iOne – Trang giải trí dành cho giới trẻ
  • News
  • Stars
  • Style
  • Movies - Muzik
  • Horoscopes
  • Funland
  • Girls - Boys
  • Video
  • Photos
KPOP KPOP
Love Haha Omg
  • Home

  • News

    Vietnam

    World

    Lifestyle

    Sports

  • Stars

    Vbiz

    Asia

    US-UK

  • Style

    Fashion

    Star Style

    Contest

    Beauty

  • Movies - Muzik

    Movies

    MV-Trailer

    Muzik

  • Horoscopes

    Daily

    Tarot

    Horo+

    Tests

  • Funland

    Quiz

    Fun Stuff

    FunVid

  • Girls - Boys

    Dating

    How-to

    Góc để chill

  • Video

    Lifestyle

    MV - Trailer

    Style

    Sports

  • Photos

  • Contact us

    Liên hệ tòa soạn

    Đóng góp ý kiến

Connect

Thứ ba, 17/3/2020, 06:51 (GMT+7)

Các nước châu Âu 'phải hành động táo bạo để ngăn Covid-19'

Hans Kluge - Giám đốc khu vực châu Âu của WHO - nói tại cuộc họp báo 17/3: 'Các quốc gia châu Âu phải có những hành động táo bạo nhất để ngăn chặn Covid-19'.

Giờ Hà Nội (GMT+7)

Tóm tắt 24h qua

* Hàng loạt quốc gia châu Âu đóng cửa biên giới trong cuộc chạy đua vội vã chống dịch: Canada, Pháp, Nga...; Thụy Sĩ ban bố tình trạng khẩn cấp, Đức hạn chế đi lại và ngừng các dịch vụ không thiết yếu

* Brazil xác nhận ca tử vong đầu tiên trong số 301 trường hợp dương tính kể từ khi dịch bùng phát.

* Mỹ phong tỏa 6,7 triệu dân vùng San Francisco

* Số ca nhiễm và tử ở Italy tăng chóng mặt, đã gần 28.000 ca bệnh và 349 người tử vong

* Trung Quốc, Hàn Quốc dù tăng nhẹ các ca nhiễm mới vẫn là dấu hiệu lạc quan hiếm hoi của thế giới trong cuộc chiến với Covid-19.

Chi tiết
Mới nhất Cũ nhất
  • 22h50

    WHO kêu gọi các nước châu Âu 'hành động táo bạo'

    Hans Kluge - Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, nói trong một cuộc họp báo chiều 17/3 (giờ địa phương): "Các quốc gia châu Âu phải có những hành động táo bạo nhất để ngăn chặn hoặc làm chậm mối đe dọa từ Covid-19. Những suy nghĩ kiểu như 'dịch bệnh này không liên quan đến nước chúng tôi' không phải là một sự lựa chọn đúng đắn".

    WHO cũng kêu gọi các nước ở Đông Nam Á tăng cường các biện pháp chống lại Covid-19: "Các biện pháp khẩn cấp và tích cực đang khá chậm chạp. Chúng ta cần phải hành động ngay".

    Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh WHO xác nhận hai nhân viên đầu tiên dương tính với nCoV. Đến nay, toàn thế giới ghi nhận 188.435 ca nhiễm nCoV, 7.503 người chết và 80.855 ca xuất viện.

  • 21h30

    Brazil báo cáo ca tử vong đầu tiên

    Giới chức Sao Paulo thông báo cái chết đầu tiên của bệnh nhân nhiễm nCoV tại Brazil. Bệnh nhân là một người đàn ông 62 tuổi. Chữa rõ liệu người này có mắc các bệnh nền trước đó hay không. Thông tin chi tiết sẽ được tiết lộ trong một cuộc họp báo vào chiều 17/3 (giờ địa phương).

    Đến nay, Brazil ghi nhận 301 trường hợp dương tính với nCoV.

  • 19h45

    Euro 2020 hoãn sang 2021

    UEFA quyết định hoãn EURO 2020 do ảnh hưởng của Covid-19. Ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu sẽ diễn ra vào mùa hè năm 2021. Quyết định này được UEFA đưa ra sau khi tổ chức cuộc họp với 55 liên đoàn thành viên, cùng với Hiệp hội các Câu lạc bộ châu Âu và đại diện các giải đấu.

