Lập khoản dự phòng
Với số tiền lì xì của mình, teen tốt nhất dành một khoản tiền dự phòng khi ốm đau. Theo các chuyên gia tài chính, bạn nên trích khoảng 10% thu nhập của mình vào khoản này và tạm thời “quên” nó đi. Không chỉ với tiền lì xì đầu năm mà đó có thể là bất kể khoản tiền nào bạn có : thưởng, phúc lợi, lương làm thêm... Khoản dự phòng này bạn nên để mở sổ tiết kiệm có kỳ hạn từ 6 tháng đến 1 năm để vừa có lãi tăng thêm, vừa ổn định giá trị đồng tiền.
![]() |
Tiêu tiền lì xì cũng khiến không ít teen đau đầu. Ảnh minh họa: Sanh Võ. |
“Lần đó khi tham dự chương trình quản lý tài chính cá nhân, mình lập ngay khoản dự phòng cho những trường hợp cấp thiết. Đến khi trái gió trở trời đột xuất mà ở quê bố mẹ chưa gửi tiền kịp, rất may đã có khoản dự phòng mà mình không phải vay mượn bạn bè”, Kim Ngân tâm sự.
Học tập
Khoản này bạn nên trích ra 40% thu nhập và lập kế hoạch chi tiêu hợp lý. Một quyển sổ nho nhỏ sẽ là “trợ thủ” đắc lực giúp bạn kiểm soát chi tiêu của mình. Nếu tháng đó xài chưa hết, bạn nên để dành cho tháng sau, để chẳng may bị “thâm hụt” ngân sách, bạn có thể cân đối từ những khoản còn dư của tháng trước. Việc chi tiêu hoàn toàn do bạn quyết định mà.
“Dân gian thường bảo đầu tư cho giáo dục không bao giờ bị lỗ vì ‘1 vốn nhưng… 40 lời’ nên mình mới trích ra 40% là vậy. Trước kia, mình tiêu dùng không có kế hoạch nên luôn trong tình trạng bị ‘viêm màn túi thời kỳ cuối’. Sau khi có hầu bao năm mới, mình lên kế hoạch chi tiêu cho cả năm trong chuyện học tập”, Trần Hoàng giải bày.
Tiêu dùng cá nhân
![]() |
Chỉ nên dùng 20% để chi tiêu cá nhân. Ảnh: FB. |
Bạn nên dành 20% thu nhập cho khoản lì xì và lên kế hoạch thật chi tiết trước khi sử dụng. Chúng ta có thói quen “thấy gì mua nấy” mà quên đi việc lập kế hoạch vì cho rằng mất công, phí thời gian... Nếu khoản chi tiêu nào bạn cũng bảo “cái này ít mà” thì nhiều lần như thế sẽ là một con số không nhỏ. Nếu mua hàng tiêu dùng, vào những ngày thường, bạn nên canh vào thời điểm giảm giá bên ngoài; còn nếu những hôm “sốt giá” như tết, vào siêu thị sẽ rẻ hơn rất nhiều.
Tiết kiệm thật sự
Sau khi chi hết mọi khoản chi tiêu trên thì 30% này sẽ dùng để tiết kiệm. Khác với khoản dự phòng, teen luôn dùng đến khoản này để “chữa cháy” khi những khoản trên vượt quá mức cho phép. Hiện nay có 3 loại thẻ có thể làm trợ thủ đắc lực của teen trong vấn đề này:
- Thẻ ATM bình thường : chỉ để giữ tiền, khi cần rút là có;
- Debit Card (thẻ ghi nợ) : ngoài việc giữ tiền như thẻ ATM thông thường, Debit Card còn có chức năng thanh toán khi mua hàng bằng chính số tiền tiết kiệm của bạn. Có 2 loại là thẻ ghi nợ nội địa (dùng thanh toán trong nước) và ghi nợ quốc tế (sử dụng khi đi du lịch nước ngoài).
![]() |
Gửi tiết kiệm là cách đầu tư hiệu quả nhất cho tiền lì xì. Ảnh: FB. |
- Credit Card (thẻ tín dụng): ngân hàng sẽ cho vay tín chấp có thời hạn, phòng khi quá kẹt tiền teen có thể “mượn tạm” ngân hàng phát hành mà dùng. Trong thời hạn 30 - 45 ngày, bạn phải hoàn trả lại số tiền đã dùng nhé nếu không muốn tên của mình có mặt trong “danh sách đen” của ngân hàng. Nếu không, sẽ rất khó để sau này bạn vay tiền ở các ngân hàng khác đó.
Hy vọng những bí kíp trên đây sẽ giúp teen nhà mình vui xuân phơi phới nhưng hầu bao vẫn rủng rỉnh nhé.
Tiến Đạt