Những ai đi qua đường Bà Triệu (Hà Nội), ngay gần trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (British University Vietnam - BUV) thỉnh thoảng vẫn nhìn thấy một ông Tây cao lớn tóc bạch kim ngồi nhâm nhi tách cà phê. Sinh viên đi ngang qua ông Tây đều kính cẩn “Hello teacher” (chào thầy). Đó là thầy Christopher Jeffery đến từ Anh mà mọi người vẫn quen gọi là Chris. Thầy hóm hỉnh chia sẻ: “Tôi thích những không gian bình thường, giản dị của Hà Nội. Hơn nữa, sinh viên cũng sẽ nhìn chúng tôi gần gũi và thân thiện hơn thay vì chỉ gặp gỡ và giao tiếp trong phòng làm việc”. Mới gặp lần đầu, cứ ngỡ ông thầy lịch lãm đến từ xứ sở sương mù xa cách và lạnh lùng như trò chuyện lại thấy không phải vậy. Sau một năm ở Việt Nam, thầy cùng các cộng sự đã tạo dựng một phong cách dạy và học chuyên nghiệp.
Điều khiến thầy Chris bất ngờ và cảm động đến từ ngày 20/11. Ngày nhà giáo Việt Nam năm trước, thầy được sinh viên tặng rất nhiều hoa và những lời chúc mừng. Thầy kể lại: “18 năm dạy học ở Anh, tôi chưa từng nhận được hoa chúc mừng như thế này. Tôi chưa được nhận sự trân trọng nghề giáo ở bất cứ nơi nào trên thế giới như ở Việt Nam”. Sinh viên Việt Nam cũng khiến thầy Chris bất ngờ bởi sự thông minh và năng động. Những ngày đầu lên lớp, các bạn thường rụt rè, và ít nói chuyện với thầy. Nhưng bằng kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm cộng với cách nói chuyện thoải mái, chân tình, thầy Chris đã khiến các em mạnh dạn và đặt ra những câu hỏi nếu chưa hiểu vấn đề.
![]() |
Thầy Christopher Jeffery cùng các sinh viên BUV. |
Chỉ hai tuần sau, sinh viên bắt đầu “quay” thầy bằng nhiều câu hỏi khó. Những câu hỏi ấy làm cả thầy và trò đều hứng khởi, giờ học trở nên sôi nổi hơn. Thầy Chris chia sẻ sinh viên BUV học tập ngay tại Việt Nam nhưng phải học theo phong cách Anh. Có nghĩa là họ không chỉ là học mà là nghiên cứu, phải tự đọc sách, phân tích vấn đề và báo cáo cho giáo viên. Giáo viên chỉ đóng vai trò giám sát, tư vấn, chỉ ra các bạn đúng hay sai, làm thêm cái này cái kia chứ không phải chỉ giới hạn trong việc giảng dạy trên lớp. Hiện nay trường đào tạo ba ngành học: tài chính ngân hàng của đại học London (UoL), quản trị kinh doanh quốc tế và quản trị Marketing của đại học Stafforshire. Thầy chia sẻ: "Tôi thấy các bạn đều rất thông minh và sáng tạo. Đặc biệt, sinh viên UoL rất ham hiểu biết, các em lúc nào cũng cho chúng tôi thấy việc dạy ở trường, sách vở như vậy chưa đủ với các em". Ngoài ra, sinh viên đại học Staffordshire cũng khiến các thầy cô hài lòng. Bài thi của các bạn gửi sang Anh chấm luôn được Hội đồng chấm thi của ĐH Stafforshire đánh giá cao.
Những sinh viên vốn quen cách học “thầy đọc trò ghi” thời gian đầu đã bị “sốc”. Nhưng thầy Chris thuyết phục: yếu tố quan trọng nhất trong việc học không phải là thời gian thầy lên lớp mà là kỹ năng. Thầy dạy cho các bạn kỹ năng nghiên cứu, tìm hiểu và khám phá, thuyết trình vấn đề. Thầy cho rằng đây là điều mà giáo dục cần hướng tới: làm cho học sinh muốn được hiểu biết thêm, muốn được nói lên suy nghĩ của mình muốn đứng lên và thể hiện ý kiến của mình trong giờ học. "Nếu các em không có những kỹ năng thuyết trình để mọi người hiểu tư duy của mình thì dù có các em có thông minh nhất thế giới cũng không ai biết đến”, thầy Chris tâm sự.
Một ngày mới của Chris bắt đầu lúc 5h sáng bằng mấy vòng chạy bộ bên Hồ Gươm. Thầy yêu khung cảnh bảng lảng sương khói và tiếng chuông từ nhà thờ Lớn vọng tới. Sau đó, Chris sẽ có một lịch làm việc dày đặc: nói chuyện trước 1.000 học sinh một trường phổ thông nào đó ở Hà Nội, lên lớp dạy một vài tiết, chấm bài, nói chuyện với sinh viên, phỏng vấn giáo viên, nhân viên mới, gặp gỡ báo chí, đại sứ quán, chụp ảnh, liên tục cười và nói. Cuối ngày, thầy Chris thường mệt lử, nhưng luôn mỉm cười. Thầy mê bia hơi Hà Nội, phở và nem rán. Thầy hài hước nói: "Tôi ít 'dám' ăn phở, vì mình quá cao, đưa thìa lên miệng thì nhiều bánh phở đã rơi 'dọc đường'".
Mỗi dịp 20/11, thầy Chris đều có cảm giác hồi hộp. Thầy tâm sự mình hơi “e lệ” khi đứng giữa rất đông sinh viên, nhận hoa và lời chúc mừng. Nhưng tình cảm của những sinh viên người Việt khiến thầy coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình và mong muốn gắn bó cuộc sống lâu dài ở đây.
(Nguồn: British University Vietnam)