    Trước đó, vòng chung kết EURO 2020 dự kiến tổ chức tại 12 thành phố ở 12 quốc gia châu Âu khác nhau từ tháng 6 đến tháng 7 năm nay.

  • 18h40

    Tây Ban Nha và Iran tăng hơn 1.000 bệnh nhân sau 24h

    12h trưa (giờ địa phương) ngày 17/3, Tây Ban Nha xác nhận thêm 1.236 ca nhiễm nCoV mới và 149 ca tử vong sau 24h. Quốc gia này hiện ghi nhận tổng cộng 11.178 bệnh nhân, 491 người chết và 530 ca hồi phục.

    "Chúng tôi sẽ không loại trừ việc đóng cửa đường hàng không", Bộ trưởng Nội vụ Fernando Grande-Marlaska cho biết hôm nay sau khi biên giới đất liền giữa Tây Ban Nha với Pháp và Bồ Đào Nha đã bị đóng cửa vào tối thứ 2.

    ETTiREgWAAAQ1qv-3582-1584445756.jpg

    Đường phố Madrid vắng lặng sau lệnh phong tỏa. Ảnh: AA.

    Iran cũng vừa cập nhật số liệu mới về tình hình Covid-19. Theo đó, sau 24h số ca nhiễm nCoV ở Iran tăng thêm 1.178, 135 trường hợp tử vong mới. Tổng số bệnh nhân tại quốc gia Tây Á này là 16.169 người, trong đó có 988 ca tử vong, 5.389 ca hồi phục.

    Tính đến nay, Iran và Tây Ban Nha lần lượt xếp thứ 3 và 4 trong danh sách những quốc gia có số ca nhiễm nCoV cao nhất thế giới, sau Trung Quốc và Italy. 

  • 18h00

    Nghị sĩ quốc hội Malaysia dương tính nCoV 

    Tiến sĩ Kelvin Yii Lee Wuen (33 tuổi), một chính trị gia từ Đảng Dân chủ Malaysia, được xác nhận dương tính nCoV chiều 17/3. 

    Anh từng du học tại Đại học London, hiện là thành viên Quốc hội đại diện khu vực Kuching. Kelvin được cho nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc gần với nghị sĩ Wong Ling Biu - người dương tính với nCoV vào ngày 15/3.

    Tiến sĩ Kelvin Yii Lee Wuen trong bệnh viện.

    Tiến sĩ Kelvin Yii Lee Wuen trong bệnh viện.

    Hiện Yii nhập viện để điều trị cách ly tại bệnh viện đa khoa Sarawat. "Tôi không có triệu chứng và trong tình trạng ổn định", anh chia sẻ trên trang cá nhân.

    Yii gặp ông Wong vào ngày 2/3, nhưng không có thấy bất cứ triệu chứng nào trong 14 ngày qua. Ông Wong (61 tuổi) đã tham dự một số cuộc họp tại Kuala Lumpur từ ngày 29/2 đến 2/3, trước khi quay trở lại Sibu, Sarawak. Wong nhập viện ngày 13/3 tại bệnh viện Sibu và đang trong tình trạng ổn định.

  • 17h18

    Malaysia báo cáo hai ca tử vong

    Một mục sư 60 tuổi đến từ thành phố Kuching, bang Sarawa trở thành người đầu tiên tại Malaysia qua đời vì nCoV. Ông có tiền sử bệnh mãn tính và xuất hiện triệu chứng ho, sốt và khó thở vào ngày 7/3. Bệnh nhân được xác nhận dương tính với nCoV vào ngày 15/3 và qua đời vào 11h trưa hôm nay tại bệnh viện Umum.

    Ca tử vong thứ hai là người đàn ông Malaysia 34 tuổi, đã tham dự sự kiện tại nhà thờ Sri Petaling. Người này có triệu chứng sốt và xác nhận nhiễm bệnh ngày 5/3.

