Ngày 8/6, Bệnh viện Phổi Bắc Giang có một bệnh nhân được cai ECMO và ba người được rút ống nội khí quản, kết thúc thở máy. Các trường hợp này dự kiến được công bố khỏi bệnh trong 1- 2 ngày tới.
Là người trực tiếp điều trị những ca Covid-19 nặng tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang, BSCKII Trần Thanh Linh, đội trưởng đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, cơ sở này có 56 bệnh nhân nặng, trong đó có 6 người phải thở máy. Trong số ca bệnh nặng có bệnh nhân N.H.T, 61 tuổi, mắc Covid-19 và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang từ ngày 27/5 trong tình trạng khó thở, ho, SpO2 78%, được đặt nội khí quản, thở máy và lọc máu.
Sau đó, ông T được chuyển tới Bệnh viện Phổi Bắc Giang. Đến sáng 1/6 chuyển biến nặng hơn, giảm oxy máu, ứ CO2. Cùng ngày, các bác sĩ đã tiến hành đặt ECMO cho bệnh nhân. Sau một tuần, ông T đã cai ECMO thành công.
Bệnh nhân N.V.G., 34 tuổi, quê Lục Nam, Bắc Giang cũng đã được cai thở máy vào sáng 4/6 sau 12 ngày điều trị, đồng thời có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính với Covid-19. Tuy nhiên, bệnh nhân còn dấu hiệu ho và phổi chưa tốt lắm nên bác sĩ vẫn giữ lại tại phòng riêng theo dõi thêm 2 ngày rồi mới thông báo cho ra viện.
Hiện, 3/6 bệnh nhân thở máy cũng đã được rút ống nội khí quản. Riêng các bệnh nhân nhẹ, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm lần 1, 2 âm tính đang được chuyển lên khu riêng tại tầng 3 để đỡ nguy cơ tái nhiễm, hoặc lây nhiễm chéo.
Hiện Bệnh viện Phổi Bắc Giang chỉ còn một bệnh nhân thở máy, tiên lượng nặng. Đội ngũ y bác sĩ đang cố gắng kiểm soát, theo dõi sát diễn tiến ca bệnh để hạn chế việc can thiệp ECMO.
![]() |
BS Trần Thanh Linh thông báo trong sáng 8/6 có 1 bệnh nhân đã cai ECMO. Ảnh: Bộ Y tế |
Bác sĩ Trần Thanh Linh bày tỏ, trước có đến 6 bệnh nhân thở máy khiến đội ngũ nhân viên y tế bị choáng ngợp và căng thẳng. Đến hôm nay, phòng ICU bắt đầu trống, không thấy máy móc chằng chịt, tinh thần mọi người rất phấn khởi, đặc biệt khi ca đặt ECMO đầu tiên sau một tuần đã cai ECMO thành công, ca thở máy đầu tiên chuẩn bị được xuất viện.
"Khi các bệnh nhân nặng diễn biến tốt lên, họ đều rất dễ thương. Như ông N.H.T được rút ống thở đã khóc bởi vừa xúc động vừa lo sợ. Còn anh N.V.G sau khi cai thở máy, câu đầu tiên anh hỏi là 'Cái ví của em đâu rồi?'. Bệnh nhân khác lại hỏi: 'Điện thoại em đâu?'... khiến ai nấy đều bật cười", bác sĩ Linh nhớ lại.
Hầu hết các bệnh nhân đều tỉnh táo, nói chuyện bình thường, ăn qua miệng được rồi. Chỉ có bệnh nhân N.H.T mới cai ECMO nên vẫn ăn qua ống sonde.
Thúy Quỳnh