Raudhatul Jannah 4 tuổi và anh trai 7 tuổi bị chia cắt với cha mẹ khi trận động đất và sóng thần Ấn Độ Dương khủng khiếp ập đến năm 2004. Cha mẹ của Jannah sống sót sau thảm họa, tìm kiếm tung tích hai con suốt một tháng rồi từ bỏ vì nghĩ cả hai đã tử nạn. Một năm sau, hai vợ chồng rời khỏi quê nhà Aceh bởi tài sản của họ đã bị phá hủy.
Tháng 6/2014, anh trai của mẹ Jannah bắt gặp một cô bé có nét giống với cháu gái mình đang đi bộ từ trường về nhà. Sau khi dò hỏi thông tin, ông phát hiện cô bé bị sóng thần năm 2004 cuốn đến một vùng đảo hoang vắng ở phía tây nam tỉnh Aceh, được một ngư dân cứu sống và mang về nhà nuôi với tên Weni.
Mẹ của Jannah là cô Jamaliah, 42 tuổi, cùng chồng đã đến thăm Weni và nhận ra đây chính là con gái thất lạc của mình.
![]() |
Giây phút xúc động khi gặp lại con gái của mẹ Jannah. Ảnh: JPNN |
![]() |
Bức ảnh Jannah khi còn nhỏ vẫn được mẹ cô bé giữ trong điện thoại. Ảnh: AAP |
"Tim tôi đập rất nhanh và không thể ngừng rơi nước mắt khi thấy con bé. Chúng tôi ôm nhau và tôi thấy rất hạnh phúc. Thật kỳ diệu. Cảm tạ Chúa đã cho chúng tôi đoàn tụ sau 10 năm chia cắt", cô Jamaliah chia sẻ cảm giác khi gặp lại con.
Cô Jamaliah cho biết mình nhận ra con ngay lập tức qua đường nét khuôn mặt, dù da cô bé đen đi nhiều do làm việc dưới nắng. Jannah vui mừng khi đoàn tụ với gia đình nhưng cô bé không nói nhiều và gặp vấn đề về phát triển trí não do ảnh hưởng từ chấn thương sau sóng thần.
Jannah cho biết mình và anh trai đều sống sót và trôi dạt vào đảo Banyak, nhưng không biết anh trai hiện ở đâu. Cả gia đình dự định sẽ đến vùng đảo hoang vắng cách bờ 40 km để tìm kiếm con trai.
![]() |
Nụ cười của cô bé trong vòng tay bà và mẹ. Ảnh: AAP |
![]() |
Raudhatul Jannah (thứ hai từ phải sang) ngồi bên cha mẹ và em trai. 14 tuổi nhưng Jannah mới học lớp 4 do gặp khó khăn trong việc học. Ảnh: AAP |
Động đất Ấn Độ Dương năm 2004, còn được biết đến là cơn địa chấn Sumatra, xảy ra dưới đáy biển ngày 26/12/2004, kích hoạt một chuỗi các đợt sóng thần khắp Ấn Độ Dương, cướp đi sinh mạng 230.000 người thuộc 14 quốc gia, trong đó có 170.000 người ở Aceh (Indonesia). Thiên tai này là một trong những thảm họa gây nhiều thương vong nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.
Tuệ Anh (theo abc)