    Malaysia xác nhận thêm 107 ca nhiễm mới, nâng tổng số nhiễm lên 673. Quốc gia này đang trở thành điểm nóng mới về dịch ở Đông Nam Á, buộc chính phủ phải ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc. Phần lớn trong số đó có liên quan đến ổ dịch từ buổi lễ cầu nguyện tại nhà thờ Sri Petaling, ở ngoại ô Kuala Lumpur hồi tháng trước. Các nhà chức trách cho biết, khoảng 20.000 người đã tham gia buổi tụ họp tập trung từ 27/2 đến 1/3 với công dân đến từ Bangladesh, Brunei, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

  • 16h20

    Nhiều địa danh du lịch nổi tiếng của Ấn Độ tạm đóng cửa 

    Bộ trưởng Du lịch Ấn Độ, Prahlad Patel, cho biết đền Taj Mahal sẽ đóng cửa từ ngày 17/3 như một biện pháp trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. "Tất cả di tích bán vé và các bảo tàng được chỉ đạo đóng cửa đến hết ngày 31/3", Bộ trưởng Patel nói.

    ff518a741d944848a5ba90a94a2d35-2530-6280

    Đền Taj Mahal. Ảnh: AFP.

    Ngôi đền gần 400 tuổi Taj Mahal (còn được gọi là Tượng đài Tình yêu) là một biểu tượng của Ấn Độ. Quần thể đền - lăng mộ độc đáo nằm ở thành phố Agra, bang Uttar Pradesh. Năm 1983, Taj Mahal được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. 

    Tờ Al Jazeera cho biết, đền Taj Mahal là địa điểm hút khách du lịch nhất ở Ấn Độ, với 7 triệu khách trong năm 2018-2019, doanh thu hơn 11,6 triệu USD. 

    Cùng với Taj Mahal, hàng chục di tích và bảo tàng khắp đất nước, bao gồm cả hang động Ajanta, Ellora và các thánh địa tôn giáo khác như đền Siddhivinayak ở Mumbai cũng đóng cửa. 

    Theo AFP, hầu hết các trường học, trung tâm giải trí, rạp chiếu phim tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới (1,3 tỷ người) cũng đóng cửa. Quốc gia Nam Á ghi nhận 126 ca nhiễm nCoV và 3 ca tử vong. Hôm 16/3, một người đàn ông 64 tuổi qua đời ở bang Maharashtra - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 30 ca được xác nhận

    Các chuyên gia cho biết, hệ thống y tế đã quá tải của Ấn Độ sẽ phải oằn mình để đối phó với sự gia tăng của các ca nhiễm tại quốc gia này. 

  • 16h00

    Iran tạm thả 85.000 tù nhân để ngăn lây nhiễm nCoV

    Phát ngôn viên của cơ quan tư pháp Iran, Gholamhossein Esmaili, cho biết, khoảng 85.000 tù nhân được tạm thả nhằm đối phó Covid-19 tại các nhà tù đông đúc. 

    "Khoảng 50% tù nhân được thả là những tội phạm an ninh. Ngoài ra, trong các nhà tù, chúng tôi thực hiện các biện pháp phòng ngừa để đối phó với dịch bệnh", Esmaili cho biết. 

    Trước đó vào ngày 4/3, Cơ quan tư pháp Iran cho biết, 54.000 tù nhân được phép ra khỏi tù sau khi xét nghiệm âm tính và nộp tiền bảo lãnh. Theo cơ quan này, các tội phạm hình sự bị kết án 5 năm sẽ không được thả. 

    Số ca nhiễm nCoV tại Iran là 14.991 và 853 ca tử vong. Đây là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Hàng loạt quốc gia như Iraq, Kuwait, Afghanistan, Bahrain, Oman, Lebanon và Canada đều báo cáo các trường hợp nhiễm nCoV liên quan đến Iran.

  • 15h50

    Số ca nhiễm Pakistan tăng gấp 3 trong hai ngày 

    CNN đưa tin, Pakistan hôm nay báo cáo thêm 5 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 184 - nhiều hơn ba lần so với số báo cáo chỉ hai ngày trước. Ngày 15/3, Pakistan có 53 trường hợp, trong khi trước đó một ngày mới chỉ có 28 ca. 

    Số ca nhiễm tăng đột biến gần đây được cho xuất phát từ những người hành hương sau trở về sau thời gian bị cách ly hai tuần ở biên giới với Iran.

