Sinh ra và lớn lên tại Ukraina, ngay từ những năm học phổ thông, Diệu Linh đã có thể nói thành thạo 6 ngôn ngữ gồm tiếng Việt, Ukraina, Nga, Anh, Pháp và Hungary. Hiện, Linh học cũng lúc hai hai trường: sinh viên năm thứ hai khoa Kinh tế và kinh doanh quốc tế (ĐH Ngoại thương Hà Nội) và sinh viên chuyên ngành Luật quốc tế ở ĐH Luật quốc gia Odessa (Ukraina).
Kể về bản danh sách ngôn ngữ khó tin ở lứa tuổi của mình, Linh cho biết, bố mẹ đều là người Việt nên dù sinh ra và lớn lên ở Ukraina, từ khi bập bẹ học nói, cô đã được dạy tiếng Việt. Đi học tiểu học Linh học tiếng Ukraina và Nga. Tiếng Anh Linh học những năm cấp 2, tiếng Pháp, học những năm cấp 3. Còn về tiếng Hungary, Linh học qua các kỳ dã ngoại mùa hè rồi về nhà học thêm.
![]() |
Á khôi ĐH Ngoại thương chưa bước sang tuổi 18. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Với vốn ngoại ngữ đáng nể, các bạn trong lớp vẫn gọi Linh với nickname "cô nàng ngôn ngữ học". Trong sáu ngôn ngữ, Linh cho rằng tiếng Pháp là khó học nhất vì từ vựng và ngữ pháp khá phức tạp. Tuy nhiên, đối với cô gái chưa tròn 18 tuổi này, việc học ngoại ngữ như một trò chơi thú vị và cuốn hút. Cô dự định học thêm tiếng Nhật trong thời gian tới. "Hình như em có năng khiếu bẩm sinh với ngôn ngữ", Linh đỏ mặt lý giải về khả năng của mình.
Mặc dù vậy, Linh vẫn luôn tâm niệm việc học ngoại ngữ là một quá trình lâu dài, "suốt từ lúc biết nói đến tận bây giờ". Phương pháp được Linh áp dụng nhiều nhất là qua giao tiếp với bạn bè. "Nói như người Việt mình là 'học lỏm'", Linh cười nói.
Với vốn ngoại ngữ phong phú, hầu như gặp người ngoại quốc nào, Linh đều có thể trao đổi, chuyện trò thoải mái. Cũng nhờ khả năng này, dù đang là sinh viên, nhiều công ty nước ngoài đã mời Linh về làm việc. Tuy nhiên cô gái trẻ đều từ chối vì muốn "tuổi sinh viên trôi qua một cách vô tư". Cô mong muốn sau khi ra trường tìm được công việc có thể sử dụng hết vốn ngôn ngữ của mình. "Em chưa hình dung được công việc cụ thể sau khi ra trường nhưng nếu công việc đó mà không sử dụng được hết vốn ngôn ngữ thì tiếc lắm", Linh chia sẻ.
![]() |
Diệu Linh nổi bật trong phần thi tài năng Duyên dáng Ngoại thương. Ảnh: Việt Hùng. |
Bên cạnh đó "cô nàng ngôn ngữ học" còn chơi piano rất hay. Trong phần thi tài năng tại đêm chung kết cuộc thi Duyên dáng Ngoại Thương 2009 vừa qua, Linh đã vừa đệm piano vừa hát. Tiết mục của Linh được ban giám khảo đánh giá cao, còn khán giả hưởng ứng nhiệt tình bằng những tràng pháo tay giòn giã. Chính điều này đóng góp một phần rất lớn mang về danh hiệu Á khôi cho Diệu Linh.
Điều khá bất ngờ cho người đối diện khi tiếp xúc với Linh là dù có bề ngoài mảnh mai nữ tính, cô Á khôi lại là một võ sinh karate. Linh đam mê và học karate từ bé. Hiện, cô vẫn theo học thường xuyên tại Trung tâm Hữu nghị. "Việc tập luyện khá vất vả nhưng mình rất mê môn võ này. Karate đã giúp mình trở nên dẻo dai và bền bỉ hơn. Những giây phút tập luyện cũng giúp mình giải tỏa sau những giờ học căng thẳng trên trường", Linh chia sẻ.
Kể về việc học ở 2 ngôi trường cách xa nhau hàng ngàn km, Linh cho biết, cô học ngành luật vì bố, một luật sư luôn nhắc nhở con cái rằng: "Có luật và có võ, con sẽ luôn tự bảo vệ được mình trong cuộc sống". Còn lý do học chuyên ngành Kinh tế và Kinh doanh quốc tế ở Việt Nam theo Linh là để có thêm kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể.
Và để đáp ứng tốt nhiều mục tiêu, Diệu Linh "gánh gồng" một khối lượng học tập rất lớn. Chương trình học của Khoa Kinh tế quốc tế Ngoại thương khá nặng, nhiều hôm học liền 10 tiết liền từ sáng đến tối mịt. Tối về nhà nhà Linh tiếp tục tìm tài liệu và nghiên cứu các môn học của trường ở Ukraina qua website của trường. Ngay khi kết thúc đợt thi cuối kỳ tại trường Ngoại thương, trong tháng này, Linh sẽ phải bay sang Ukraina để thi hoàn tất học phần.
![]() |
"Cô nàng ngôn ngữ" nhí nhảnh trong trang phục đời thường. Ảnh: Nguyễn Hoài. |
Linh cũng bật mí thêm một điều rằng ở Ukraina cô đi học sớm một tuổi, về Việt Nam thành sớm 2 tuổi nên ở đâu cũng là em út. "Vì là em út nên em hay được mọi người chú ý lắm, được các anh chị trong lớp chiều chuộng", Linh nhí nhảnh khoe.
Mặc dù rất bận bịu với lịch học tập, song Diệu Linh tham gia các hoạt động ngoại khóa rất tích cực. Kết quả học tập của cô Á khôi lớp K47 Kinh doanh quốc tế cũng luôn đứng hàng top. Chia sẻ dự định của mình, Linh cho biết, sau khi tốt nghiệp ĐH Ngoại Thương sẽ học tiếp master tại Pháp.
Dù mới về Việt Nam hơn một năm, nhưng Linh đã hòa nhập rất nhanh với cuộc sống nơi này. Linh lý giải, từ lúc biết viết, biết đọc, bố đã dạy, giảng giải cho cô rất nhiều điều về văn hóa của người Việt. Ngoài ra, khi còn sống ở Ukraina, gia đình Linh luôn sử dụng tiếng Việt, ẩm thực Việt Nam, sách tiếng Việt cũng rất nhiều. Ở thành phố cảng Odessa còn có cộng đồng người Việt nên những ngày lễ tết, các hoạt động văn hóa được tổ chức giống như ở Việt Nam.
"Có lẽ khó khăn lớn nhất của em khi về Hà Nội là thích nghi với khí hậu nóng và giao thông", Linh hóm hỉnh chia sẻ về thủ đô.
Thành Hưng - Nguyễn Hoài