Khi cả thế giới đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19, câu cửa miệng của mọi người là "social distancing" (cách biệt cộng đồng) và "self-isolation" (tự cách ly). Nhưng đối với Maliwan Kamdaeng, điều đó gần như là nhiệm vụ bất khả thi khi sống ở Thái Lan. Cô là một trong 100.000 người dân của khu ổ chuột lớn nhất Bangkok - Khlong Toey.
Sáng sớm, Maliwan đi làm ở một công ty logistics lớn - ở đây cô phải tiếp xúc với nhiều người đến từ khắp nơi trong thành phố. Khi số ca nhiễm ở Thái Lan lên 600, cô lo sợ mình có nguy cơ nhiễm bệnh từ đồng nghiệp. "Chúng tôi đều sợ bị nhiễm bệnh ở công ty. Mọi người nghĩ bệnh này ở xa lắm. Nhưng chúng tôi vẫn sợ", cô nói.
![]() |
Khlong Toey là khu ổ chuột lớn nhất và nổi tiếng nhất ở Bangkok, nơi có khoảng 100.000 người sống dọc theo các con hẻm chật hẹp. |
Nơi Maliwan ở là một ngôi nhà tạm bợ với các tấm gỗ được lắp vào nhau, chen chúc giữa hàng chục ngôi nhà tương tự. Bên trong, các con cô đang chuyền nhau quả bóng, còn mẹ cô đang xem phim trên TV. Nỗi lo của Maliwan không chỉ ở việc có thể bị bệnh và lây cho các con, mà còn vì công ty cô có thể tạm ngừng hoạt động bất kỳ lúc nào. Điều đó sẽ là nỗi ám ảnh bởi cô sẽ không đủ tiền để trang trải cuộc sống. "Tôi là lao động chính trong gia đình", cô chia sẻ.
Khi được hỏi cô phải chu cấp cho bao nhiêu người, cô chỉ biết cười. Làm việc ở nhà không phải là một lựa chọn bây giờ. Cô nói thêm: "Tôi đang phải lo cho 8 người, 5 đứa trẻ và 3 người lớn. Tôi không thể mất việc. Nếu công ty đóng cửa, tôi phải tìm cách khác để kiếm tiền. Có thể là giặt đồ, hoặc tìm trên mạng việc gì đó để tôi có thể làm ở nhà. Tôi sẽ phải tìm quanh đây xem có việc nào làm ở nhà được không".
Mẹ Maliwan năm nay 74 tuổi, vẫn khỏe mạnh. Cô cho hay: "Bà ấy rất khỏe mạnh. Nhưng nhà nào ở đây cũng có người già".
Đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong thời điểm này là người già hoặc người có tiền sử bệnh như tiểu đường hoặc ung thư. Nhưng những người không được tiếp cận với dịch vụ y tế hoặc sống ở nơi hệ thống vệ sinh chưa được phát triển cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh.
![]() |
Giống như nhiều cư dân Khlong Toey, Maliwan sống với các con, mẹ già trong khu nhà chật hẹp. |
Khlong Toey nổi tiếng với khu chợ lớn - có tất cả điều kiện nêu trên. Cecilia Tacoli - nhà nhiên cứu dự án Nhà tái định cư cho dân, thuộc Viện nghiên cứu Môi trường và phát triển Quốc tế - cho biết việc "social distancing" là không thực tế đối với người nghèo. Bà cho biết: "Những khu định cư thu nhập thấp ở thành phố của các quốc gia trung bình hoặc kém phát triển có mật độ dân số lớn, cùng với sự thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, nguồn nước sạch và các dịch vụ y tế, tất cả yếu tố đó tiếp sức cho sự lây lan của bệnh truyền nhiễm. Hầu hết dân cư đô thị không có công việc chính thức mà chỉ dựa vào những công việc thông thường với mức lương ít ỏi. Điều này nghĩa là những việc như rửa tay thường xuyên hay cách ly xã hội, làm việc tại nhà là không thực tế".
Tacoli cho biết thêm, người già rõ ràng là nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất, nhưng sự dễ tổn thương của phụ nữ trong độ tuổi này có thể mang đến hậu quả nặng nề. "Chúng ta nên ghi nhớ rằng trên thế giới có khoảng 3 tỷ người sống trong những khu vực như vậy. Họ chiếm phần lớn dân số của nhiều thành phố lớn. Những người già, đặc biệt là phụ nữ, thường chiếm một vai trò quan trọng trong việc chăm nom trẻ em và người ốm. Khi cân nhắc trường hợp xấu nhất, hai tình huống nêu trên nghiêm trọng hơn cả", bà nói.
Eric Fevre - một giáo sư về bệnh truyền nhiễm ở thú y, thuộc Đại học Liverpool - cho biết: "Mật độ dân số cao và khả năng cách biệt cộng đồng gần như bằng không là hai yếu tố quan trọng trong việc khiến bệnh lây lan dễ dàng hơn".
Giống Maliwan, nhiều người dân trong khu vực thường sống với cả họ hàng nhưng chỉ có một vài phòng. Một số nhà thậm chí chỉ có một phòng. Nếu khu vực đó bị cách ly, tình hình có thể nguy hiểm hơn vì bất kỳ bệnh nào cũng lây truyền nhanh hơn trong khu vực có mật độ dân cư cao.
Khu ổ chuột không bị cô lập khỏi thành phố, khiến người dân nơi đây càng dễ tổn thương trước dịch bệnh. Fevre chia sẻ: "Tôi nghĩ những khu nhà như vậy có nguy cơ cao nhất vì người dân phải đến những khu giàu hơn của thành phố để làm việc".
Ở Bangkok, những người ở Khlong Toey làm việc trong văn phòng và cả trong các ngành dịch vụ như khách sạn, di chuyển công cộng và an ninh để đảm bảo thành phố vẫn hoạt động. Đến nay, chính phủ vẫn chưa có động thái nào để thông báo cho những người sống ở khu ổ chuột rằng họ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn.
![]() |
Thái Lan đóng cửa trường học, trung tâm, điểm giải trí để ngăn chặn sự lây lan Covid-19. Ảnh: EPA. |
Vào cuối tuần trước, giới chức bắt đầu thực hiện nhiều biện pháp mạnh tay hơn để ngăn chặn Covid-19 như thắt chặt lệnh hạn chế di chuyển, đóng cửa trường học, quán bar, nhà hàng, trung tâm thương mại và các khu vui chơi giải trí.
Khi Bangkok chuẩn bị phong tỏa thành phố, Maliwan cho biết cô đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Cô đứng dựa vào cửa nhà mình - ngôi nhà lọt thỏm trong dãy nhà gỗ chỉ được thắp sáng bởi ánh điện huỳnh quang le lói. Cô dự liệu về phản ứng của bản thân nếu virus lây lan đến khu vực họ sống. "Tôi sẽ không để người thân ra ngoài. Tôi sẽ cố gắng bảo vệ họ tốt nhất có thể. Chúng tôi sẽ đeo khẩu trang và đảm bảo nhà được diệt khuẩn và mọi người luôn ở cùng nhau", cô nói.
Huyền Anh (Theo Aljazeera)