Một nghiên cứu gần đây cho thấy hiện tượng kỳ thú, cá trê săn chim bồ câu. Những con cá trê sống ở sông Tarn, tây nam nước Pháp được phát hiện đã nhảy khỏi mặt nước để đớp chim bồ câu trên bờ, khi chúng không cảnh giác trước khi quẫy người xuống nước trở lại để nuốt con mồi. Hành động này tương tự với cách thức mà một số loài sinh vật biển tiếp cận bờ biển để săn mồi. Tuy nhiên, người ta chưa bao giờ ghi nhận cá trê trong tự nhiên lại có bản năng này. Nghiên cứu trên do nhóm các nhà khoa học thuộc đại học Toulouse thực hiện.
Họ gọi những con cá trê hung tợn tại sông Tarn là “cá voi sát thủ nước ngọt”. Có chiều dài khoảng từ 1m đến 1,5m, loài cá trê này là cá nước ngọt lớn nhất châu Âu và lớn thứ ba trên thế giới. Nạn nhân của chúng chính là các chú chim bồ câu có tên khoa học là Columbia livia vốn đang kiếm ăn và tắm mát tại khu vực mép sông Tarn. Hầu hết cá trê đều săn mồi ở dưới đáy sông, ăn thực vật thủy sinh, các loài cá nhỏ hơn, trứng cá, ốc sên và cá tuế. Tuy nhiên, ở sông Tarn, nơi mà những con cá trê hình thành bản năng tự nhiên là bắt con mồi trong điều kiện môi trường mới, trên mặt nước.
Các nhà nghiên cứu đã dành 5 tháng để quan sát các con cá từ một cây cầu bắc qua sông Tarn. Trong suốt thời gian đó, họ đã bắt gặp 54 cuộc đi săn của cá trê. Tỷ lệ bắt được con mồi thành công là 28%. Hơn nữa, thời gian của cuộc tấn công thường diễn ra rất nhanh, chỉ kéo dài khoảng từ một tới không quá 4 giây.
Trong đó, có tới hơn 40% trường hợp loài cá này lao lên khỏi mặt nước, khoảng hơn nửa thân mình, để bắt chim. Cá trê có hai cái râu dài và rất nhạy cảm quanh miệng. Và chúng thường sẽ duỗi thẳng ra trong quá trình chúng dò tìm và tấn công chim bồ câu, điều này chứng tỏ chúng cảm nhận được sự rung động của con mồi khi ở mép nước.
Ngoài ra, cá trê chỉ tấn công những con chim đang di chuyển. Điều đó có nghĩa, chúng sử dụng các dao động của nước để săn các con mồi hơn là cách quan sát bằng mắt. Được biết, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra guyên nhân sinh thái học dẫn tới việc thích nghi kỳ lạ của cá trê sông Tarn.
Cá trê khổng lồ châu Âu là loài động vật ngoại lai, chúng đến cư trú ở sông Tarn từ năm 1983 và hiện đang phát triển mạnh tại đây. “Khi nguồn thức ăn ở sông Tarn khan hiếm hơn, những con cá trê buộc phải săn bồ câu để tồn tại”, ông Julien Cucherousset, đến từ đại học Paul Sabatier, Pháp, đặt giả thuyết.
Clip: Cá trê nhảy lên bờ để săn bồ câu |
Froyo