Chiều 15/9, UBND TP Hà Nội có công văn điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn. Từ 12h ngày 16/9, 22 quận, huyện không ghi nhận ca nhiễm cộng đồng (từ ngày 6/9) được phép cho hoạt động trở lại đối với cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cơ sở sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng được hoạt động trở lại nhưng chỉ bán hàng mang về và yêu cầu đóng cửa trước 21h hàng ngày.
![]() |
Người dân sinh sống ở 'vùng xanh' xếp hàng chờ mua phở, xôi sáng 13/9, sau khi UBND quận Long Biên cho phép hàng quán mở cửa đón khách trở lại. Ảnh: Tùng Đinh |
Thành phố yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ hoạt động theo sự quản lý, giám sát, kiểm tra của chính quyền địa phương. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, yêu cầu khai báo y tế bắt buộc với nhân viên, thực hiện 5K; quét mã QR bắt buộc với khách đến mua hàng, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn tại cơ sở; hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thống kê, từ 6/9 đến nay, có 22 quận, huyện (trên tổng số 30 đơn vị hành chính) không ghi nhận ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng, gồm 6 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ; 16 huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thạch Thất, Thanh Oai, Sơn Tây, Ứng Hòa.
Trong đợt dịch thứ 4, từ ngày 27/4 đến trưa 15/9, Hà Nội ghi nhận tổng 3.856 ca Covid-19, trong đó 1.596 ca ngoài cộng đồng và 2.260 người đã được cách ly. Thành phố hiện có 7 chùm ca bệnh, 97 điểm phong tỏa.
Bí thư Hà Nội nhấn mạnh, ngay cả khi thành phố xem xét, đánh giá tổng thể để có thể nới lỏng một số hoạt động dịch vụ sau ngày 15/9 và 21/9, người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; phải tiếp tục coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.
Thúy Quỳnh