![]() |
Lễ trao giải cuộc thi video "Kĩ năng quản lý tài chính". Ảnh: Internet |
Cứ ngày đầu tiên của tháng là chàng sinh viên Tân lại nhận được 3 triệu đồng tiền chu cấp của gia đình. Khoản tiền không hề nhỏ với đời sống sinh viên và lẽ ra sẽ đủ cho Tân sinh hoạt cả tháng.
Nhưng thay vì tằn tiện, tuần đầu tiên Tân quyết định ăn sang, ăn những món ngon, đắt tiền. Khoản 3 triệu vơi đi một ít. Tuần thứ hai, cần dự một buổi gặp gỡ bạn bè lớp học mới, thế là thêm một khoản để "tút tát nhan sắc" trong cửa hàng quần áo. Tuần thứ ba, sinh nhật cô bạn gái, thế là gần như phần còn lại của 3 triệu đã ra đi theo món quà.
Tuần thứ tư, cuối tháng, Tân ôm bát mì tôm hàng ngày. Rồi đến mì tôm cũng chỉ còn cái thùng không, cùng với đó là cái bụng trống rỗng của Tân. Tân chợt nhận ra, mình đã sai lầm vì đã không biết quản lý chi tiêu. Cậu được một người bạn chia sẻ, và quyết định lập sổ tay chi tiêu với những liệt kê chi tiêu rất tỉ mỉ các khoản phải chi trong một tháng, sao cho đến cuối tháng sẽ không còn bị đói nữa.
Thói quen chi tiêu từ đó đã đến với Tân, và theo Tân tới 10 năm sau, khi anh đã ra trường và trở thành một ông sếp thành đạt.
Câu chuyện trên được gói trong video dài 3 phút, giành giải nhất cuộc thi video "Kĩ năng quản lý tài chính" của đội F4, đến từ Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, có lẽ là bài học thật sự thấm thía cho rất nhiều sinh viên Việt Nam hiện nay.
Cuộc sống xa nhà, lần đầu phải tự quản lý cuộc sống của mình, đồng thời tự làm chủ tài khoản của mình, tự cân đối thu chi, không phải ai cũng làm tốt ngay được. Hầu hết sẽ lâm vào cảnh đầu tháng xông xênh, cơm bình dân có thể gọi món ngon nhất, nhưng rồi cuối tháng là đói, là mì tôm, rồi... vác bát đi ăn chực lẫn nhau.
Thế nên, việc tổ chức một chương trình về “Kỹ năng quản lý tài chính” cho sinh viên, dạy cho họ biết cách tổ chức chi tiêu của mình, biết cách trở thành một “ông chủ nhỏ” với tài khoản riêng của mình của Trung ương Hội sinh viên Việt Nam và Visa phối hợp thực hiện, trong thời gian từ tháng 3/2012 đến nay, đã thực sự là một việc làm “thấu đáo”, thu hút được sự quan tâm đông đảo của sinh viên.
Chương trình “Kỹ năng quản lý tài chính” gồm một chuỗi những hoạt động: Những cuộc hội thảo lớn dành cho sinh viên để họ có thể cùng nói lên những suy nghĩ của mình về quản lý tài chính, về việc nên làm như thế nào để quản lý tốt nhất khoản tiền “không nhiều” hàng tháng của mình; Cuộc thi video về “Kỹ năng quản lý tài chính”, các cẩm nang để giúp sinh viên nắm vững 5 bước quản lý tài chính…
Với nhân vật chính là sinh viên, với “người thày” cũng lại là chính các sinh viên, chương trình thực sự đã chinh phục được giới trẻ Việt Nam, khiến họ bắt đầu biết quan tâm hơn đến vấn đề “nhỏ mà không nhỏ” này. “Bình thường em cứ nghĩ, nhiều nhặn gì đâu mà phải làm phương án chi tiêu, nhưng đến khi tham gia chương trình, em mới nhận ra rằng có rất nhiều điều mình sẽ học được, cũng như rất nhiều điều mình có thể đạt được, chỉ bằng cách quản lý tốt tài chính của mình. Thậm chí, việc quản lý tài chính khi ở tuổi sinh viên còn giúp hình thành một thói quen, một tính cách tốt cho chúng em trong cuộc sống sau này”- Diệu Linh, một sinh viên tham gia chương trình cho biết.
