Thứ bảy, 14/11/2020, 12:00 (GMT+7)

Bồ câu đua: Thú chơi xa xỉ được giới nhà giàu Trung Quốc mê mẩn

Đua bồ câu trở thành loại hình giải trí được ưa chuộng đặc biệt tại Trung Quốc trong những năm gần đây, bất chấp việc 'bị dẹp' dần.

Mặc dù châu Âu có thể là nơi khai sinh của đua bồ câu hiện đại, Trung Quốc trở thành nơi "thịnh" nhất của loại hình này. Giới nhà giàu nước này không ngần ngại chi tiền, thậm chí cả triệu USD để sở hữu được những "tay đua" xuất sắc nhất. "Khi có tiền, không gì là không thể", Sun Yan - Phó tổng thư ký Hiệp hội Đua bồ câu quận Xương Bình, Bắc Kinh - cho biết.

Mỗi khi vào mùa đua bồ câu, Zhang Yajun (55 tuổi) đều thức dậy từ 4h sáng khi trời còn chạng vạng. Ông cẩn thận xếp lồng tre cùng 76 con chim bồ câu quý giá của mình lên xe tải. Người đàn ông lái xe hơn 200 km từ nhà ở Bắc Kinh đến nơi thả chim. Đó là nơi họ huấn luyện bầy bồ câu cho "mùa giải" sẽ diễn ra vào tháng 10 và tháng 11. Tổng giải thưởng các cuộc đua có thể lên đến hàng triệu USD.

Có khoảng 100.000 người nuôi bồ câu sống ở Bắc Kinh, theo Sun Yan. "Đua chim bồ câu là một nét văn hóa, nhưng nó cũng là một môn thể thao".

Sự mê mệt môn thể thao này thể hiện rõ khi hồi tháng 3/2019, con chim bồ câu đua có tên Armando được một đại gia Trung Quốc mua với giá gần 1,4 triệu USD. Armando được miêu tả là "ngôi sao danh giá" trong làng đua bồ câu ở Bỉ. Theo PIPA (Pigeon Paradise), "Armando là chú bồ câu đường dài cừ khôi nhất mọi thời đại", được mệnh danh là "Lewis Hamilton trong thế giới bồ câu".

Vừa qua, một con bồ câu khác là New Kim, 2 tuổi, đến từ Bỉ, soán danh hiệu chim bồ câu đắt nhất thế giới của Armando sau khi được một "đại gia Nam Phi" đấu giá 1,5 triệu USD.

Một con chim bồ câu đua ở Trung Quốc.

Zhang cho biết: "Đó là một thú vui tốn nhiều công sức. Nhưng một khi bạn đã bước chân vào, bạn sẽ nghiện".

Đua bồ câu ăn tiền lần đầu được ghi nhận vào cuối đời nhà Minh, từ năm 1368 - 1644. Khi môn giải trí này trở nên nổi tiếng, bồ câu châu Âu bắt đầu được nhập khẩu vào Trung Quốc. Nhưng đến thời nhà Thanh, kết thúc vào năm 1912, đua bồ câu bị cấm vì triều đình lo sợ hội nhóm âm mưu tạo phản.

Cho đến những năm 1930, loại hình giải trí này mới dần được hồi sinh ở Thượng Hải, lúc này là thuộc địa của Anh. Các hiệp hội đua và nuôi bồ câu nhanh chóng hình thành tại các thành phố ở khắp Trung Quốc. Môn này trở thành thú tiêu khiển cho giới lắm tiền nhiều của.

Sun nói: "Các cuộc đua chim bồ câu ở Bắc Kinh là những cuộc đua chuyên nghiệp nhất ở Trung Quốc. Mặc dù châu Âu là nơi sản sinh ra trò đua chim bồ câu hiện đại, Trung Quốc đã trở thành nơi đua chim bồ câu nóng nhất với lượng đầu tư lớn", ông nói.

Người nuôi chim có thể gửi bồ câu đến trung tâm huấn luyện hoặc tự đào tạo "con cưng" của họ. Khi đến ngày đua, họ sẽ đưa những con chim di chuyển hàng trăm dặm đến nơi tổ chức.

Bồ câu về đích sẽ đáp trên một bảng điện tử trước khi chui vào lồng. Tin nhắn báo hoàn thành cuộc đua sẽ được gửi tự động đến ban tổ chức. Tên của con bồ câu nhanh nhất và người chủ thắng cuộc sẽ được thông báo trên diễn đàn sau đó. Phí đăng ký tham dự cuộc đua với mỗi con bồ câu là vài chục nhân dân tệ. Tuy nhiên, một số người giàu có sẵn sàng cho "cả đàn" hàng trăm con tham gia để tăng xác suất thắng giải. Những người nuôi chim khiêm tốn hơn thì chọn vài chục con tốt nhất để đi thi.

