Trong lịch sử điện ảnh, những tác phẩm động chạm đến vấn đề tôn giáo đều tạo ra một làn sóng tranh cãi và tẩy chay dữ dội. Dù cho bộ phim ấy xuất sắc và được công nhận bởi các giải thưởng, các nhà phê bình thì với một cộng đồng, đó cũng là một tác phẩm mang tính xúc phạm.
The Last Temptation of Christ của đạo diễn Martin Scorsese cũng là một bộ phim như vậy. Tác phẩm này đã giúp đạo diễn Martin Scorsese đã nhận được một đề cử Oscar dành cho đạo diễn xuất sắc nhất vào năm 1989. Thế nhưng, đây cũng là bộ phim gây tranh hàng đầu tại Hollywood.

Ngay khi bộ phim được phát hành, những cuộc biểu tình tôn giáo đã nổ ra ở miền Nam nước Mỹ. Các bang Savannah, Georgia đã cấm chiếu bộ phim. Ngay cả hãng sưu tập và cho thuê phim Blockbuster ban đầu cũng từ chối đưa đĩa phim này lên giá của họ.
Tại Paris, một nhóm tín đồ Thiên Chúa Giáo ném bom xăng vào một rạp đang chiếu bộ phim này làm hơn 10 người bị thương. Cuốn sách mà bộ phim này chuyển thể cũng đã bị nhà thờ Thiên Chúa Giáo ra lệnh cấm, còn tác giả của cuốn sách, Nikos Kazantzakis, đã bị rút phép.
Thậm chí, những tín đồ quá khích đến mức các nhân vật trụ cột của Universal và đạo diễn Scorsese đã phải sống trong sự bảo vệ của cảnh sát.
Lý do để The Last Temptation of Christ vấp phải sự phản đối dữ dội đến như vậy là bởi bộ phim dám đề cập đến phần con người trong chúa Jesus đang bị treo trên thánh giá trước những cám dỗ của quỷ satan và về những gì mà lẽ ra cuộc sống trần tục ngài đã có, trong đó bao gồm cả việc kết hôn và có con với Mary Magdalene. Với những tín đồ Thiên Chúa giáo, họ coi bộ phim này là một sự báng bổ.
Cảnh cuối của The Last Temptation of Christ cũng là một trong những cảnh gây tranh cãi gay gắt bởi nó quá đẫm máu và bạo lực. Với một nhân vật được nhiều người tôn thờ như chúa Jesus, hình ảnh ngài trong bộ dạng bị tra tấn đẫm máu như vậy khiến mọi người cảm thấy rất khó chịu.
Thế nhưng, với những khán giả đại chúng, The Last Temptation of Christ không chỉ gây chú ý bởi sự táo bạo trong đề tài của mình mà còn ở cảnh kết ấn tượng một cách kỳ diệu.
Kết thúc của The Last Temptation of Christ là cái chết của chúa Jesus trên thánh giá được truyền tải trong một cảnh phim tuyệt đẹp. Cảnh phim này ấn tượng đến mức người ta đã gọi đạo diễn Martin Scorsese là một trong những nhà làm phim vĩ đại nhất của lịch sử.
Sau khi chúa Jesus trải qua cuộc sống trần tục với những cám dỗ, ngài bị đóng đinh vào thập tự giá. Khoảnh khắc lúc chúa Jesus nhắm mắt lại và hoàn thành vận mệnh của mình, một luồng ánh sáng diệu kỳ xuất hiện ở đoạn kết.

Đây hoàn toàn là một tai nạn bất ngờ trên trường quay. Bởi đó là một cảnh quay quan trọng của phim và máy quay đã bị hở sáng khiến ánh sáng lọt vào bên trong phim. Cả đoàn làm phim lẫn đạo diễn đều không biết gì về điều này cho đến khi họ dựng phim tại New York. Người dựng phim Thelma Schoonmaker cho rằng đạo diễn Martin Scorsese sẽ bắt quay lại cảnh này nhưng ông đã quyết định giữ nó lại.
Kết quả, The Last Temptation of Christ có một kết thúc đầy ấn tượng. Chỉ một khoảnh khắc xuất hiện dải màu trong phim như một sự kỳ diệu mà Chúa đã mang đến cho bộ phim này, thể hiện bản chất tôn giáo rõ rệt của nó.
Những cảnh phim có 1-0-2 giới thiệu các phân đoạn kinh điển, đặc biệt trong lịch sử điện ảnh cùng câu chuyện hậu trường đáng kinh ngạc, được cập nhật hàng ngày vào lúc 19h trên iOne.net. |
Chi Chi