Suốt hai tuần sau khi tiểu bang Minnesota (Mỹ) buộc người dân ở nhà để hạn chế lây lan Covid-19, bà Jane Egerdal khóc mỗi ngày.
Bà Egerdal, 62 tuổi, có tiền sử bị trầm cảm, đang sống một mình tại Faribault, tiểu bang Minnesota. Chỉ trong một đêm, những nỗ lực đối phó với chứng trầm cảm như đến phòng tập thể dục, gặp gỡ bạn bè tại quán cà phê hay công việc y tá tại một trường học của bà đều biến mất.
"Tôi đã đánh mất những kết nối xã hội. Tôi không còn công việc và mục đích sống. Sự cô đơn là điều tôi không thể chịu đựng", bà Egerdal nói.
Đại dịch làm đảo lộn nghiêm trọng cuộc sống của nhiều người, gây ra những bất ổn cho hàng triệu người đang phải đối phó với chứng trầm cảm và lo lắng.
Sự lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình, sự căng thẳng khi bị mất việc làm, các bộ luật mới phá vỡ thói quen sinh hoạt thường ngày... đều có thể khiến các triệu chứng và khả năng tái phát bệnh trầm cảm gia tăng, ông Charles B. Nemeroff, Chủ tịch khoa tâm thần học, Đại học Texas, trực thuộc Đại học Y Austin cho biết.
Các nghiên cứu gần đây đã tìm ra mối liên hệ giữa sự cô lập xã hội và trầm cảm. Đặc biệt, những lo lắng do thiếu an toàn tại các ổ dịch lớn càng thúc đẩy cảm giác tuyệt vọng, bất lực vốn là dấu hiệu của bệnh trầm cảm, C. Vaile Wright, Giám đốc nghiên cứu lâm sàng của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ nói.
"Đến nay, chúng ta vẫn chưa thể ngăn chặn sự lây lan của virus. Không có thuốc chữa hay vắc xin điều trị. Không có nhiều thứ để hy vọng. Và đó là một trong những nguyên nhân gây trầm cảm", bác sĩ Wright nói.
![]() |
Hơn 1/3 người Mỹ nói rằng, Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của họ - Kết quả dựa trên cuộc khảo sát được công bố hôm 25/3 bởi Hiệp hội Tâm thần Mỹ. |
Theo một nghiên cứu được công bố năm 2012 trên Tạp chí quốc tế về phương pháp nghiên cứu tâm thần học, khoảng 22% người Mỹ từ 13 tuổi trở lên bị rối loạn lo âu mỗi năm; 9,4% người bị rối loạn cảm xúc bao gồm cả trầm cảm nặng và rối loạn lưỡng cực. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra, khoảng 32% nguời Mỹ sẽ bị rối loạn lo âu tại một thời điểm trong suốt cuộc đời và 17,5% sẽ bị rối loạn cảm xúc.
Còn theo cuộc khảo sát mới công bố hôm 25/3 của Hiệp hồi Tâm thần Mỹ, hơn 1/3 người Mỹ nói rằng Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của họ.
Liên minh Quốc gia về Bệnh tâm thần Mỹ cho biết, các cuộc gọi điện thoại và email đến đường dây nóng mong được trợ giúp tăng 40% trong hai tuần qua. Đa phần liên quan đến Covid-19 - Dawn Brown, giám đốc của tổ chức nói.
Crisis Text Line, dịch vụ phi lợi nhuận chuyên tiếp nhận tư vấn khủng hoảng qua tin nhắn SMS ở Mỹ, thông báo tăng 40% lượng tin nhắn gửi về kể từ 16/3. Khoảng 75% người yêu cầu tư vấn dưới 25 tuổi, các khách hàng đề cập đến vấn đề lo lắng, trầm cảm và suy nghĩ tự tử, Bob Fibin, người đồng sáng lập - nhà khoa học của Crisis Text Line nói.
Các phương pháp điều trị dựa trên những triệu chứng của bệnh trầm cảm và rối loạn lo âu bao gồm: sử dụng thuốc chống trầm cảm; các liệu pháp nói chuyện với người bệnh...
Giáo sư Bruce J. Schwartz, phó chủ tịch Khoa Tâm thần và Khoa học hành vi tại Trung tâm Y tế Montefiore ở New York, Chủ tịch Hiệp hội Tâm thần Mỹ cho biết, nhiều bác sĩ tâm lý và bác sĩ lâm sàng về sức khỏe tâm thần đã cố gắng điều trị cho các bệnh nhân qua điện thoại và video. Nhưng do sự thiếu hụt về đội ngũ y bác sĩ cùng sự gia tăng lớn số lượng bệnh nhân, các bác sĩ khó có thể nhận cuộc hẹn với bệnh nhân mới. Ông Schwartz cũng cảnh cáo người bệnh không nên dùng rượu, ma túy để điều trị chứng lo âu và trầm cảm.
