Teen không bao giờ vừa lòng với những thứ sẵn có, luôn phải nghĩ ra những cái mới lạ, mang dấu ấn riêng của lứa tuổi mình. Đặt biệt danh cho thầy cô, là một biểu hiện của nhu cầu đó.
Từ nghịch ngợm dễ thương
Với đầu óc tếu táo, lại “nghiện” tiếng Anh, Hoàng Hà (trường THPT Kim Liên, Hà Nội) luôn khiến bạn bè bật cười vì thói quen đặt biệt danh cho thầy cô kiểu dịch sang tiếng Anh. Chẳng hạn, thầy giáo tên Long thì cậu ta dịch là Mr.Dragon, cô Hải thành Mrs.Sea, thầy Trường được gọi là Mr.School… Đôi lần, bạn bè ngơ ngác vì không hiểu cậu bạn định nói gì, nhưng khi đã hiểu ra rồi thì ai nấy đều không nhịn được cười.
Ý tưởng này của Hà xuất phát từ một lần, cả lớp tổ chức sinh nhật cho cô chủ nhiệm dạy tiếng Anh. Mấy họa sĩ định thiết kế cái poster dán lên tường mà không biết trình bày thế nào cho ấn tượng và thân mật. Cậu bạn nghiện tiếng Anh đề xuất việc dán dòng chữ “Happy birthday to Mrs. Water”, (tên cô giáo là Thủy mà), đơn giản nhưng vẫn đủ độ “gây sốc”. Quả nhiên thành công ngoài mong đợi. Sau lần đó, cậu bạn cứ thế phát huy ý tưởng ngộ nghĩnh của mình và được hưởng ứng nhiệt liệt, thầy cô biết cũng chỉ cười chứ không phản đối gì.
Những cách đặt biệt danh tương tự như vậy không phải là hiếm đối với các bạn teen. Chẳng hạn, thầy tên Tiên, dạy môn Sinh học, các bạn liền gọi là “cát két tiên sinh” vì thầy có chiếc mũ cát két luôn đội trên đầu rất ngộ. Hay thầy giáo trẻ mới về trường tên Đại, cũng trở thành “nạn nhân” của trò đặt biệt danh với tên gọi Đại “ca”. Những biệt danh dễ thương dành cho thầy cô đó, phần nào đem lại sự gần gũi, thân mật, xóa mờ khoảng cách thầy trò và để lại một kỷ niệm đẹp của thời học sinh.
![]() |
Đặt biệt danh cho các thầy cô. Tại sao lại không nhỉ? Nhưng dễ thương thôi nhé! |
Đến sỗ sàng đùa cợt và... miệt thị
Tuy thế, cũng có những trò nghịch ngợm đặt biệt danh cho thầy cô không dừng lại ở mức độ “dễ thương”. Nó trở thành một trò đùa nhằm thỏa mãn tính phá phách của một vài teen chuyên quậy. Không nói đến việc dùng đại từ “ông”, “bà” đã trở nên “thường như cục đường” trong câu chuyện giữa các teen với nhau, giờ đây, nhiều bạn trẻ còn gọi thầy cô là “anh”, “chị”, kể cả khi thầy cô đã sắp đến tuổi về hưu. “Cho vui thôi mà, bạn bè chúng nó gọi chả nhẽ mình không theo” là cách suy nghĩ và lý giải của hầu hết các bạn teen trong trường hợp này.
Thế nhưng, nhiều lúc, “cho vui” cũng trở thành chuyện. Thanh Xuân (Ngoại Thương) dù đã ra trường nhưng vẫn không thể quên được kỷ niệm từ thời cấp 3. Số là, cô bạn cảm thấy ghẹn tị với một bạn trong lớp có vẻ được thầy giáo dạy Toán quí hơn các bạn khác. Thế là nhân một lần bạn kia lên bảng làm bài và được thầy khen, Xuân liền chen luôn vào lời khen của thầy rằng: “đúng là đỉnh của đỉnh”. Trong khi thầy giáo cũng tên là Đỉnh, câu nói của cô bạn làm cả lớp, kể cả thầy giáo, lặng mất một lúc lâu.
Tệ hơn nữa, nhiều bạn, còn nghĩ ra những cách gọi thầy cô "không thể bôi bác hơn": Dựa vào những khuyết điểm của thầy cô để đặt biệt danh. San “vẩu”, Kim “phệ”, cao tay hơn nữa là biết danh ngoại: “sê-vần”, đặt cho cô giáo tên Vân… khi mối quan hệ với thầy cô “có vấn đề”. Nguyên do của hiện tượng này thì nhiều, nhưng có thể tóm lại trong hai chữ “bất mãn”. Bị thầy cô “trù”, bắt phao, cho nhiều bài tập…, mà không có cách nào phản kháng lại được. Đặt biệt danh xấu cho thầy cô là cách dễ gặp nhất để teen giảm ức chế, bất chấp điều đó thể hiện sự vô lễ đối với những người đáng ra teen phải kính trọng.
Kết lại, đặt biệt danh và cách gọi thầy cô của học trò nhà ta thì thật là muôn hình vạn trạng. Mỗi kiểu lại phản ánh một trạng thái tình cảm riêng. Tuy thế, cái gì cũng có giới hạn của nó. Chỉ mong các bạn trẻ nghịch ngợm hồn nhiên nhưng không vượt quá giới hạn, để tuổi học trò vẫn giữ được nét trong sáng, đáng yêu, đáng nhớ.
Giang Thủy