"Bệnh vô cảm" có phổ biến?
Trong nhiều clip bạo lực, thái độ thản nhiên đứng xem của những bạn trẻ xung quanh gây bức xúc và hoang mang cho cộng đồng
"Không thể nào thông cảm cho hành động này. Người ta chỉ thông cảm khi có lý lẽ phù hợp, nhưng những hành động này không có chút lý lẽ nào đáng để thông cảm, vô học hết chỗ nói. Người post clip chắc chắn biết việc phát tán sẽ bị cộng đồng phản đối nhưng vẫn cố tình. Pháp luật cần có hình phạt thật nặng", Minh Thảo (Lớp 12, Trường Đống Đa, Hà Nội) gay gắt. Dù vậy, Thảo thừa nhận loại clip này lại rất thu hút sự chú ý của cộng đồng. "Bản thân mình nếu thấy cũng sẽ vào xem, thứ nhất để thoả mãn trí tò mò, thứ hai xem thái độ của cộng đồng thế nào?". Trên thực tế, dưới những clip bạo lực này đa số là những comment sỉ vả, bức xúc đến mức văng tục.
"Không nên xem các clip như thế", đó là quan điểm của Nga (Lớp 10 Toán, Trường Khoa học Tự nhiên - Hà Nội). "Sức phát tán của các clip này rất lớn. Việc bạo lực học đường tăng cao, đặc biệt là ở học sinh nữ, một phần do chính các clip này gây nên... Rất nhiều người mong những clip bạo lực này được thay thế bằng những clip tốt hơn về học sinh, cũng nhận được nhiều lời khen và nhiều view như thế", Nga nói.
Hoàng Nam - (boy Lớp 10A4, Phạm Hồng Thái, Hà Nội) thì cho hay, những clip bạo lực kiểu này không bao giờ là mối quan tâm của cậu vì cậu rất ghét bạo lực. Nam tẩy chay hành vi quay clip rồi phát tán.
Thùy Linh (Lớp 9D, Trường Hà Nội Amsterdam) và Minh Long (THPT Nhân Chính, HN) thì bất bình: "hành vi đánh nhau đã là sai trái, nhưng hành vi ngồi xem mà không can ngăn còn đáng trách hơn", "không nên phát tán các clip này".
Clip teen lên án sự vô cảm trong các clip bạo lực |
Dù vậy, khi được hỏi "Bạn sẽ làm gì nếu gặp đám ẩu đả tương tự?", không phải ai cũng đủ dũng khí để hành động vì bạn mình như Thuỳ Linh. "Mình chắc sẽ né, can ngăn sợ bị vạ lây, bị chửi. Những kẻ ẩu đả đều rất hung dữ", đó là lựa chọn của Minh Thảo.
Còn Hoàng Nam, "nếu gặp tình huống ẩu đả tương tự, một là mình sẽ bỏ chạy, hai là sẽ báo những người có trách nhiệm như bảo vệ, thày cô hoặc công an. Dính vào chỉ tổ gây nguy hiểm cho mình".
Trang Nhung (lớp 9, Trường THCS Giảng Võ, Hà Nội) lúng túng: "mình rất sợ những đám đánh nhau nên quan điểm của mình là tránh càng xa, càng tốt".
"Bệnh vô cảm" đến mức thản nhiên quay clip ẩu đả chỉ là một vài trường hợp cá biệt. Đa số teen nhà ta bức xúc, phản đối đấy, nhưng đối diện tình huống thực thì "im lặng", "né tránh", "không can thiệp" dường như là thái độ ứng xử khá phổ biến. Việc không phản ứng kịp thời, tâm lý e ngại với cái xấu này sẽ góp phần tạo ra "môi trường thuận lợi" để bạo lực và bệnh vô cảm phát triển. Điều này rất đáng phải suy nghĩ.
Thuốc nào chữa "bệnh"?
![]() |
Nhà tâm lý Ngô Minh Uy |
Theo nhà tâm lý Ngô Minh Uy (Hội khoa học Tâm lý và Giáo dục Việt Nam): Việc nhiều học sinh chứng kiến bạn bị đánh mà không can ngăn có thể xem xét ở hai khía cạnh: động lực thực sự khiến bạn can thiệp và vấn đề về đạo đức.
Xét vấn đề động lực khiến các bạn can thiệp vào các vụ đánh nhau: Trong số những người chứng kiến, rất ít ai đủ sức để ngăn cản, họ có thể bị thương khi can thiệp vào vụ đánh nhau đó. Vì vậy, các bạn đứng im. Việc giúp học sinh có ý thức bảo vệ bạn mình phải có một chương trình giáo dục dài.
Khi những clip bạo lực đưa lên mà xã hội không có xử lý thích đáng thì nhiều học sinh sẽ bắt chước, hoặc khi xem quá nhiều clip ấy, các bạn sẽ thấy bắt nạt như thế là vấn đề bình thường và dễ dàng học theo.
Những clip đánh nhau như triệu chứng của một căn bệnh. Nếu chúng ta tìm cách giảm việc các clip ấy được tung lên mạng chỉ là cách dẹp triệu chứng, người ta sẽ không nhìn thấy sự thực của bạo lực học đường nữa. Vì vậy, chúng ta không quan tâm vấn đề clip đưa lên mạng hay không mà phải chú trọng đến vấn đề nền tảng hơn là có chương trình giáo dục phù hợp.
Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan liên quan, bản thân mỗi teen nhà ta cũng cần bày tỏ thái độ tẩy chay, tìm biện pháp ngăn chặn quyết liệt những hành vi ẩu đả nơi học đường - như hành động của Hoàng Nam cũng không phải là lựa chọn tồi: báo những người có trách nhiệm như bảo vệ, thày cô hoặc công an.
Quỳnh Trang (thực hiện)