"Để quay trở lại với lịch hoạt động và thói quen thường ngày trong thời điểm này là không thể. Điều quan trọng với người mắc trầm cảm, lo lắng là tạo ra những thay đổi mới mẻ", Aarti Gupta, nhà tâm lý học lâm sàng ở Palo Alto, California cho hay.
Aarti đề nghị các bệnh nhân nên thiết lập chế độ sinh hoạt điều độ, không để tình trạng mất ngủ xảy ra (một trong những nguy cơ gây trầm cảm). Cô cũng hướng dẫn các bệnh nhân lên lịch trình hoạt động mỗi ngày với thời gian cụ thể. Ví dụ: dành thời gian đi dạo quanh nơi sinh sống, gọi điện thoại cho người thân, bạn bè... Đây là phương pháp kích hoạt hành vi giúp điều trị trầm cảm hiệu quả. Trước đó, một phân tích tổng hợp được công bố trên tạp chí Đánh giá tâm lý học lâm sàng năm 2007 cũng chỉ ra hiệu quả của phương pháp này.
Đối với người mắc trầm cảm, việc rời giường buổi sáng rất khó khăn, do vậy bác sĩ Wright khuyên người bệnh nên đặt báo thức trên đồng hồ/điện thoại và đặt chúng càng xa giường càng tốt. "Đó là cách duy nhất để ép bạn ra khỏi giường. Sau đó hãy bắt đầu với các bài tập thể dục", cô nói.
Jenny Meyer, 45 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm khi còn là một thiếu niên. Mùa thu năm ngoái, cô tái phát bệnh, tuy nhiên tình trạng bệnh đã hồi phục với sự trợ giúp của thuốc chống trầm cảm cùng sự hỗ trợ của những người bạn, đồng nghiệp tại công ty do chính cô sáng lập ở Houston.
Nhưng từ khi địa phương áp dụng lệnh phong tỏa vì Covid-19, mọi cố gắng suốt nhiều năm để cải thiện chứng trầm cảm đã "đổ bể".
Thời gian gần đây, Meyer rơi vào trạng thái nặng nề, căng thẳng và không thể rời giường - điều cách đây 6 tháng từng xảy ra.
"Những ngày tuyệt vời của tôi là được ăn trưa, uống cà phê và gặp gỡ các giám đốc điều hành để bàn bạc công việc. Nhưng giờ đây tôi không thể", cô nói.
Meyer đang sống với con gái 18 tuổi. Để cải thiện tình trạng bệnh, Meyer rèn luyện sức khỏe bằng cách chạy bộ quanh khu phố nơi mình sinh sống, nói chuyện với bạn bè mỗi ngày và nấu ăn cùng con gái.
"Trò chuyện với bạn bè, gia đình để nhận được sự hỗ trợ là chìa khoá giúp cải thiện tình trạng ở người trầm cảm. Đặc biệt, những bệnh nhân có thể trò chuyện với nhau cũng khiến họ cảm thấy tốt hơn", Gary Sachs, phó giáo sư lâm sàng về tâm thần học tại Đại học Y Harvard nói.
Bên cạnh đó, Sachs khuyến nghị các bệnh nhân nên hạn chế tìm đọc những tin tức liên quan đến đại dịch và không vượt quá 30 phút/ngày.
Tiến sĩ Nemeroff cũng nhấn mạnh phương pháp "tái cấu trúc nhận thức" cho bệnh nhân. Nemeroff cho rằng, việc thay đổi những suy nghĩ tiêu cực có thể làm thuyên giảm các triệu chứng.
Thay vì nghĩ "Tôi tù túng, cô đơn, không lối thoát. Tôi không thể xử lý mọi chuyện ngay lúc này", bạn hãy nghĩ "Tôi có thể kiểm soát được hành động của bản thân. Tôi có thể ngồi thiền. Tự chăm sóc được bản thân. Gọi điện thoại cho người thân và có thể ngủ đủ giấc".
Bà Egerdal ở Minnesota cho biết bản thân cảm thấy tốt hơn trong những ngày gần đây. Bà đã liên lạc với bác sĩ điều trị và đang xem xét có nên dùng lại thuốc chống trầm cảm.
Mỗi ngày, bà Egerdal tự thiết đãi bản thân một bữa ăn tại nhà hàng có cửa sổ thông thoáng, cùng bạn bè đi dạo nhưng vẫn giữ khoảng cách gần 2 mét. Thi thoảng bà sử dụng ứng dụng Zoom để liên hệ với câu lạc bộ sách. Mỗi khi tỉnh giấc giữa đêm, Egerdal xem các chương trình hài trên YouTube để giữ tâm trạng thoải mái.
"Thay vì nghĩ về những điều bạn không có, hãy nghĩ về những việc bạn có thể làm", bà Egerdal nói.
Minh Phương (theo The Wall Street Journal)