Trước cuộc cải cách kinh tế năm 1978, Trung Quốc vẫn là một đất nước chậm phát triển. Để hình dung về "giới nhà giàu" tại đất nước này vào khoảng 1940-1960, hãy cùng điểm lại những món đồ nội địa được cho là xa xỉ nhất thời đó.
Đồng hồ Thượng Hải
Những năm 1950 - 1960, đặc điểm nhận dạng một gia đình khá giả Trung Quốc chính là 4 đồ dùng đắt đỏ: máy khâu, radio, xe đạp và đồng hồ. Trong đó, đồng hồ đeo tay chính là thứ hàng hiệu được nam thanh nữ tú khao khát sở hữu nhất.

Đồng hồ A581 nay chỉ còn là kỷ vật mang giá trị hoài cổ.
Năm 1958, nhà máy đồng hồ Thượng Hải cho ra đời lô đồng hồ A581 đầu tiên và trở thành "cơn sốt" bởi thiết kế đẹp mắt. Ở thời điểm đó, mẫu đồng hồ này có giá 120 nhân dân tệ (khoảng 420.000 đồng). Có rất nhiều giai thoại kể lại rằng, con gái Trung Hoa thời ấy chỉ muốn kết hôn với chàng trai nào đủ điều kiện mua nổi… đồng hồ Thượng Hải mà thôi.
Mỹ phẩm 'Two Girls'
Thương hiệu mỹ phẩm nội địa "Two Girls" ra đời năm 1936, được sản xuất bởi Kwong Sang Hong, nhà máy mỹ phẩm đầu tiên tại Trung Quốc.
Trước đó, phụ nữ nhà giàu Trung Quốc thường mua mỹ phẩm nước ngoài nhập khẩu qua Hong Kong, tuy nhiên những sản phẩm này có giá quá đắt đỏ. Chính vì vậy, "Two Girls" ra đời với những mặt hàng giá cả phải chăng, phù hợp với giới thượng lưu Trung Quốc thời bấy giờ.

Phụ nữ Trung Quốc từng rất ưa chuộng mỹ phẩm của công ty Kwong Sang Hong.
Công ty Kwong Sang Hong từng có những hình thức quảng bá hiện đại khi in hình sản phẩm lên báo chí. Sản phẩm bán chạy nhất của "Two Girls" chính là bột khoáng, kem dưỡng da và dầu dưỡng tóc.
Giày thể thao Feiyue
Trong những năm 1960 - 1980, ngành công nghiệp giày dép Trung Quốc hoàn toàn bị chi phối bởi thương hiệu Feiyue. Những đôi giày thể thao của hãng được yêu thích bởi sự bền bỉ, khỏe khoắn và thoải mái.

Vận động viên bóng chuyền nữ Trung Quốc đi giày Feiyue tại Thế vận hội mùa hè 1984 ở Los Angeles.
Tuy nhiên, bước sang những năm 1990 trở về sau, khi "dân chơi" Trung Quốc bắt đầu chuyển sang những thương hiệu thể thao nước ngoài như Nike và Adidas, giày Feiyue dần đi vào quên lãng.
Bích Hà
Theo Scmp