Sự việc một du khách người Việt Nam tên Thoại quỳ gối xin được trả lại tiền tại cửa hàng Mobile Air, thuộc khu mua sắm Sim Lim Square, Singapore gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Trong khi cộng đồng mạng Singapore lập diễn đàn kêu gọi, quyên góp để ủng hộ anh Thoại thì một bộ phận trẻ người Việt lên án hành động quỳ lạy này. Cuộc tranh luận vẫn chưa dừng lại nhưng qua sự việc trên chúng ta có thể rút ra nhiều điều đáng suy ngẫm.
Đả kích người khác không khiến mình mạnh mẽ hơn
Trước hành động quỳ lạy của anh Thoại, bên cạnh sự cảm thông, chia sẻ thì một bộ phận nhỏ người Việt tỏ thái độ lên án, chỉ trích cho rằng anh hèn hạ, không đáng mặt đàn ông. Thậm chí số khác còn đưa hành động này để phán xét rằng nó làm xấu hình ảnh của đất nước.
![]() |
Cảnh người du khách quỳ lạy xin trả lại tiền gây xôn xao. |
Đáp lại những chỉ trích này, nhiều ý kiến đứng ra bênh vực anh Thoại và cho rằng hành động "quỳ gối van xin khóc lóc" chẳng có gì sai.
"Đó không phải là sự nhục nhã, càng không liên quan đến niềm tự hào dân tộc. Đó đơn giản chỉ là một cách phản ứng của con người trước áp bức, bị chèn ép. Thật buồn cười khi có nhiều người sẵn sàng chỉ trích, phán xét hành động của đồng bào ở nước ngoài là hèn hạ, nhục nhã, nhưng tại ngay chính đất nước họ - nơi mà sự áp bức bất công còn xảy ra ngang nhiên và tàn nhẫn hơn gấp bội, thì họ cũng chỉ biết cam chịu không dám nói gì. Những kẻ thấy bất bình không dám lên tiếng để tránh tai hoạ cho bản thân, đó mới là những kẻ hèn hạ...", vlogger JV chia sẻ.
![]() |
Cộng đồng mạng phản đối sự chỉ trích anh Thoại từ một bộ phận người Việt. Ảnh: Chụp màn hình. |
Lý giải thêm về điều này, nhiều bạn đưa dẫn bằng chứng về công việc anh Thoại làm công nhân với lương hơn 3 triệu/tháng nhưng bị "sập bẫy" đau đớn như vậy thì hành động trên là dễ hiểu, dễ cảm thông.
"Thay vì chỉ trích này nọ thì các bạn nên tìm hiểu vấn đề chứ đừng hùa theo số đông như vậy. Hãy thể hiện mình là người biết suy nghĩ, nhìn nhận vấn đề thay vì tự bôi nhọ hình ảnh bằng những comment thiếu văn hóa", bạn trẻ Hải Hà nói.
Bài học về quyết tâm bảo vệ hình ảnh đất nước
Trong khi nhiều người cho rằng việc "quỳ gối khóc lóc" của anh Thoại là đáng xấu hổ, làm xấu hình ảnh Việt Nam thì hành động thực tế của một bộ phận người dân Singapore lại khiến người khác thán phục và ngưỡng mộ.
Cụ thể, một người đàn ông tên Gabriel Kang đã đứng ra phát động quyên góp trên mạng để trả lại công bằng cho du khách người Việt. Hành động này được lý giải là để lấy lại danh dự, hình ảnh của đất nước Singapore với khách du lịch nói riêng và thế giới nói chung. Chỉ sau thời gian ngắn, chiến dịch này đã thu về 10.800 USD, vượt xa mục tiêu 1.350 USD đặt ra ban đầu.
![]() |
Cộng đồng mạng Singapore nhiệt tình ủng hộ du khách Việt bị lừa. Ảnh: zaobao. |
Chia sẻ quan điểm về việc thể hiện lòng tự hào và bảo vệ hình ảnh đất nước, một bạn trẻ tên Khải Đơn đăng tải note lý giải về cách "canh giữ sĩ diện nước nhà" của một bộ phận người Việt.
"Thay vì nhìn và nhận xét mọi chuyện một cách rõ ràng, cảm thấy đáng lo ngại cho việc đi nước ngoài mua iPhone hay cảnh báo mọi người cần cẩn thận khi mua máy ở cửa hàng kia, họ chỉ xoáy vô chửi cho đã miệng, cười cho sướng với anh nạn nhân đã làm ra tiền bằng sức lao động của mình...", Khải Đơn viết.
