Nguyễn Thị Bích Diệp, nhà ở Đồng Thắng, Triệu Sơn, Thanh Hóa, có vầng trán thông minh, khuôn mặt bầu bĩnh ưa nhìn nhưng sức khỏe rất yếu vì mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống, một loại bệnh tự miễn. Thay vì tấn công các nhân tố bên ngoài như vi rút, vi khuẩn thì hệ miễn dịch của cơ thể lại quay sang tấn công hầu hết các mô như tim, gan, phổi, khớp khiến những cơ quan này bị viêm và tổn thương nghiêm trọng.
Suốt một năm qua, Bích Diệp vừa chống chọi với bệnh tật, vừa nuôi ước mơ vào đại học. Diệp bắt đầu phát bệnh từ tháng 6/2012, sức khỏe ngày một yếu đi, ăn ít dần và bị sút tới 6 kg. Thời gian đó, cô học trò lớp 11 bị sốt phát ban trên mặt, những cơn đau đầu về khuya khiến Diệp không thể tập trung học bài. Có lần bị sốt cao quá, Bích Diệp bò từ trên tầng hai xuống và ngất trước cửa phòng bố mẹ.
Khi bác sĩ thông báo Diệp bị bệnh, bố mẹ bạn đã khóc rất nhiều. Mọi người giấu nhưng Diệp tự tìm hiểu và biết được bệnh không chữa khỏi và rất nguy hiểm đến tính mạng.
![]() |
Dù mắc phải căn bệnh hiểm nghèo nhưng Bích Diệp luôn nghị lực, sống hết mình. |
Bích Diệp phải nằm bệnh viện Bạch Mai điều trị trong vòng hai tháng. Cô bạn tâm sự “Mình biết bệnh lupus không thể chữa khỏi, chỉ có cách chấp nhận sống chung với nó thôi. Kỳ lạ một điều, mình không cảm thấy lo lắng. Trong đầu chỉ có ý nghĩ là phải nhanh chóng khỏi bệnh để đi học tiếp và thực hiện ước mơ của mình”.
Diệp ví sức khỏe mình giống như một đồ thị hình sin, lên xuống không ổn định, giai đoạn cấp (bị ốm nặng) và giai đoạn ổn định xen kẽ lẫn nhau. Nếu biết cách kiểm soát thì những đợt cấp sẽ giãn ra và rút ngắn lại. Vì vậy, cô bạn tự vạch ra cách để bảo vệ sức khỏe.
Diệp tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ, uống thuốc đúng giờ và sinh hoạt điều độ. Mỗi lần xét nghiệm, Diệp tranh thủ ghi lại hết các chỉ số trước khi trả lại kết quả cho bác sĩ. Bằng cách đó, bệnh nhân 18 tuổi nhận ra chỉ số nào đang thay đổi để có cách điều chỉnh cho hợp lý, chỗ nào chưa hiểu thì nhờ bác sĩ tư vấn.
Tác dụng phụ của thuốc khiến cho lớp biểu bì và thành mạch mỏng dần đi. Mỗi lần mũi kim tiêm chạm vào hay chỉ cần gãi mạnh cũng có thể vỡ mạch máu. Phải đối diện với căn bệnh khắc nghiệt nhưng ý chí sống của Bích Diệp không hề lung lay. Cô bạn được tiếp thêm sức mạnh từ bạn bè, người thân.
Lúc xuất viện, sức khỏe Diệp rất yếu, tay không bóc nổi vỏ quả nhãn, cầm thìa canh đưa lên đến miệng còn rớt hết ra ngoài. Diệp được thầy cô ưu tiên, cho phép đến trường muộn hơn bạn bè để tránh sương và không khí lạnh.
Vất vả nhất là phải học “đuổi” kịp chương trình học với bạn bè. Vốn thông minh, trên lớp Diệp tập trung ghi nhớ kiến thức, về nhà chỉ đọc qua một lúc. Bích Diệp hiểu rằng, không nên tạo áp lực cho bản thân, nếu không sẽ “mất trắng” cả kiến thức lẫn sức khỏe. Đi viện về, cô bạn 12 năm học sinh giỏi toàn diện vẫn đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh và giành giải Khuyến khích môn Hóa học.
Nhưng quan trọng nhất là ước mơ vào đại học đã bị thay đổi. Vốn yêu thích ngành Dược, Diệp đặt ra mục tiêu sẽ thi đậu ĐH Dược Hà Nội. Các bác sĩ biết được đã khuyên bệnh nhân không nên học y dược vì chương trình học vất vả, lại phải tiếp xúc nhiều hóa chất không có lợi cho cơ thể.
Nghĩ đến lời bác sĩ nói, nhìn lại cơ thể yếu ớt của mình, Diệp hoàn toàn mất phương hướng. Ngồi phân tích lại, Diệp đành gác lại ước mơ học dược, bạn quyết định chọn khoa Công nghệ sinh học của trường ĐH Khoa học tự nhiên.
Trăn trở với quyết định của mình, cô nữ sinh 18 tuổi viết những dòng nhật ký cảm động: “Những mục tiêu gần bị thay đổi hết nhưng mục tiêu xa và đích đến đại học sẽ không lung lay đâu. Đừng tiết kiệm mơ ước, hãy cứ ước mơ thật cao, thật xa. Nếu không đến được đích thì cũng gần đến đích…”.
Bước vào kỳ thi đại học, bố mẹ Diệp lo lắng sức khỏe con gái nhưng may mắn không có gì xảy ra. Cô bạn đi thi với tâm trạng thoải mái và kết quả còn hơn mong đợi: Toán: 8,25; Sinh: 9,5; Hóa: 10. Với 27 điểm khối A, Diệp cũng đã đỗ vào ĐH Ngoại thương.
Diệp tâm sự, ra Hà Nội học sẽ thuận tiện cho việc điều trị, nhưng bố mẹ nuôi sẽ cực kỳ vất vả. Diệp kể thời gian con gái nằm viện, bố gầy rộc cả người. Ban ngày ở viện, tối lại về quê đi vay tiền. Bố đi lại nhiều đến nỗi nhà xe quen mặt, chỉ lấy tiền vé lượt đi mà miễn vé lượt về.
Chú Nguyễn Tất Cường tâm sự: “Cô chú dự định cho mẹ Diệp ra ngoài đó ở với con gái một thời gian để chăm sóc, tiện cho việc học tập và sinh hoạt của Diệp. Ở nhà, chú vừa lo giúp việc bên xã, vừa chăm sóc mẫu ruộng. Chú vừa nuôi hai mẹ con và lo cho con gái chữa bệnh, coi như nuôi ba suất vào đại học”.
Nghe người cha nói, hai hàng nước mắt Diệp lăn dài.
* Thông tin liên lạc bạn Bích Diệp
Phương Hòa