Ngày 20/2, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT, cho biết từ cuối năm 2020, nhà trường đã lên kế hoạch mua vaccine cho toàn bộ cán bộ giảng viên, học viên.
Về việc tìm đơn vị cung cấp, nhà trường không đặt yêu cầu chỉ mua vaccine của một nước hay khu vực nhất định vì sẽ gây chậm trễ trong việc gom đủ số lượng, thay vào đó sẽ mua vaccine đạt chất lượng, do các tổ chức y tế uy tín kiểm định, đến khi đủ số lượng đề ra.
Theo lãnh đạo nhà trường khi có vaccine, sinh viên, giảng viên không chỉ duy trì việc học tập trung mà còn đạt hiệu quả tốt nhất trong việc dạy và học.
Là trường đầu tiên công bố kế hoạch mua vaccine, Đại học FPT dự kiến chi phí cho 100.000 liều khoảng 3-4 triệu USD (80-100 tỷ đồng), tương đương khoản hỗ trợ học phí của trường cho sinh viên năm 2020.
![]() |
Khu campus của Đại học FPT. Ảnh: ĐH FPT. |
"Với mong muốn ai cũng được tiêm vaccine, chúng tôi sẽ tiêm miễn phí như một dạng hỗ trợ người học, giảng viên với nguồn kinh phí từ quỹ phát triển của trường", ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, kế hoạch mua vaccine của Đại học FPT chưa được ấn định thời gian hoàn thành vì còn phụ thuộc thủ tục pháp lý, thương mại. Đặc biệt, việc mua số lượng lớn không dễ và hiện vẫn chưa có quy định xã hội hóa cho việc cung cấp và sử dụng vaccine Covid-19 ở Việt Nam.
"Tôi nghĩ từ tháng 6 trở đi, việc mua vaccine sẽ dễ dàng hơn do các nước bắt đầu tiêm xong cho công dân của mình, dư thừa để xuất khẩu. Hy vọng kế hoạch này sẽ hoàn thành cuối năm nay", lãnh đạo nhà trường cho hay.
Hồi cuối tháng 1, Đại học FPT cơ sở Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội, từng phong toả tạm thời toàn bộ khuôn viên trường tại khu công nghệ cao Hòa Lạc vì một sinh viên mắc Covid-19 được ghi nhận là "bệnh nhân 1815".
Một ngày sau khi phong tỏa, nhà chức trách xác định 47 sinh viên và 5 giảng viên là F1, 60 F2 và 492 F3. Đến 3/2, sau khi nhận kết quả âm tính với nCoV của gần 700 sinh viên, cán bộ, trường đã gỡ phong tỏa.
Minh Phương