    Pakistan ban lệnh đóng cửa các trường học, rạp chiếu phim và tòa án, nhưng giao thông công cộng và địa điểm kinh doanh thiết yếu vẫn hoạt động. Ngày 14/3, Pakistan đóng cửa biên giới với Iran và Afghanistan.

  • 12h00

    Hàn Quốc đóng cửa trường học thêm 2 tuần

    Trong cuộc họp chính phủ ở Seoul ngày 17/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo Hàn Quốc cho biết tất cả trường mẫu giáo, trung tâm giữ trẻ, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trong cả nước sẽ hoãn năm học mới 2020 thêm hai tuần nữa. "Năm học mới 2020 sẽ bị hoãn thêm hai tuần nữa từ 23/3 đến 6/4", thông báo có đoạn. 

    Các chuyên gia từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho hay, nguy cơ lây lan dịch vẫn ở mức độ cao, bởi vậy cần phải mất ít nhất khoảng 2 đến 3 tuần để xác định liệu có an toàn để mở cửa trường học hay không. 

    Thông thường, trường tiểu học, trung học cơ sở sẽ hoạt động trở lại vào tuần cuối cùng của tháng 1 hoặc đầu tiên của tháng 2 sau một tháng nghỉ đông. Tuy nhiên ngày 4/2, Hàn Quốc đã ban lệnh đóng cửa hơn 336 trường học như một biện pháp khẩn cấp ngăn chặn nCoV lây lan. 

  • 11h40

    Thái Lan báo cáo 30 ca nhiễm mới 

    Bộ Y tế Thái Lan báo cáo thêm 30 trường hợp nhiễm nCoV, nâng tổng số ca lên 177. Nước này ghi nhận một ca tử vong và 41 bệnh nhân hồi phục. 

    Ông Sukhum Kanchanaphimai - Thư ký thường trực Bộ Y tế cho biết thêm, 11 trong số 30 ca nhiễm mới có liên quan đến một trận đấu quyền Anh. "Hầu hết các trường hợp, khoảng 70-80% ca nhiễm được báo cáo ở Bangkok", ông Sukhum cho hay.  

  • 10h45

    Thứ trưởng Kinh tế Brazil dương tính với nCoV 

    Ông Marcos Troyjo (54 tuổi) - Thứ trưởng Bộ Kinh tế Brazil, phụ trách vấn đề ngoại thương và quốc tế - xét nghiệm dương tính với nCoV. Thông tin được văn phòng nội các ông Marcos xác nhận hôm nay 17/3.

    Marcos Troyjo là thành viên phái đoàn Brazil gần đây đã đến thăm Florida. Ông không tham dự bữa tiệc tối cùng Tổng thống Donald Trump và các nhà lãnh đạo chính phủ Brazil vào ngày 7/3. Ông cũng không cho thấy các triệu chứng và hiện cách ly nghiêm ngặt tại nhà.

    Bữa tiệc tối của Trump ở Mar-a-Lago, Florida trở thành "điểm nóng" của Covid-19. Ít nhất 6 người từng có mặt ở bữa tiệc đã dương tính với nCoV.  

    70360f062aa84394e2a038bef43801-1719-2885

    Ông Marcos Troyjo. Ảnh: Esbrazil.

    Tính đến ngày 17/3, Brazil ghi nhận 234 ca nhiễm, chưa có người tử vong, hai bệnh nhân ở tình trạng nghiêm trọng và hai ca phục hồi.

  • Campuchia tăng gấp đôi ca nhiễm vì liên quan nhà thờ ở Malaysia 

    Bộ Y tế Campuchia xác nhận thêm 12 ca nhiễm mới vào ngày 17/3 - tăng gấp đôi so với một ngày trước đó. Hiện nước này ghi nhận 24 trường hợp nhiễm nCoV, chưa có ca tử vong.

    Trong số ca nhiễm mới, 11 trường hợp trở về từ Malaysia sau khi tham dự sự kiện nhà thờ - nơi có công dân Brunei được xác nhận dương tính đầu tiên.