Chính vì sự “thiết thực” với quyền lợi của sinh viên như vậy, nên những cuộc hội thảo đều thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Riêng 2 cuộc hội thảo được tổ chức trong tháng 5/2012 (tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) đã thu hút tới hơn 2.000 sinh viên tham gia. Các bạn đã cùng trao đổi kinh nghiệm, cùng “tranh cãi” rất hăng, thậm chí đã cùng “tiểu phẩm hóa” những tình huống của mình, những câu chuyện của mình… để có thể chia sẻ với nhau và cùng tìm ra giải pháp hợp lý. “Thật sự tôi thấy các bạn sinh viên rất thông minh, họ có cách tiếp cận vấn đề và giải quyết vấn đề khá tuyệt vời.
Và qua cách giải quyết vấn đề của họ, cũng bộc lộ rất nhiều điều thú vị về vấn đề giới. Ví như các bạn nữ thường đưa ra những kế hoạch tài chính nhanh hơn các bạn nam, và kế hoạch của họ cũng thường dài hơi hơn; trong khi các bạn nam có phần “ít để tâm” hơn và cũng thường đưa ra kế hoạch ngắn hạn, bà Lorijon Bacchi - Giám đốc khu vực Việt Nam, Campuchia và Lào - Visa International, đại diện Ban tổ chức chương trình cho biết.
Bên cạnh các cuộc hội thảo, một cuộc thi video về “Kỹ năng quản lý tài chính” dành cho các bạn sinh viên cũng được tổ chức, đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo sinh viên với hơn 100 video tham dự cuộc thi, cùng rất nhiều khán giả tham gia bình chọn. “Đã có khoảng 170.000 lượt khán giả vào xem và bình chọn cho các video của cuộc thi, điều này cũng thể hiện sự quan tâm của sinh viên với vấn đề khá “nóng” này.
Đặc biệt, ban tổ chức rất vui mừng khi các video của các sinh viên đã thể hiện những góc nhìn khá đa dạng, những cách tiếp cận thật mới mẻ, đầy sáng tạo về chủ đề quản lý tài chính này. Các bạn đã từ thực tế cuộc sống của mình, của bạn bè mình… rút ra những bài học, những kinh nghiệm, những “công thức” để hoạch định được tài chính của mình” - đại diện BTC cho biết.
Nếu cho rằng sau một chương trình “Kỹ năng quản lý tài chính” như vậy, sẽ có những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của giới sinh viên, khiến họ hiểu ra sự cần thiết của việc phải có sự hoạch định tài chính của mình… thì có lẽ là hơi quá tham vọng.
Nhưng trên thực tế, sinh viên là những người tiếp thu rất nhanh, cũng rất thông minh để có thể biết cái gì tốt khi “nạp vào”, nên như sự đồng tình của hàng trăm sinh viên tham dự lễ trao giải của cuộc thi video, cũng như rất nhiều ý kiến, phát biểu của sinh viên trong các cuộc hội thảo, trên các diễn đàn mà chương trình đã mở ra… thì có thể thấy chương trình đã góp phần “khơi dậy” và gợi mở với vấn đề “tưởng nhỏ mà không nhỏ” là chuyện “cơm áo gạo tiền” giúp họ hiểu họ có thể làm gì với cuộc sống của mình, có thể làm chủ tương lai của mình từ những việc này.
Vậy nên, rất hy vọng, sau chương trình này, sẽ có nhiều sinh viên “biết thế nào là một cuộc sống có kế hoạch” hơn, và cũng sẽ bớt đi những sinh viên phải đau đầu và khốn khổ mỗi tháng vì “Ăn uống, chi phí sinh hoạt, chi phí nhà trọ, xăng xe, chi phí đi chơi với bạn bè... và quan trọng hơn cả là tình phí, tất cả gói gọn trong khoản chi phí ít ỏi ba mẹ chu cấp hàng tháng. Làm thế nào cho đủ đây?”.
Theo Tin Tức