Suy nghĩ chậm lại
Khi tranh luận đã lên cao trào, cả đôi bên cùng khó giữ vững tâm lý và để cảm xúc chi phối quyết định của mình. Vì thế, đừng nhanh chóng đưa ra câu khẳng định nào. Bạn hãy suy nghĩ chậm lại một chút để lý trí soi xét, phân tích mọi việc sáng rõ hơn.
|
Khi bạn đang "sầu" hay xì trét vì vụ gì đó, đừng tranh luận gì với bố mẹ nhé. Bạn sẽ dễ bị nổi khùng lên đấy. Ảnh: Chóe |
Đếm đến 10
Đây chính là phương pháp giúp bạn nghĩ chậm lại để suy xét trước khi hành động. Hít thở thật sâu và đếm từ từ, sau đó tự hỏi làm thế nào để giải quyết mọi việc tốt hơn. Có thể bạn sẽ nhận ra rằng nó chưa phải thời gian tốt nhất để phản hồi ý kiến của cha mẹ. Khi đó, công việc của mình là chọn thời gian thích hợp khác, khi cả đôi bên cùng đã bình tĩnh để nói chuyện lại cùng phụ huynh.
Nghĩ về những cái tốt của cha mẹ
Hãy nhớ về những lúc cha mẹ thật tuyệt vời với bạn. Này nhé, cha mẹ đã tặng những món quà mà bạn ao ước bao lâu, những buổi cả gia đình cùng vui cười bên nhau, những lời chia sẻ, sự vuốt ve, vỗ về của mẹ… để cân bằng cảm giác tiêu cực về phụ huynh lúc này nhé. Khi tức giận, có ai đáng yêu đâu.
Nhắc nhở bản thân rằng "chiến đấu không giải quyết được vấn đề"
Các trận chiến thường không giải quyết được vấn đề như bạn mong muốn. Có thể bố mẹ buộc phải chiều lòng bạn nhưng sau cuộc khẩu chiến, chắc chắn cả hai bên đều chẳng dễ chịu trong lòng dù kết quả ra sao. Bạn có thể chọn cho mình cách giải quyết đơn giản hơn với một cái đầu lạnh và thực sự bình tĩnh. Vì vậy, hãy luôn nhớ đến một giải pháp hòa bình trước khi nghĩ về việc gây chiến nhé!
Xem xét áp lực khác trong cuộc sống của cha mẹ
Có thể cha mẹ đã không đúng khi quá gay gắt với bạn ngày hôm đó, nhưng hãy xem cha mẹ mình có bị áp lực gì trước đó không. Liệu cha mẹ của bạn có đang bị ốm? Có phải hôm nay cha mẹ làm việc quá mệt mỏi?... Hãy xem xét lại những điều đó để cảm thông với bố mẹ. Đừng tăng thêm stress cho những bậc sinh thành. Và cách khôn ngoan là tránh những lúc cha mẹ mệt mỏi để tranh luận về điều gì đó.
Thư giãn và xả stress cho tinh thần thoải mái để giữ bình tĩnh khi trao đổi với cha mẹ vấn đề có thể gây tranh cãi hay chắc chắn nhận được sự phản đối từ họ. |
Xem xét tâm trạng chính mình
Điều này cũng khá quan trọng đấy. Bởi khi bạn không khỏe hay mới “gây chiến” với ai đó, tâm trạng của bạn chắc chắn không thoải mái rồi. Lúc đó, đảm bảo dù là ai làm điều gì không hợp ý bạn, bạn cũng sẽ phát “khùng” lên cho xem. Nhớ là, đừng đem cảm xúc hay cái nhìn không tốt về ai đó vừa làm bạn “ghét” đối xử với thành viên trong gia đình mình hay bạn bè nhé.
Lịch sự "hẹn lịch" trò chuyện cùng cha mẹ
Khi bạn thật sự mệt mỏi mà cha mẹ yêu cầu nói chuyện về vấn đề gì đó, hãy chủ động và lịch sự nói cho họ biết về tâm trạng không tốt của bạn lúc này. Lên lịch nói chuyện cùng bố mẹ vào một thời gian hợp lý khác, khi bạn đã “tĩnh tâm” trở lại, đó sẽ là cách tốt hơn đấy.
Lời khuyên:
Khẩu chiến là điều không thể tránh khỏi và đôi khi phản kháng cũng là cách cần thiết để giải quyết một vấn đề nào đó. Tuy nhiên, bạn sẽ thấy thoải mái và tự hào hơn khi sau tranh luận, mọi chuyện đi đúng theo hướng bạn muốn mà cả hai bên vẫn giữ được bình tĩnh. Kìm chế cảm xúc là một kỹ năng khó nhưng lại nhiều hữu ích.
Hãy nhớ rằng, cha mẹ cũng là người bình thường nên đôi khi cũng mắc sai lầm mà.
Nếu bạn nhận thấy mình có “nguy cơ” giận dữ thì trước khi nói chuyện cùng ai đó, hãy cân bằng lại cảm xúc bằng cách tập thể dục hay nghe nhạc, thư giãn đi nhé!
Tiểu thư lắm chiêu