    Malaysia đang trở thành điểm nóng mới về dịch ở Đông Nam Á với 566 ca nhiễm, buộc chính phủ nước này phải ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc. Phần lớn trong số đó có liên quan đến ổ dịch từ buổi lễ cầu nguyện tại nhà thờ Sri Petaling, ở ngoại ô Kuala Lumpur hồi tháng trước. Các nhà chức trách cho biết, khoảng 20.000 người đã tham gia buổi tụ họp tập trung từ 27/2 đến 1/3 với công dân đến từ Bangladesh, Brunei, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

  • Thụy Sĩ ban bố tình trạng khẩn cấp; Đức cấm dịch vụ không thiết yếu

    Chính phủ Thụy Sĩ hôm 16/3 tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở quốc gia này. Theo đó, giới chức ban hành lệnh cấm tất cả các sự kiện công cộng, đóng cửa các nhà hàng và dịch vụ giải trí và các doanh nghiệp không thiết yếu... Chỉ các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa thiết yếu cho dân chúng - cửa hàng tạp hóa, nhà thuốc, ngân hàng và bưu điện - được phép mở cửa. Chính phủ Thụy Sĩ cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong thời gian khó khăn này.

    "Chúng tôi biết rằng quyết định này làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày của đất nước chúng tôi", Bộ trưởng Nội vụ Alain Berset nói, đồng thời cảnh báo rằng tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi nó trở nên tốt đẹp. 

    Chính phủ Thụy Sĩ cũng siết chặt biên giới với Đức, Pháp và Áo. Chỉ có công dân Thụy Sĩ và một số trường hợp đặc biệt mới được phép nhập cảnh vào quốc gia này. Giới chức điều động 8.000 quân nhân để hỗ trợ dịch vụ y tế. Đây là cuộc huy động quân đội lớn nhất kể từ Thế chiến II tại quốc gia này. Dự kiến lệnh phong tỏa sẽ kéo dài đến 19/4.

    Đến nay, Thụy Sĩ ghi nhận 2.353 ca nhiễm nCoV, trong đó có 19 ca tử vong.

    ETRFHphWoAATwh-1342-1584408103.jpg

    Những kệ hàng trống trơn ở Thụy Sĩ sau khi chính phủ ban hành lệnh cấm ra ngoài. Ảnh: Twitter.

    Chính phủ Đức cũng tiếp tục gia tăng các biện pháp quyết liệt. Kể từ ngày 17/3, toàn bộ các cửa hàng không thiết yếu như các rạp hát, bảo tàng, rạp chiếu phim... sẽ bị đóng cửa. Các quán ăn được mở cửa từ 6h sáng nhưng phải đóng cửa trước 6h tối. Chỉ có các hiệu thuốc, cửa hàng thực phẩm, ngân hàng, trạm xăng, bưu điện, cửa hiệu cắt tóc được phép hoạt động bình thường. Trước đó vào 15/3, Đức đóng cửa biên giới với các nước Pháp, Áo, Thuỵ Sỹ, Đan Mạch và Luxemburg. Hôm 16/3, Đức ghi nhận thêm 600 ca nhiễm nCoV mới, nâng tổng số lên 7.272 bệnh nhân, trong đó 17 người không qua khỏi.

    Nga từ chối nhập cảnh cho du khách nước ngoài trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

    Trong khi đó, Anh báo cáo 171 trường hợp nhiễm nCoV mới và 18 ca tử vong mới, nâng tổng số lên 1.543 trường hợp và 53 người chết.

    Greenland, quốc gia tự trị thuộc Đan Mạch, cũng thông báo ca nhiễm nCoV đầu tiên vào chiều 16/3 (giờ địa phương). 

  • 09h10

    Trung Quốc ghi nhận 21 ca nhiễm nCoV mới

    Sáng 17/3, giới chức y tế Trung Quốc báo cáo 21 ca nhiễm nCoV mới sau 24h. Trong đó Vũ Hán chỉ có 1 bệnh nhân mới, 20 trường hợp còn lại trên khắp đại lục là nguồn lây nhiễm từ nước ngoài trở về. Tỉnh Hồ Bắc không phát hiện thêm ca nhiễm nCoV nào mới trong 12 ngày liên tiếp ngoại trừ Vũ Hán. Đến nay, Trung Quốc ghi nhận 80.881 bệnh nhân, 3.226 người đã chết và 68.679 người hồi phục.