Tác giả đưa ra loạt dẫn chứng việc khách nước ngoài khi đến Việt Nam bị móc sạch túi hay thường xuyên bị chặt chém đến độ phải "khiếp sợ"... Khải Đơn thẳng thắn bày tỏ: Có thể chê bai hành động kia là yếu đuối nhưng đừng đem quốc thể ra để chê trách một người Việt gặp rắc rối ở nước ngoài. Chuyện đó không khiến người Việt Nam thêm lớn mạnh.
Quyết tâm tẩy chay dịch vụ kém chất lượng
Sau khi sự việc được báo chí vào cuộc, người tiêu dùng Singapore đã bày tỏ sự phẫn nộ với dịch vụ này. Trước đó, một du khách Trung Quốc bị lừa mua iPhone 6 plus với giá gần 60 triệu đồng đã kiện cửa hàng Mobile Air phải trả lại du khách này số tiền 1.010 SGD. Hành động vứt bao tải tiền xu vung vãi ra đất và cười đùa du khách càng khiến sự phẫn nộ được đẩy lên cao.
![]() |
Người chủ của cửa hàng Mobile Air bị đăng tải ảnh, thông tin cá nhân lên mạng và "ném đá" sau vụ lừa đảo khách hàng. Ảnh: zaobao. |
Trên các diễn đàn, nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ, đòi tẩy chay cửa hàng Mobile Air. Hình ảnh của ông chủ cửa hàng Mobile Air - Jover Chew bị cộng đồng mạng Singapore đăng tải "ném đá" kịch liệt. Họ cho rằng đây chính là cách thể hiện thái độ kiên quyết trước cách "lừa đảo" trắng trợn này. Trước làn sóng chỉ trích dữ dội, cửa hàng này buộc phải tạm đóng cửa.
Một bạn trẻ bày tỏ quan điểm: "Hành động này phần nào thể hiện được thái độ của người tiêu dùng trước sự gian xảo trong kinh doanh. Nếu mình cứ im lặng thì người chịu thiệt thòi luôn là người tiêu dùng".
Biết nhận đúng những gì mình xứng đáng
Khi người dân Singapore tổ chức quyên góp, ủng hộ tiền giúp anh Thoại lấy lại số tiền đã mất, anh không hề lợi dụng cơ hội để chuộc lợi cho bản thân.
![]() |
Anh Thoại gặp vợ của ông Hồng, nhận phong bao đỏ có 550 SGD, bằng số tiền anh đã lừa mất. Ảnh: zaobao. |
Trước những lời đề nghị giúp đỡ, số tiền ủng hộ lên tới hơn 10.000 USD, tặng lại iPhone 6, anh Thoại chỉ bằng lòng nhận số tiền 550 SGD (hơn 9 triệu đồng) từ người hảo tâm đầu tiên liên hệ với anh là thương nhân tên Hồng. Anh cho biết: "Tôi cảm ơn lòng tốt của tất cả mọi người nhưng tôi không muốn chiếm đoạt nhiều hơn những gì mình đã mất"
Trước đó, anh Thoại - một du khách Việt Nam đồng ý mua chiếc iPhone 6 làm quà sinh nhật cho bạn gái với giá 950 SGD tại cửa hàng Mobile Air, thuộc khu mua sắm Sim Lim Square. Tuy nhiên, vì không hiểu tiếng Anh nên anh bị "cài" ký hợp đồng gọi là phí bảo hành và phải trả thêm 1.500 SGD.
Sau khi bị ép buộc trả đủ tiền mới giao điện thoại, anh Thoại hốt hoảng, quỳ xuống xin nhân viên cửa hàng trả lại tiền nhưng lại bị cười cợt. Sau khi nhờ cảnh sát và Hội bảo vệ người tiêu dùng Singapore can thiệp, anh chỉ được trả lại 400 SGD, điện thoại vẫn không mua được. Sự việc tạo làn sóng phẫn nộ trước hành vi buôn gian bán lận của Mobile Air từ cộng đồng mạng Singapore. Nhiều người tìm cách lên án, đòi tẩy chay cửa hàng này vì thấy xấu hổ trước hành động làm bẩn hình ảnh đảo quốc sư tử. |
Tân Tân