng tiền.
Nụ cười thống trị

Đôi khi mọi người mỉm cười để thể hiện sự vượt trội của họ, bày tỏ thái độ khinh thường hoặc chế nhạo khiến người khác cảm thấy mình yếu thế. Cơ chế hoạt động của nụ cười thống trị khác với nụ cười khen thưởng và liên kết: một bên miệng nhếch lên, bên còn lại giữ nguyên vị trí hoặc kéo xuống. Ngoài ra, nó còn có biểu hiện như cong môi và nhướng mày, hoặc để lộ nhiều hơn phần lòng trắng của mắt. Cả hai đều là tín hiệu mạnh mẽ thể hiện sự ghê tởm và tức giận.
Nụ cười tán tỉnh

Đây là nụ cười rất nổi tiếng trong bức tranh nàng Mona Lisa của Leonardo da Vinci. Nó là một trong những nụ cười bí ẩn và ngượng ngùng mà chúng ta thường làm trong vô thức khi nhìn thấy người mình thích. Hành động này chỉ kéo dài trong chốc lát. Nụ cười này có một số mẹo nhỏ rất tinh tế bạn có thể áp dụng để "mê hoặc" crush như: nhướng mày, mím nhẹ môi và mỉm cười trong khi hơi cúi đầu xuống; hoặc mỉm cười với một chút kem hoặc bọt cà phê dính ở khóe môi.
Nụ cười chân thành

Rất dễ nhận ra nụ cười này vì cơ bắp phản ánh những cảm xúc tích cực, không bị kiểm soát và chân thực. Cơ miệng, cơ má, cơ mắt được kích hoạt hết cỡ khiến nếp nhăn quanh mắt xuất hiện. Nụ cười chân thành thường gây ấn tượng mãnh liệt và mang lại cảm giác tích cực cho những người xung quanh.
Nụ cười đau khổ

Biểu hiện của nụ cười khổ sở thường là mím môi nhẹ và không đối xứng. Bạn có thể thấy một nỗi buồn sâu thẳm trong đôi mắt người đó. Về cơ bản, đây là một kiểu tự bảo vệ và nỗ lực che giấu sự đau thương. Bạn có thể nhìn thấy nụ cười này khi một người cố gắng giả vờ rằng họ ổn với điều gì đó, nhưng thực tế thì không. Giống như việc xem một bộ phim nhàm chán với crush, dù ghét nó, bạn vẫn ở phải ở đó cùng người ấy.
Nụ cười kìm nén

Nụ cười này là một nỗ lực để kiểm soát bản thân không cười phá lên thành tiếng. Điều này xảy ra khi chúng ta cần phải lịch sự và không nên cười, dù có điều gì đang xảy ra có vẻ rất hài hước. Má hếch lên, mắt sáng bừng trong khi khóe môi kéo xuống là biểu hiện đặc trưng của nụ cười này.
Nụ cười chữa ngượng

Nụ cười này có mục đích xóa bỏ tin xấu. Bạn có biểu hiện này trong trường hợp phát hiện tất cả chỗ trong nhà hàng đều được đặt trước hoặc đang đầy. Nó bắt đầu đột ngột, môi dưới hơi nhếch lên và đầu nghiêng sang một bên.
Nụ cười "giả trân"

Nụ cười giả tạo rất dễ nhận ra. Các cơ xung quanh mắt không chuyển động nên bạn không nhìn thấy nếp nhăn. Mọi người thường nghĩ rằng đôi mắt của họ cũng đang cười khi cố giả vờ vui vẻ, nhưng các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng đó chỉ là ảo ảnh.
Nụ cười sợ hãi

Có vẻ như bạn đang cười nhưng thực ra là lo lắng. Hai hàm răng được kẹp chặt vào nhau và đôi mắt mở to hơn, lông mày hơi nhướng lên thể hiện sự ngạc nhiên.
Jamais Vu (Theo Brightside)