    Trong khi Trung Quốc và Hàn Quốc có dấu hiệu khống chế được sự gia tăng các ca nhiễm mới, các nước còn lại vẫn đang vật lộn trong cuộc chiến với Covid-19. Tâm chấn của đại dịch là châu Âu, nơi nhiều quốc gia đã phải ban hành lệnh phong tỏa, đóng cửa dịch vụ giải trí, siết chặt biên giới và yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà. Toàn thế giới hiện ghi nhận tổng cộng 182.609 bệnh nhân nCoV, 7.167 người chết và 79.882 ca chữa khỏi.

  • 08h45

    Hàn Quốc tăng nhẹ số ca nhiễm mới

    Sáng 17/3, Trung tâm phản ứng nhanh thuộc Bộ quốc phòng Hàn Quốc thông báo số ca nhiễm nCoV ở nước này tăng 84 người sau 24h (con số cùng ngày hôm qua là 74). Tốc độ tăng số bệnh nhân mới tại Hàn vẫn đang duy trì ở mức hai con số kể từ hôm 15/3. Số ca xuất viện trong một ngày qua là 264 người. Đến nay, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 8.320 trường hợp dương tính với nCoV, 81 người chết và 1.401 ca xuất viện.

    Mặc dù số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc giảm mạnh, giới chức vẫn yêu cầu người dân thận trọng. Nhiều quán bar, nhà hàng vẫn đang đóng cửa do lo ngại sự lây lan của dịch bệnh. Gần đây, một số cụm lây nhiễm mới xuất hiện quanh khu vực Seoul. Thị trưởng Seoul tuyên bố sẽ siết chặt việc xét nghiệm, kiểm tra và khoanh vùng để không xảy ra trường hợp như "Daegu thứ hai" tại quốc gia này.

  • 08h30

    Venezuela dự định phong tỏa toàn quốc

    Tổng thống Nicolas Maduro tối 16/3 (giờ địa phương) cho biết Venezuela sẽ thực hiện lệnh phong tỏa toàn quốc trong thời gian tới. Quốc gia Nam Mỹ này đã tăng thêm 16 ca nhiễm nCoV trong một ngày, nâng tổng số bệnh nhân lên 33 người. "Đó là điều cần thiết" - Maduro nói trong một buổi họp báo trên truyền hình nhà nước. "Cuộc khủng hoảng chỉ mới bắt đầu", ông nhấn mạnh.

    Trước đó vào hôm 15/3, Tổng thống Maduro đã ra lệnh phong tỏa 7 bang trong 23 bang ở quốc gia này để ngăn chặn Covid-19, trong đó có thủ đô Caracas. 

    Honduras, một quốc gia thuộc khu vực Trung Mỹ, cũng ra lệnh phong tỏa toàn quốc vào hôm 16/3, trong nỗ lực ngăn chặn Covid-19. Người dân được yêu cầu thực hiện lệnh giới nghiêm, hạn chế ra khỏi nhà từ 7h tối đến 7h sáng. Chính phủ nước này cũng tạm thời ngừng các chuyến bay và đình chỉ giao thông công cộng. Đến nay, Honduras xác nhận 6 ca nhiễm nCoV.

  • 07h40

    Phong tỏa 6,7 triệu dân vùng vịnh San Francisco (Mỹ)

    Chiều 16/3 (giờ địa phương), Thị trưởng thành phố San Francisco Nicole Breed thông báo lệnh phong tỏa thành phố, yêu cầu cư dân ở nhà ngoại trừ việc ra ngoài cần thiết. 6,7 triệu người sống ở 5 quận rộng lớn ở vịnh San Francisco, bao gồm Thung lũng Silicon, được lệnh ở nhà sau nửa đêm ngày 16/3. Lệnh phong tỏa dự kiến kéo dài trong 3 tuần (đến 7/4).

    26045374-8118417-image-a-8-158-3705-4922

    Hành lang chính tại Ferry Building Marketplace (San Francisco) vắng lặng vì ảnh hưởng của Covid-19. Ảnh: AFP.

