"Những điều cấm kỵ khi lên Facebook" của trường THPT Lương Thế Vinh với những điều khoản cấm học sinh nói tục, văng bậy, không dùng Facebook nói xấu người khác... tiếp tục là đề tài "tạo bão" trong cộng đồng học sinh, sinh viên.
"Hà khắc và khó thực hiện" - đó là ý kiến của bạn Phạm Đỗ Toàn, 19 tuổi, cựu học sinh THTP Chu Văn An, Hà Nội. Sử dụng nickname Valentino trong cộng đồng mạng, tài khoản Facebook lên tới hơn 4.000 bạn bè, Đỗ Toàn khẳng định mình hiểu rõ trách nhiệm của một thành viên mạng. Toàn cho rằng, những điều cấm kỵ khi lên Facebook của Trường Lương Thế Vinh rất khó thực hiện. Điều 4 và điều 2 dường như mâu thuẫn, vì đã không dùng Facebook để nói xấu ai thì đương nhiên sẽ không thể đăng status để bạn bè hiểu lầm khi đọc.
Toàn chia sẻ, quy định cấm like những status xấu rất khó kiểm soát, vì nút like là... vô biên, ai là người kiểm soát, rồi khi phát hiện học sinh like chẳng nhẽ lại phạt thật nặng? Theo Toàn, những quy định đưa ra để khiến cho con người tốt thêm, còn nếu đưa ra, chỉ khiến học sinh cảm thấy khó khăn hơn trong cách xử lý, giữa một loạt những điều... cấm đoán như hiện nay thì không nên.
Valentino bộc bạch, Facebook là một trang cá nhân, bạn được tự do làm điều mình thích, trên cơ sở tôn trọng cộng đồng và văn minh. Nếu bạn không thể biểu lộ cảm xúc của mình ngay cả khi đó là điều tự nhiên nhất, thì chức năng chia sẻ của Facebook sẽ còn ý nghĩa gì?.
![]() |
Valentino cho rằng, khi lên mạng, mỗi thành viên phải tự có ý thức trách nhiệm về tài khoản của mình, những điều mình nói ra. |
Nói về các hoạt động của mình, Valentino cho biết, khi lên mạng, bạn thường tập trung bày tỏ quan điểm, hỏi ý kiến mọi người trước một vấn đề nào đó và dùng ngôn từ lành mạnh. Tất nhiên, bạn sẽ chấp nhận những ý kiến phản hồi theo hướng tốt, xóa và thậm chí hạn chế những Facebook lạ.
Đồng tình với Toàn, bạn Nguyễn Thùy Dương, du học sinh Đài Loan, cho rằng: "Mọi người đang hiểu sai về nói tục chửi bậy. Bởi nếu là để lăng mạ người khác thì hành vi đấy là không nên, còn thực tế, đôi khi... văng bậy thể hiện cảm xúc cá nhân và rất khó tránh. Ví dụ, khi xem các show truyền hình thực tế của Mỹ như Masterchief hay X factor, ngay cả Ban giám khảo còn văng bậy (tất nhiên đoạn bậy được cắt bằng một tiếng "tít" nhưng tất cả chúng ta đều hiểu) đó chỉ đơn giản là muốn biểu hiện cảm xúc cá nhân thôi. Mình nghĩ, đừng nên quá khắt khe trong chuyện đó".
Theo Dương, Facebook cũng như một trang cá nhân, không thể cấm học sinh yêu hay ghét bất kỳ ai cả. Ví dụ như bây giờ có những kẻ giết người bị cộng đồng lên án, thì mình cũng post bài bày tỏ bức xúc cá nhân, thể hiện cái nhìn nhận về cuộc sống xã hội, như vậy cũng sẽ bị nhà trường lên án vì nói xấu người khác chăng? Nhà trường luôn muốn giáo dục học sinh những điều tốt, nhưng nếu làm vậy, đôi khi sẽ tạo ra một lớp vỏ bọc trong cảm xúc, và đó là phẩm chất giả tạo.
![]() |
Tiếp xúc với môi trường nước ngoài, Dương cho rằng "văng bậy, nói tục" được quy kết theo chuẩn mực xã hội. |
Dương hoàn toàn nhất trí với ý thứ ba trong bản quy định, "chỉ like status khi đã đọc kỹ nội dung". Theo Dương, hành vi xấu được quy kết theo chuẩn mực xã hội, mà xã hội do con người tạo ra. Vì thế, "chính các bạn tự phán quyết nó. Một hành vi bạn cho là xấu nhưng với người khác có thể không phải. Một người có thể làm việc gì đó mà với người khác việc đó lại khó chấp nhận", Dương chia sẻ.
Trước quy định cấm gây xôn xao, một cựu học sinh trường Lương Thế Vinh cũng chia sẻ cảm xúc trên một trang mạng. "Quy định mới của trường rất khó thực hiện, nếu không muốn nói là khắt khe, nhưng nó không sai, không trái với đạo đức. Chúng ta không nên "dựa hơi" để ném đá những quy định ấy. Viết một dòng status ví dụ như: "hôm nay thi khó vl" chắc cũng chẳng thầy cô nào kỷ luật bạn cả đâu. Nhưng viết một dòng status: "...con mụ dạy môn A/B/C như con điên..." thì chẳng cần nhà trường phải đuổi học hay cảnh cáo bạn, chính bạn bè bạn sẽ có lời với bạn, đó là điều hiển nhiên rồi", Nguyễn Minh Tú - cựu học sinh A01 phát biểu.
Theo Tú, sự kỷ luật nặng nề nhất chính là ở lương tâm của mỗi người. Ý thức con người mới là quan trọng. Sau tất cả những lời qua tiếng lại vừa rồi, điều mà mọi người cùng đồng lòng là ai cũng muốn sống trong một môi trường văn minh hơn. Khi buồn, khi vui, khi tức giận... mọi người sẽ ứng xử với nhau một cách chín chắn và lịch sự.

Bản quy định gây tranh cãi của trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội.
Mí Rưỡi