Thứ năm, 5/8/2021, 07:00 (GMT+7)

Cuộc sống 'địa ngục' của VĐV Olympic Mỹ: Bị sỉ nhục, ép nhịn ăn, lạm dụng tình dục

Các VĐV thể dục dụng cụ Mỹ vạch trần mặt tối sau những tấm huy chương, đó là những lời lăng mạ, bỏ đói và bị chính bác sĩ của đội tuyển lạm dụng tình dục trong nhiều năm.

Dominique Moceanu (39 tuổi) từng đại diện cho nước Mỹ thi đấu ở Olympic Atlanta 1996 khi mới 14 tuổi và là thành viên của nhóm Magnificent Seven từng đoạt HC Vàng. Moceanu hé lộ những lời lăng mạ mà cô và các đồng đội phải nghe trong quá trình tập luyện - gọi đó là sự "lạm dụng khủng khiếp" mà họ phải chịu đựng sau hào quang.

Dominique Moceanu (khi 17 tuổi) tại sự kiện ở Indianapolis, ngày 22/8/1998. Ảnh: Indystar.

Moceanu cho hay mình luôn bị các huấn luyện viên gọi là "béo" và hạn chế lượng đồ ăn, liên tục sỉ nhục cô cả về thể xác lẫn tinh thần. Cô nói: "Các huấn luyện viên bảo chúng tôi, 'Đừng ăn nữa, các em béo lắm'. Đó không phải là điều mà bạn nói với một thiếu niên chưa dậy thì. Điều đó thật tai hại. Tôi được các huấn luyện viên bảo phải nhịn ăn, và mỗi lần tôi trình diễn không tốt, họ nói rằng đó là do tôi béo. Tôi ngồi với các huấn luyện viên khi ăn tối và tôi không thể động tay vào bánh mỳ, không thể hỏi xin thêm thức ăn, không thể ăn những thứ ở trước mặt mình".

Sau quyết định rút lui khỏi 5 nội dung thi đấu cuối ở Olympic 2020 của Simone Biles, Moceanu cũng chia sẻ một video của mình ở Olympic, trong đó cô bị ngã đập đầu ở nội dung cầu thăng bằng. Trước khi thi đấu, cô đã bị rạn xương đùi. Moceanu cho biết mình không được chăm sóc y tế sau cú ngã và bị bắt phải thi đấu nội dung tiếp theo chỉ vài phút sau. Cô cũng nói rằng quyết định của Simone Biles cho thấy các vận động viên có quyền lên tiếng đối với sức khỏe của bản thân - quyết định mà cô cảm thấy mình chưa bao giờ có được khi thi đấu Olympic.

Dominique Moceanu mới 14 tuổi khi thi đấu tại Olympic dưới sự dẫn dắt của HLV Bela Karolyi. Ảnh: Getty

Moceanu là một trong những vận động viên hàng đầu đầu tiên lên tiếng về "chiến thuật sỉ vả" mà hai cựu huấn luyện viên của đội tuyển Mỹ Bela và Marta Karolyi sử dụng. Sau những chỉ trích thẳng thắn của mình, cô bị Hiệp hội Thể dục dụng cụ Mỹ (USAG) cho vào danh sách đen. Năm 2008, trong một cuộc phỏng vấn với HBO, cô hé lộ về "sức tàn phá" lâu dài của "sự lăng mạ", cô vẫn còn nhiều chấn thương vì áp lực thể chất không cần thiết.

Những lời chỉ trích thu hút nhiều sự chú ý, vén màn "mặt tối" của thể dục dụng cụ, tuy nhiên, điều này cũng biến cô thành mục tiêu của một chiến dịch bôi nhọ của USAG. Thời điểm đó, Steve Penny, cựu chủ tịch của USAG bảo vệ vợ chồng Karolyi: "Vợ chồng Karolyi đã đóng góp rất nhiều cho thành công của các vận động viên trong nhiều năm qua và những năm tiếp theo".

Dominique Moceanu tập luyện với huấn luyện viên Bela Karolyi trong buổi tập ngày 27/6/1996 tại Boston. Ảnh: AP.

Bên cạnh đó, Moceanu còn bị cáo buộc nói dối và cố thu hút sự chú ý để kiếm tiền nhờ công khai lên tiếng. Cô kể lại: "Tôi cảm thấy thật cô đơn và bị khuất phục vì không có ai phỏng vấn cùng tôi và làm điều nên làm. Thật mệt mỏi về tinh thần. USAG cho tôi vào danh sách đen, làm tổn hại hình ảnh, danh tiếng của tôi. Không chỉ là những thứ được bịa ra, mọi người cố khiến tôi trông như bị điên, giống như tôi mới là người bịa chuyện. Sự thật không phải vậy. Điều đó thật tai hại. USAG khiến tôi tổn thương theo những cách mà tôi không thể miêu tả được. Họ nói rằng tôi nói dối. Giờ đây mọi người biết rằng tôi không làm vậy. Đã đến lúc họ dừng ngay việc che giấu mọi việc".

Moceanu cho biết "tác hại" lâu dài do các huấn luyện viên gây ra khiến cô mất nhiều thập niên để vượt qua và phải nỗ lực rất nhiều để tìm ra cách giữ cơ thể khỏe mạnh: "Khi ai đó theo dõi bạn ăn, điều đó khiến bạn có mối quan hệ méo mó với thức ăn".

