An Coong tên thật là Nhã Ân, sinh năm 1991, chị được biết đến như một "ngôi sao" piano trên Youtube với các bản cover đình đám và kênh riêng thu hút hơn 120 nghìn theo dõi. An Coong hiện là du học sinh ở Mỹ, đã đi du học được 8 năm và đang theo học lấy bằng thạc sĩ tại bang Washington. Cùng nghe chị ấy kể về những ngày đầu du học tại đất nước tự do nhất thế giới nhé.

An Coong theo học ngành Tâm lý tại Mỹ.
Ấn tượng đầu tiên khi mình đặt chân đến đất Mỹ đó chính là khí hậu, tuy là mùa hè nhưng vẫn rất mát mẻ và không oi bức như ở Việt Nam. Đường xá rất rộng rãi và sạch sẽ. Những ngày đầu ở nơi đây, mình cảm thấy rất nhớ nhà. Món ăn không phù hợp với khẩu vị cũng là một khó khăn của mình, nhiều lúc mình phải ăn mì gói vì không quen món ở Mỹ. Khó khăn trong giao tiếp cũng là một rào cản lớn của mình, đôi khi mình không thể hiểu người đối diện đang nói gì. Hic! ôi phải làm sao bây giờ?.
Nhưng rồi mình đã tìm ra cách để khắc phục những khó khăn đó, mình trao đổi nhiều hơn với các bạn học sinh Mỹ để luyện khả năng giao tiếp, tham gia nhiều hoạt động ở trường hơn. Quan trọng nhất là trau dồi thêm vốn từ vựng của mình bằng cách đọc nhiều sách. Mình làm quen với những món ăn nơi đây và rảnh lại ra siêu thị mua đồ về tự nấu.
Buổi học đầu tiên của mình rất nhiều bất ngờ. Lớp học rất ít học sinh, chỉ khoảng 20 người. Giáo viên rất thân thiện, tạo điều kiện cho chúng mình tự làm quen và tìm hiểu về môn học và cách giảng dạy. Có một sự cố là ở môn học đầu mình đã đi nhầm lớp, phải đến ngày thứ hai mình mới biết lớp học chính xác của mình.

Một lớp học tại Mỹ. Ảnh: Julian Germain
Có lẽ bắt đầu làm quen với cuộc sống tự lập là một sự thay đổi lớn của mình. Mình phải tự làm hết mọi việc mà khi ở với gia đình mình ít khi nào nghĩ tới. Khi đó, mình ở với gia đình host người Mỹ, thời gian đầu còn cảm thấy rất xa lạ vì cảm giác không thân thuộc, nhưng dần dà mình đã bắt chuyện với họ nhiều hơn, tham gia nhiều hoạt động của gia đình và coi họ như người thân trong gia đình.
Ở Mỹ mình có thể tự chọn môn học mình thích, mỗi bạn học sinh sẽ có một thời khoá biểu khác nhau, chứ không gò bó. Hơn nữa giáo dục ở Mỹ đề cao tư duy của học sinh, vì vậy họ khuyến khích học sinh tự tìm câu trả lời cho mình thay vì cố gắng nhồi nhét kiến thức có sẵn trong giáo trình. Đối với mình đó là một sự tự do mà bất kỳ học sinh nào nên có.
![]() |
GMC Giang (ghi)