Từ trước tới giờ, truyền thống của gia đình tôi con cái ai cũng học hành, đỗ đạt cả. Bố mẹ tôi luôn tự hào về điều đó. Nhà tôi có 3 chị em. Tôi là chị cả, đang học Đại học tại Hà Nội. Em trai thứ hai thì đang học cấp 3 ở trường huyện. Cho nên, chuyện em gái tôi không đỗ vào trường cấp 3 của huyện là một sự kiện lớn, hàng xóm thì xì xào bàn tán cho rằng: Chắc là con bé ăn chơi, đua đòi theo lũ bạn hư nên không lo học hành…Bố mẹ tôi thì không nói câu nào, không khí gia đình thật nặng nề.
Còn em gái tôi, từ khi biết kết quả, nó trốn đi đâu mà cả nhà tìm mãi không thấy. Mẹ tôi ứa nước mắt:
Đi tìm em đi con, nhỡ đâu nó làm chuyện dại dột.
Tôi chạy đi tìm khắp nơi, cả những nơi ngày xưa chị em tôi thường trốn khi bị bố mẹ đánh đòn, hay khi có chuyện không vui nhưng vẫn không thấy bóng dáng em đâu. Thế rồi trong lúc cả nhà đứng ngồi không yên , tìm nó khắp nơi thì chiều tối em về nhà, gương mặt buồn bã, da cháy đen vì nắng. Tôi đoán nó đã ngồi ở một góc nào đó ngoài biển giữa cái nắng miền trung như thiêu như đốt vào buổi trưa (vì nhà tôi ở gần biển). Bố mẹ an ủi, anh chị động viên bảo em nên thi lại một năm nữa.Thời gian thấm thoắt trôi, tôi về quê nghỉ hè đúng vào dịp em thi vào lớp 10. Một lần nữa em tôi lại không trúng tuyển vào lớp 10. Cả nhà lại thay nhau an ủi, động viên. Nhưng trái với vẻ chán nản lần trước, em nói với bố mẹ tôi: - Con muốn đi làm. Cả nhà ai cũng choáng váng. Đang định khuyên nó theo học một trường nghề hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên thì nó lại quyết định như thế. Tính em tôi vốn bướng nên ai khuyên bảo cũng không được.
![]() |
Ảnh minh họa: Internet. |
Cả nhà đành chịu. Cuối cùng, mẹ tôi cũng nhờ chỗ quen biết để gửi gắm em cho một chị làm ở nhà hàng ăn nổi tiếng ở Hà Nội. Và dĩ nhiên, bố mẹ giao cho tôi trách nhiệm kèm cặp, bảo ban em trong khoảng thời gian nó ra Hà Nội đi làm. Nhưng nó nhất quyết không chịu ở cùng chỗ với tôi với lí do: Em không thích. Em lớn rồi.Thế là nó ở cùng với các bạn làm chung nhà hàng. Mẹ tôi rất lo lắng, sợ em ra chốn Hà Thành sẽ có nhiều cám dỗ, bị bạn bè xấu lôi kéo rồi hư hỏng nên ngày nào cũng gọi điện ra dặn dò em tôi, nhắc nhở tôi để ý tới em. Nhưng tính em rất tự lập, làm việc chăm chỉ, nghiêm túc, có trách nhiệm lại rất hòa đồng với mọi người. Cho nên, cả nhà hàng ai cũng quí mến em. Từ khi đi làm, được bao nhiêu tiền lương em đều gửi về nhờ bố mẹ giữ hộ hoặc mua vàng cho em để dành. Bố mẹ tôi cũng mừng vì sau khi đi làm em cũng trưởng thành hẳn lên.
Ba năm trôi qua, những tưởng em sẽ gắn bó với công việc là một nhân viên nhà hàng. Nhưng thật bất ngờ, một hôm em gọi điện cho tôi và bảo: Chị à, em đã góp đủ tiền để đi học rồi, chị tìm hộ em xem có trường trung cấp nào có ngành quản lí không nhé. Em muốn học làm quản lí.
Thì ra bấy lâu nay, em cố gắng làm việc là để tích góp tiền đi học, và trong thời gian đó em cũng lên mạng tìm hiểu về bậc học trung cấp. Em nói rằng em muốn đi học như các bạn, em muốn học trung cấp vì trung cấp có hệ 3 năm, như thế em vừa được bổ sung kiến thức cấp 3 em còn thiếu, lại được học chuyên ngành mà em yêu thích. Em đã tiết kiệm đủ tiền rồi nên không cần xin bố mẹ nữa. Sau này , em còn được liên thông lên Đại học nữa. Thế là em cũng có trình độ bằng chị rồi.
Tôi rất bất ngờ và cảm động vì đứa em gái út bé bỏng ngày nào đã thật sự lớn rồi. Mười tám tuổi, em đã quyết định học ở trường đời trước khi đến với sách vở.Còn tôi bây giờ từ sách vở bước ra trường đời còn lúng túng và bỡ ngỡ biết bao. Tôi-suốt 4 năm đại học còn ngửa tay xin tiền bố mẹ nhưng em tôi thì khác. Em - mười tám tuổi đã đi làm, tiết kiệm đủ tiền đi học, để nuôi dưỡng ước mơ ấp ủ bấy lâu. Giờ đây, em đang theo học chuyên ngành quản lí đất đai tại một trường trung cấp ở Hà Nội.
Có nhiều con đường để đi đến ước mơ, con đường nào cũng nhiều chông gai và khó khăn cả. Điều quan trọng là chúng ta phải kiên trì và đừng bao giờ từ bỏ ước mơ. Em gái tôi đã làm được điều đó.
Theo Mực tím