Hôm 27/7, Simon Biles (24 tuổi), VĐV thể dục dụng cụ Mỹ, rút khỏi nội dung đồng đội vì lý do sức khỏe tinh thần. Đằng sau quyết định chấn động là những tổn thương liên quan đến lạm dụng tình dục và áp lực của một vận động viên hàng đầu thế giới. Câu chuyện từng được khắc họa trong phim tài liệu "Bê bối thể dục dụng cụ Mỹ" (At The Heart of Gold: Inside The USA Gymnastics Scandal) năm 2019 của đạo diễn Erin Lee Carr.

Simone Biles xem trận chung kết môn thể dục dụng cụ đồng đội nữ Olympic 2020. Ảnh: Washington Post

Simon Biles, một trong những vận động viên giàu thành tích nhất trong lịch sử Olympic, đã cáo buộc cựu bác sĩ của đội tuyển Thể dục dụng cụ Mỹ Larry Nassar tấn công tình dục mình. Cô chia sẻ trên Twitter: "Hầu hết các bạn biết tôi là một cô gái hạnh phúc, vui vẻ và đầy năng lượng. Nhưng gần đây... tôi cảm thấy đau khổ một chút. Tôi không sợ kể câu chuyện của mình nữa".

Tuyên bố của Biles giống với những cáo buộc của hơn 140 phụ nữ khác, nói rằng Nassar núp bóng chữa trị, sờ soạng cơ thể các vận động viên mà không đeo găng tay, cảnh báo hay xin phép họ. Trước khi Nassar nhận hàng loạt tội danh tình dục vào cuối 2017, cả ông ta và luật sư đều phủ nhận các cáo buộc và giữ vững quan điểm rằng mình thật sự đang trị liệu chấn thương cho các vận động viên.

Biles viết: "Thật không bình thường khi bác sĩ của đội nói rằng đây là liệu trình 'đặc biệt'. Hành vi này hoàn toàn không chấp nhận được, kinh tởm và lạm dụng, đặc biệt khi nó đến từ người mà tôi được yêu cầu phải tin tưởng".

Ủy ban Olympic Mỹ phủ nhận rằng họ có nghĩa vụ pháp lý phải bảo vệ Biles và các vận động viên khác khỏi Nassar và họ tiếp tục trốn tránh trách nhiệm khi ra tòa. Nassar đang thực hiện hình phạt 175 năm tù sau khi bị kết tội lạm dụng tình dục hơn 150 vận động viên thể dục dụng cụ trong 30 năm sự nghiệp. Biles chia sẻ trên một cuộc phỏng vấn gần đây trên NBC rằng một trong những lý do chính cô quay lại Olympic là để đảm bảo rằng có người sẽ phải chịu trách nhiệm: "Nếu không có vận động viên nào là nạn nhân ở môn này còn sót lại, họ sẽ gạt việc này qua một bên". Cô cũng nói trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình 60 Minutes: "USAG không làm tròn bổn phận với nhiều vận động viên. Và hầu hết chúng tôi đều chưa thành niên. Các bạn không nghĩ rằng đó là vấn đề lớn hơn sao? Nếu đó là tôi và tôi biết có chuyện gì đó, tôi sẽ muốn nó phải được giải quyết ngay".

Simone Biles. Ảnh: Reuters

Đối với Simon Biles, ngày 27/7 không phải là ngày mang lại kỷ niệm tốt đẹp. Cơ thể thường ghi nhớ về những khoảng thời gian và những điều xảy ra vào thời điểm đó. Để thực hiện nội dung thi đấu của mình, Biles buộc phải có sự tập trung hoàn toàn của cả cơ thể lẫn tâm trí. Cô chia sẻ, khi đang treo mình ở độ cao 3m trên không trung, lộn ngược và nhào lộn liên tục, 'bạn phải tập trung 100% hay 120% vì nếu không tập trung, bạn có thể bị thương. Tôi không muốn thi đấu và làm điều gì đó ngu ngốc rồi bị thương và bị ngó lơ... Không xứng đáng chút nào. Chúng tôi đều muốn đi bộ ra khỏi đây, không phải bị kéo ra trên cáng hay gì hết".

Còn đối với Moceanu, cô đã thấy một số thay đổi đáng chú ý trong cách đối xử với vận động viên của USAG, tuy nhiên, cô tin rằng USAG vẫn nợ mình lời xin lỗi: "Mất 30 năm để được như bây giờ và sẽ mất nhiều thời gian để sửa chữa mọi tổn thương. Việc này không phải là chuyện ngày một ngày hai. Các ông phải xây dựng và khôi phục được lòng tin khi niềm tin đã tan vỡ sau nhiều năm và các ông đã làm nhiều người và nhiều vận động viên đau khổ. Đây là dịp kỷ niệm 25 năm chiếc huy chương vàng của Magnificent Seven và tôi nghĩ USAG vẫn nợ tôi một lời xin lỗi... Xin lỗi riêng là một chuyện, nhưng công khai lại là chuyện khác". Cô cũng cảnh báo rằng thay đổi thật sự sẽ không xảy ra cho đến khi những người trong tổ chức này trong nhiều thập kỷ cần xem xét lại bản thân và cuộc chiến vẫn tiếp tục nếu họ không chịu thừa nhận.

Huyền Anh (Theo Mail, Washington Post)