    Cũng trong hôm nay, Andrew Cuomo, Thống đốc bang New York thông báo lệnh đóng cửa các quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim, phòng tập gym, từ 8h tối 16/3. Giới chức tiểu bang New Jersey và Connecticut cũng ban hành lệnh giới nghiêm từ 8h tối đến 5h sáng, đóng cửa quán ăn và các cơ sở giải trí, đồng thời khuyến nghị người dân chỉ nên rời khỏi nhà trong trường hợp cần thiết. 

    Hiện có hơn 4.663 trường hợp nhiễm nCoV ở Mỹ. 74 người đã chết và các chuyên gia và quan chức cho biết con số sẽ tiếp tục tăng mạnh. Tổng thống Trump cho biết hôm 16/3 rằng cuộc khủng hoảng hiện tại có thể kéo dài đến tháng 8 nhưng ông chưa xem xét việc phong tỏa toàn nước Mỹ.

  • Italy: Gần 28.000 ca nhiễm bệnh, 349 người tử vong 

    Cuối ngày 16/3 (giờ địa phương), giới chức y tế nước này báo cáo 3.233 ca nhiễm nCoV mới, 349 người tử vong, sau 24h.

    Tổng số bệnh nhân ở Italy hiện là 27.980 người, trong đó có 2.158 người chết, 2.749 ca xuất viện.

    Italy đang là ổ dịch lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Tỷ lệ tử vong ở quốc gia châu Âu này là 7,7%. Đa số các bệnh nhân nhiễm bệnh và tử vong đều lớn tuổi, có sẵn các bệnh nền từ trước.

  • 07h30

    Pháp phong tỏa toàn quốc trong 15 ngày

    Trong cuộc họp báo tối 16/3 (giờ địa phương),  Tổng thống Emmanuel Macron ban hành lệnh phong tỏa, giới hạn đi lại trên toàn quốc, trong vòng 15 ngày kể từ trưa 17/3. Ông Macron nói mọi người chỉ nên rời khỏi nhà vì những việc cần thiết, và đây là bước đi quyết liệt nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

    Pháp sẽ triển khai 100.000 cảnh sát để thực thi lệnh phong tỏa và thiết lập các chốt chặn trên toàn quốc. "Bất cứ ai vi phạm sẽ bị phạt. Chúng ta đang trong một cuộc chiến vì sức khỏe", Tổng thống Pháp nói.

    Trước đó, Pháp đã đóng cửa các cửa hàng, quán ăn và cơ sở giải trí từ ngày 15/3. Quốc gia này ghi nhận 1.210 ca nhiễm nCoV mới sau 24h, nâng tổng số bệnh nhân lên 6.633, trong đó có 148 ca tử vong.

  • 07h00

    Canada đóng cửa biên giới

    Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố đóng cửa biên giới trong một cuộc họp báo vào chiều 16/3 (giờ địa phương). Sẽ có ngoại lệ cho các nhà ngoại giao, phi hành đoàn hàng không và công dân Mỹ, tuy nhiên ngoại lệ này có thể thay đổi. Chuyến bay quốc tế tới Canada cũng hạn chế ở 4 thành phố là Montreal, Toronto, Calgary và Vancouver.

    ETQLYJSUUAAX76N-7002-1584403551.jpg

    Thủ tướng Canada trong cuộc họp báo chiều 16/3.

    Tuyên bố nói trên được đưa ra sau khi nhiều quốc gia châu Âu như Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Hà Lan, Ireland đã áp dụng chính sách tương tự nhằm ngăn chặn Covid-19.

    Chiều 16/3 (giờ địa phương), Canada ghi nhận 81 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân ở quốc gia này lên 422 người, trong đó 4 người không qua khỏi. 

    Bích Hà

Có 3 nội dung mới cập nhật
Back Save
Share Copy link thành công
Ý kiến Nội dung chính
Nội dung chính

×
ione.vnexpress.net Chuyên trang của VnExpress Số giấy phép: 72/GP-CBC, Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 22/9/2021
vnexpress.net ngoisao.vnexpress.net

© Copyright 2019, All rights reserved

® VnExpress giữ bản quyền nội dung trên website này

Liên hệ toà soạn