Thứ bảy, 10/4/2021, 10:00 (GMT+7)

Cô gái chế tạo túi xách thời thượng từ quần jeans cũ

Hà NộiTừ các phần túi, khóa, chỗ vải sờn của quần jeans cũ, Kim Ngân tạo thành những chiếc túi vải bò đa dạng về mẫu mã, được thêu hoa và độc bản.

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, Bùi Thị Kim Ngân (32 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, hiện là thợ thủ công) lên phòng tầng 3 - nay được cải tạo thành xưởng, để làm nốt chiếc túi hộp được khách đặt trước. Trong góc phòng, một giá đỡ 2 tầng được thiết kế riêng để đặt quần jeans đã sờn vải, rách đủ chỗ làm vật liệu tái chế túi.

Kim Ngân tự tay chọn vải jeans và may thành túi tái chế sành điệu.

Đặt chiếc quần cũ xuống nền nhà, ngắm nghía một hồi để định dạng đường cắt, Ngân bắt tay vào khâu tạo hình và may. Mỗi chiếc quần có thiết kế riêng, màu sắc khác nhau nên sản phẩm nào tạo ra cũng là bản "limited". Thời gian đầu cô thường chủ động thêu hoa lên túi để che những vết bẩn không thể làm sạch, sau này khi được nhiều khách hàng yêu cầu, Ngân nhận thêm việc thêu hoa, chữ lên balo, túi xách, ví cầm tay, tạp dề...

Kim Ngân cắt quần jeans cũ để tạo hình túi, cô tận dụng mọi chi tiết có thể dùng, tránh lãng phí gây ảnh hưởng môi trường.

Vốn là sinh viên ngành điện tử viễn thông, năm 2012 cô ra trường và xin việc vào làm văn phòng tại một công ty ở Hà Nội ngày 8 tiếng. Lúc rảnh cô nhận làm túi thủ công tại nhà để kiếm thêm thu nhập.

Sau một khoảng thời gian đi làm, Ngân nhận ra công việc văn phòng không hẳn là cực hình nhưng lại lãng phí thời gian. Thay vào đó sao mình không làm việc ở nhà, vừa chủ động thời gian và làm điều mình thích?

Tháng 3/2012, Ngân bất ngờ nhập viện trong tình trạng tiểu cầu máu rất thấp. Trước đó, sáng nào cô ngủ dậy cũng có vết máu trên gối, máu cam chảy cả tiếng không sao cầm được. Sau khi làm đủ mọi xét nghiệm, cô nhận kết quả xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn - tức không tìm ra nguyên nhân và phải chọc tụy. Cô đã suýt ngất khi thấy cây kim to dài, nhưng điều đáng sợ hơn, là những năm tháng sau này khi mà một tuần nằm viện tăng 5 kg, thân hình thay đổi hoàn toàn. Tác dụng phụ của thuốc khiến cô gái rơi vào trầm cảm, mất ngủ triền miên, đêm nào cũng khóc và thậm chí nghĩ đến cái chết.

Tháng 3/2013, Ngân lại nhập viện, lần này là xuất huyết ổ bụng. Nằm viện dài ngày, cô ngẫm nghĩ thấy bản thân quá may mắn vì luôn có gia đình, có người yêu thương bên cạnh.

Kim Ngân dành một phòng tầng 3 để làm xưởng may.

Năm 2015, cô quyết định nghỉ việc để tự lập một xưởng chuyên làm túi, chấp nhận những rủi ro từ việc thu nhập sẽ bị giảm trầm trọng. Thời gian đầu cô nhận sản xuất túi từ vải lụa theo yêu cầu, kết hợp làm thêm túi từ quần jeans để tặng. Xưởng làm túi của Ngân duy trì đến nay cũng được 6 năm.

"Lúc đầu mình định làm túi từ quần jeans cũ cho vui vì muốn tận dụng triệt để các vật liệu thừa, nhưng không ngờ được nhiều người hưởng ứng. Từ đó mới nảy sinh ra ý tưởng 'chỉ cần đổi 6 cái quần cũ sẽ được một cái túi tái chế'... Việc này vừa giúp mình có nguồn vải ổn định đồng thời được nhiều người biết đến hơn", Kim Ngân nói.

Cô thợ thủ công tận dụng các chi tiết như cúc, khóa quần để trang trí cho túi xách.

Tháng 10/2019, nhận thấy sản phẩm túi tái chế từ quần jeans cũ được đón nhận, 8x bắt đầu sản xuất bán. Với kinh nghiệm làm thợ thiết kế túi, không khó để cô cắt, ghép, may vá quần jeans cũ thành ví, balo cho đến túi thời trang cao cấp.

Khác với những sản phẩm được cắt may từ vải, da mới, làm túi tái chế rất khó, đặc biệt làm thủ công hoàn toàn mất rất nhiều thời gian nên buộc cô phải tìm thêm người phụ giúp trong xưởng. Nhưng dù có thợ phụ, các công đoạn chính như cắt, tạo hình vẫn một tay 8x thực hiện.

Mỗi khi nhận một chiếc quần, áo cũ từ vải jeans trên tay, người thợ buộc phải chọn phần vải có chi tiết lạ để cắt, tận dụng chính các khuy, nút làm phụ kiện để tiết kiệm nguyên liệu, tránh sử dụng thêm đồ mới.

Trong suốt quá trình làm, 8x luôn cho rằng đã làm đồ tái chế buộc phải tận dụng tối đa đồ cũ, hạn chế dùng đồ mới để không thải thêm ra môi trường. Một khi nhận quần cũ về, cô sẽ phân loại quần vẫn sử dụng được để đi tặng người có hoàn cảnh khó khăn, các sản phẩm không thể dùng mới đem tái chế; tiếp đó phải hình dung, tận dụng các điểm nhấn của quần để tạo khuôn mẫu và khâu.

Trung bình một ngày Ngân có thể hoàn thành một chiếc túi từ quần jeans, với các mẫu túi khó, khách hàng yêu cầu nhiều chi tiết có thể lên đến 2 - 3 ngày (bao gồm cả phần thêu hình), mức giá bán dao động từ 150 đến 650 nghìn đồng/ sản phẩm. Mỗi tháng sẽ bán được 20 - 25 sản phẩm túi tái chế chưa kể các chất liệu khác.

Một số sản phẩm tái chế từ quần jeans của Kim Ngân.

Nhìn lại hành trình 6 năm qua, 8x luôn cho rằng quyết định nghỉ việc ở công ty để làm túi là điều đúng đắn. Cô được theo đuổi đúng đam mê, làm những điều mình thích và được thỏa sức sáng tạo.

"Bên cạnh việc tập trung sản xuất túi, mình cũng có mở các workshop tại Hà Nội để chia sẻ kinh nghiệm với những người có nhu cầu, mong muốn được tìm hiểu, tiếp cận. Trong thời gian tới mình muốn có thể tổ chức thêm nhiều buổi chia sẻ kỹ năng đến mọi người, để mô hình sản xuất túi tái chế ngày càng được nhân rộng, đồng thời lan tỏa hành động bảo vệ môi trường xanh", Ngân nói.

Thúy Quỳnh - Huyền Vũ