Kính tặng mẹ
Mẹ tôi là cô giáo. Ngày tiểu học, tôi và em gái học khá tốt, tôi viết chữ lại rất đẹp. Mọi người hay nói: “Mẹ giáo viên có khác, kèm con như kèm kem, học lại chả tốt”.
Mấy ai biết, mỗi tối ăn cơm xong, chị em tôi tự giác ngồi vào bàn, tự làm tính, tự học vần. Những khi ấy mẹ đang vùi đầu bên giáo án, hoặc đang cắt đo bên bàn may – nghề phụ của mẹ ngoài giờ lên lớp. Bận rộn với cuộc sống mưu sinh, thời gian dạy chúng tôi học, mẹ hầu như không có.
Tôi sinh ra vốn yếu ớt, từ bé đã hay đau ốm, dặt dẹo nhưng bệnh to bệnh nhỏ, chẳng bệnh nào dọa được mẹ. Đêm mùa đông mưa phùn gió bấc, tôi ôm bụng khóc lăn lóc. Quấn tôi trong chăn, bọc ngoài lớp áo mưa, mẹ đội gió, đội mưa bế tôi gõ cửa nhà thầy thuốc.
Học lớp Ba, có đợt tôi ốm dài không dứt, khám Tây y từ huyện đổ lên trung ương không ra bệnh. Nghe người mách, mẹ lặn lội đến vùng quê heo hút cắt thuốc của một ông lang vườn. Uống thuốc sắc trong ấm đất ròng rã một tháng trời, tôi hết bệnh, má đỏ hây hây, nhảy nhót tưng bừng với chúng bạn. Chẳng hiểu vì thuốc tốt hay vì mồ hôi của mẹ thấm trong từng thang thuốc.
Em gái tôi từ bé có máu lì. Có lần nghịch dại đi bẻ đòng đòng bị thụt chân xuống bùn. Kéo được nó lên, mặt tèm lem nước mắt về nhà, mẹ chẳng dỗ dành, rút roi tre vụt quắn đít. Mẹ bảo: “Chừa nghịch dại chưa? "Dạ" một tiếng thì mẹ tha cho”. Nó khóc ròng nhưng vẫn lì lợm mím chặt môi, mẹ chẳng chịu thua, roi cứ vun vút, gãy hai, ba cái nó mới chịu mếu máo một tiếng "dạ". Mẹ vứt roi, dắt ra bể nước cho tắm rửa rồi mở tủ lấy đồ sạch thay cho nó. Tôi đứng nép góc buồng, thấy mắt mẹ đỏ hoe.
Tôi lớn lên, nhà chuyển vào phố. Hàng xóm có bác Kha bán bún, cô Thành làm thợ may, bà Huệ là y tá về hưu, chú Hữu, chú Tùng… Chuyện láng giềng tối lửa tắt đèn, chẳng phải lúc nào cũng lành, cũng ngọt. Kẻ đanh đá cũng có người nhẫn nhịn, người thật thà cũng có kẻ điêu toa.
Mẹ sống bình lặng nuôi chị em tôi khôn lớn, nhưng ai phạm vào gia đình mẹ, vào các con mẹ... thì mẹ dữ dằn chẳng kém ai. Vậy mà chẳng ai nói mẹ quá quắt, chẳng ai nhiếc mẹ ngang tàng. Tính mẹ thật thà, người ta chỉ bảo mẹ ăn ở phải lẽ, biết nhu, biết cương.
Đứng trên bục giảng, mẹ là cô giáo nghiêm khắc. Dạy trường làng, học sinh viết xấu, làm tính sai, mẹ gõ thước vào tay cho kì viết đẹp, làm đúng mới thôi. Đứa nào nghịch ngợm, mẹ quát một câu là nín hẳn. Lời mẹ có uy là thế, nghiêm khắc là vậy, nhưng mẹ vẫn được học sinh yêu, phụ huynh quý.
Lễ tết nào phụ huynh cũng đến thăm hỏi, chuyện trò với mẹ. Người nhà quê chẳng có phong bì nọ kia, chỉ có con gà, nải chuối và tấm lòng thơm thảo. Mẹ tiếp đón ân cần, người về rồi mà chuyện vui còn mãi.

Cảm ơn mẹ đã dạy con bao điều lớn lao hơn cả những con chữ.
Mẹ hay lam hay làm. Ngoài giờ đứng bục giảng, mẹ nuôi thêm con gà, trồng thêm nắm rau. Sáng tinh mơ, mẹ đi hái từng giành rau khoai về băm trộn cám cho gà. Chiều đi dạy về, mẹ rải hạt giống rau xuống những luống đất tơi mà mẹ hì hụi cuốc xới từ hôm trước.
Giữa lúc đồ ăn thức uống đang báo động đỏ về độ an toàn, mẹ muốn con mẹ có chút rau lành, thịt sạch cho bữa cơm. Ông Ân nhà bên gật gù: “Mẹ mày nhỏ người mà lúc nào cũng thoăn thoắt như con căn cắt, luôn chân luôn tay chả thấy nghỉ bao giờ”.
Cứng rắn là vậy nhưng mẹ lại là người dễ cảm thương, nhiều nước mắt. Xem phim có cảnh thương tâm, mẹ khóc theo nhân vật. Đời thường, thấy những người mẹ vì hạnh phúc riêng mà bỏ con cái đói khổ, rách rưới, mẹ căm giận rủa: “Đàn bà vô phúc!”. Nhìn xa xăm, mẹ bảo: “Người đàn bà bỏ được tất cả nhưng không bỏ được những đứa con”. Tôi bó gối ngồi bên, những lời mẹ in hằn trong nếp nghĩ.
Năm nay mẹ đã gần 50, tóc chấm bạc, mắt hằn vết chân chim, sức khỏe cũng kém đi nhiều vì sương gió. Em gái tôi đang theo học một trường đại học danh tiếng, tôi cũng đã bước hết quãng đời sinh viên. Nhìn lại quãng đường mà tôi đã đi qua, chặng nào cũng vương dáng mẹ, lúc tỏ, lúc mờ.
Thương biết bao nhiêu cái dáng gầy mà tần tảo, đôi vai bé nhỏ mà kiên cường - đôi vai mà tôi tin rằng, dù trời có sập xuống, mẹ cũng sẽ giơ ra đỡ cho chị em tôi. Tôi lớn lên, khuôn mặt tuy có nhiều nét khác biệt nhưng tính cách thì chịu nhiều ảnh hưởng của mẹ, dễ cảm thương nhưng vẫn rất kiên cường. Soi vào cuộc đời mẹ, tôi biết, nét tính cách ấy sẽ đưa tôi bước qua rất nhiều sương gió nhân gian.
Mẹ, bởi tính nhút nhát nên lâu nay, dù lòng muốn nói thật nhiều nhưng con vẫn chưa từng thốt lên một lời cảm ơn, một câu yêu mẹ. Hôm nay, con viết đôi dòng thay lời tri ân gửi đến cô giáo vĩ đại nhất đời con. Mong mẹ mạnh khỏe, an vui. Cảm ơn mẹ đã dạy con bao điều lớn lao hơn cả những con chữ.