Khởi hành từ ngôi làng nhỏ Hohenschwangau dưới chân núi, sau khi hăng hái “cuốc bộ” lên đến đỉnh Alps thuộc vùng tây nam cao nguyên Bavaria của Đức, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một lâu đài Disney sừng sững thật sự như bước ra từ truyện cổ tích.
![]() |
Neuschwanstein là một trong ba lâu đài hoàng gia được xây dựng theo yêu cầu của vua Lugwig II xứ Bavaria từ năm 1869. Cái tên Neuschwanstein có nghĩa là Thiên nga Đá Mới (New Swan Stone) xuất phát từ nhân vật hiệp sĩ “Swan Knight” trong nhạc kịch của soạn giả kiêm nhạc trưởng Richard Wagner. Nổi danh là một vị vua giàu tính lãng mạn, không màng chính sự mà chỉ yêu thích văn chương, hội họa và nghệ thuật, Lugwig II đã biến Neuschwanstein trở thành một thiên đường cổ tích thật sự. |
![]() |
Tòa lâu đài vẫn sừng sững đến kinh ngạc trước hai cuộc thế chiến ở Đức. Sự phong phú và phức tạp từ các họa tiết trang trí cũng như những bức tranh tường không khỏi khiến du khách ngỡ ngàng. