The King's speech (Bài diễn văn của nhà vua) là bộ phim lịch sử Anh, do Tom Hooper làm đạo diễn, với sự tham gia của các diễn viên Colin Firth, Geoffrey Rush, Helena Bonham Carter. Phim được đánh giá là tác phẩm thành công lớn về doanh thu lẫn phê bình. Chỉ với 15 triệu USD chi phí sản xuất, phim đã thu về hơn 400 triệu USD trên toàn thế giới.
![]() |
Bộ phim nói về tật nói lắp của Vua George VI. |
Bộ phim nhận được nhiều đề cử và giải thưởng, tiêu biểu có giải Quả cầu vàng cho nam diễn viên xuất sắc (Colin Firth) và 4 giải Oscar cho Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc (Tom Hooper), Diễn viên chính xuất sắc (Colin Firth), Kịch bản gốc xuất sắc (Seidler).
Nội dung phim xoay quanh Vua George VI bị mắc chứng nói lắp. Cũng vì tật này mà khi còn là hoàng tử Albert, ông không nhận ngai vàng. Dù vua cha George V rất thích Albert và muốn ông lên ngôi hơn là người anh trai - hoàng tử David nhưng việc nói lắp đã làm cản trở điều đó. Vợ của ngài - Elizabeth đã tìm đến Lionel Logue, một bác sĩ trị liệu không có bằng cấp nhưng từng chữa trị thành công những trường hợp như vậy. Lionel Logue tiếp cận và giúp Albert một vài bài tập nhưng không thể cải thiện được chứng nói lắp của ông.
![]() |
Nhà vua và vợ tìm cách để chữa chứng bệnh này. |
Khi vua George V băng hà, David lên ngôi và trở thành vua Edward VIII. Hoàng tử Albert tưởng rằng mình sẽ sống chung với tật nói lắp suốt đời và bình yên làm một quý tộc nhàn hạ. Thế nhưng người anh trai David lại quyết định rời bỏ ngai vàng để đi theo tiếng gọi của tình yêu. Điều này bắt buộc Albert phải trở thành người kế vị. Bằng mọi giá, ông phải chữa bệnh nói lắp của mình. Với sự giúp đỡ của Lionel Logue, Albert dần mở lòng mình hơn và hé lộ bệnh nói lắp của ông là do những tổn thương từ ngày bé.
Lấy một đề tài lịch sử lại là khía cạnh đời thường của Vua George VI nhưng cách xây dựng nội dung đã giúp The King's speech cuốn hút số đông khán giả. Kịch bản phim không có nhiều phân đoạn quá gay cấn nhưng đổi lại, sự hài hước và chân thực đã giúp The King's speech ghi điểm.
Sự “lạ” của The King's speech cũng nằm ở việc khai thác chi tiết Vua George VI nói lắp. Từ một tật xấu của nhà vua, đạo diễn Tom Hooper đã vẽ lại cả cuộc đời của nhân vật này với những khía cạnh ít người biết tới. Vua George VI, khi còn là hoàng tử Albert bị nói lắp vì những ám ảnh khủng khiếp thời ấu thơ, như sự lạnh lùng của người cha, việc bị ép chuyển từ thuận tay trái sang tay phải, bị đánh do chân không đứng thẳng...
![]() |
Những cách thức điều trị của bác sĩ Lionel đã giúp nhà vua mở lòng mình. |
Từ những câu chuyện vụn vặt đó, khán giả nhận ra đằng sau một vị vua là điều gì và cái giá phải trả cho ngai vàng không bao giờ là nhỏ.
Bài phát biểu cuối phim của Vua George VI được xem là chi tiết đắt giá nhất. Sau bao tháng ngày điều trị với cách thức đặc biệt của bác sĩ của Lionel Logue, Albert cũng có cách đối mặt với chứng nói lắp của mình. Vào tháng 9/1939, ông bắt buộc phải đọc một bài diễn văn trước toàn dân chúng để tuyên chiến với Đức. Nhà vua đã triệu tập Logue tới điện Buckingham. Trong suốt bài phát biểu, với sự trợ giúp của vị bác sĩ, George VI đã nói rất rõ ràng, rành mạch. Thậm chí, đến phần cuối, nhà vua gần như không cần sự trợ giúp của Logue nữa. Kết thúc bài phát biểu, nhà vua cùng gia đình bước ra ban công của cung điện, nhận được sự hoan hô nhiệt tình của dân chúng.
Cuối cùng, Vua George VI đã vượt qua được những ám ảnh và buồn tủi thời thơ ấu để thoát khỏi chứng nói lắp, cũng như lấy được sự tự tin. Bài phát biểu không chỉ khích lệ tinh thần của toàn thể người dân Anh quốc đang đứng trước bờ vực của chiến tranh mà còn khích lệ chính nhà vua khi ông đã có thể gạt bỏ hoàn toàn quá khứ đáng buồn của mình.
Trích đoạn cuối cùng của phim
Chi Chi