Bồ câu đua được ví như "môn thể thao đắt đỏ". Zhang kể, ông mang bồ câu đến một cánh đồng ngô ở tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh khoảng 80 km về phía nam để bay thử. Khoảng 40 phút sau, ông thấy chim về tổ thông qua một camera gắn trên mái nhà. Đó là một tốc độ chấp nhận được, Zhang cho hay.

Zhang từng là giám đốc một nhà máy sản xuất nước giải khát của nhà nước, đã về hưu gần 20 năm. Ông tốn khoảng 100.000 nhân dân tệ (khoảng 14.900 USD) mỗi năm để chăm sóc bồ câu, bao gồm chi phí cho thực phẩm, thuốc men, di chuyển, trang thiết bị và đăng ký đua. Ông bảo mình thường hụt tiền, nhưng ông không tính toán quá kỹ chi phí và tiền thưởng.

Ông Zhang sống ở tầng trên cao của một khu chung cư tại Bắc Kinh. Ông cho lắp một giếng trời, thông lên sân thượng chung cư và dẫn tới chuồng bồ câu rộng 10m2 của mình. Đàn bồ câu của ông phần lớn nhập từ nước ngoài, ở Bỉ và Hà Lan, nhưng không thuần chủng. Những giống này "to con" và "bền bỉ" hơn bồ câu trong nước và được nuôi như thú cưng.

Zhang cho biết mỗi mùa xuân, khoảng 100 con chim bồ câu được sinh ra trên mái nhà này, nhưng đến mùa thu chỉ còn khoảng 20 con. Chúng bị lạc, bệnh chết hoặc bị thương khi luyện tập, hoặc cũng có thể là va vào cột điện trên đường bay về.

Con bồ câu có thành tích nhất của ông sinh năm 2004, từng giành được hạng 7 trong cuộc đua dài 350 km ở Bắc Kinh hồi 2011. Hiện ông giữ nó làm chim giống.

Ông Zhang bảo, điều thú vị nhất của môn này là "đầy rẫy những bất ngờ". "Bạn sẽ chẳng bao giờ biết được mình vô tình sở hữu siêu sao vào năm sau hay không. Đây là môn thể thao khiến cho ta có đủ cảm xúc ganh đua, cay đắng, hạnh phúc lẫn tham vọng. Những cảm xúc này khiến cuộc đua thêm hấp dẫn", ông nói.

Chim bồ câu đắt nhất thế giới: 1,5 triệu USD, có vệ sĩ riêng
 
 
Video: Pipa.

Dù vậy, thú chơi tốn tiền này cũng có không ít rắc rối. Ông Zhang cho biết nạn bắt trộm bồ câu cũng là vấn đề đau đầu. Và việc gian lận cũng không hiếm. Tháng 4/2018, hai người đàn ông tham gia cuộc thi ở Thượng Hải đã giấu bồ câu trong thùng sữa rồi bắt tàu tốc hành từ Hà Nam về thành phố để giành phần thưởng 147.000 USD. Tuy nhiên, việc bồ câu hoàn thành đoạn đường 750 km nhanh bất thường đã khiến âm mưu gian lận bại lộ. Hai người bị phạt tiền và nhận án tù treo ba năm.

Đầu 2017, thành phố phát động chiến dịch cải tạo mỹ quan đô thị. Nhiều ngôi nhà buộc phải phá hủy chuồng bồ câu vì không đúng thiết kế và không hợp tiêu chuẩn thẩm mỹ chung.

Zhang Jian - một người nuôi chim khác - cho biết 4 lồng chim bồ câu lớn trên mái nhà của anh cũng bị phá bỏ. Song anh vẫn may mắn giữ được 4 lồng khác trong nhà với gần 100 con. Jian cho biết chiến dịch chỉ mới nhắm đến nhà hẻm, chứ chưa mở rộng sang những căn chung cư như nơi anh đang sống. "Tôi có thể làm gì đây? Sự phát triển của Bắc Kinh đã xua đuổi hết các giống loài xinh đẹp này. Chim bồ câu giờ chỉ có thể sống trong những tòa nhà thiết kế trái quy định. Cũng không biết điều này kéo dài bao lâu".

Huyền Anh (Theo CNN)