Lana Del Rey là một ca sĩ - nhạc sĩ người Mỹ bắt đầu viết nhạc ở tuổi 18. MV single đầu tay Video Games của Lana đã trở thành hiện tượng internet sau khi được đăng tải trên YouTube năm 2011. Album Born To Die phát hành sau đó đã bán được hơn 3,6 triệu bản trên toàn thế giới và là lọt top 5 album bán chạy năm 2012.
Âm nhạc của Lana Del Rey ghi dấu với âm hưởng của văn hóa pop Mỹ những năm 50 - 60 kết hợp học hỏi từ những tượng đài trong các thể loại nhạc.

7. Burning Desire
Vốn là ca khúc bonus trong album Paradise nhưng Burning Desire để lại một ấn tượng rất riêng đúng chất… Lana! Buồn hơn cả một cuộc chia tay, giai điệu ballad mang hơi hướng retro của Burning Desire chứa đựng tâm ý như muốn kết thúc luôn cả thế giới này. Những lời thủ thỉ với người yêu như vang vọng, ám ảnh xuyên suốt bài hát. Lựa chọn thời điểm Valentine để ra mắt ca khúc này, có vẻ cô nàng càng muốn tôn thờ chủ nghĩa yêu thương sầu muộn của mình.
6. Blue Velvet
Blue Velvet là một bài hát nổi tiếng từ những năm 1960 của Bernie Wayne và Lee Morris được Lana Del Rey cover lại, dùng để quảng cáo cho bộ sưu tập mới của hãng thời trang H&M. Thông qua chất giọng cổ điển của Lana, Blue Velvet không hề mờ nhạt mà vẫn giữ được vẻ đẹp cổ điển trong cả ca từ lẫn giọng hát. Tuy chỉ dài hơn hai phút nhưng là quá đủ để Lana thể hiện nội dung theo phong cách retro-noir của mình: lối hát có phần uể oải, mệt nhoài, u uất, không buồn ngay được nhưng càng nghe lại càng ngấm.
5. Summertime Sadness
Summertime Sadness là một trong những hit nằm trong album thứ hai của Lana Del Rey, từ phong cách indie pop được phối lại thành nhạc dance khá lạ tai. Tuy nhiên, đây vẫn là bài hát buồn về mùa hè, theo phong cách lãng mạn mà âu sầu, có những câu hát vần như thủ thỉ sâu lắng đến tận cùng thế giới.
4. Video Games
Video Games là đĩa đơn đầu tay mang âm hưởng dân ca khởi đầu cho sự nghiệp của cô ca sĩ nổi lên nhờ YouTube này. Tự tay làm đạo diễn kiêm luôn sáng tạo ý tưởng và tự thể hiện, tuy sơ sài, dân dã nhưng lại giúp cho khán giả ban đầu cảm nhận được tài năng của cô. Bài hát nhận được nhiều nhận xét tích cực từ các nhà phê bình âm nhạc, từng được sử dụng trong bộ phim Gossip Girl. Thậm chí có người còn cho rằng Video Games là bài hát hay nhất năm 2011.
3. Born to Die
Born to Die là tựa đề album thứ hai của Lana, thuộc thể loại pop thừa hưởng thêm các thể loại khác như alternative hip hop và indie pop. Album nhận được nhiều ý kiến trái chiều, không nhất quán từ giới chuyên môn, một số khen ngợi chất nhạc rất riêng, nhưng số khác không thích sự lặp đi lặp lại liên tục trong các bài hát. Tuy nhiên, thứ khiến cho Born to Die trở nên quyến rũ và mê hoặc chính là xu hướng retro, ảnh hưởng từ âm nhạc phòng trà Mỹ những năm 50 của thế kỷ trước: những bài hát chậm rãi, bi tráng cùng giọng ca buông nhả từng nốt đầy ám ảnh.
2. Ride
Ride thể hiện sở trường của Lana Del Rey: quyến rũ, ma mị với lối hát nói kéo dài đến 3 phút, trên nền chất giọng sâu thẳm, dai dẳng nhưng dịu dàng như lời thì thầm trước lúc ngủ. Thật khác thường bởi trong khi giới âm nhạc US-UK đang băng băng chạy theo tốc độ và nhịp beat thì cô ca sĩ mới nổi này đang níu kéo tâm tình của mọi người bằng những từ ngữ chậm rãi đến hết mức có thể.
1. Young and Beautiful
Young and Beautiful xứng đáng là được gọi là đỉnh cao của cô ca sĩ trẻ. Bài hát chủ đề của bộ phim The Great Gatsby vang lên thay tiếng lòng đầy tâm trạng của Daisy Buchanan, nàng thơ và đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn đến mọi vinh quang và bi kịch trong cuộc đời nhân vật chính Gatsby. Mang không khí ảm đạm, bi lụy và ám ảnh như các tác phẩm trước đây, lần nào Lana Del Rey cũng mang đến một thứ tình cảm đầy phức tạp: trong hy vọng lại nhuốm màu tuyệt vọng. Thứ âm nhạc sang trọng, quyến rũ chỉ làm nền cho lời ca tuy đầy bi ai, sầu muộn nhưng trên hết vẫn rất đẹp, rất… phụ nữ. Young and Beautiful hoàn toàn là một bài hát dành cho người phụ nữ đang yêu, tình yêu có thể rất đau nhưng không thể nào buông rơi được.
Tường Vy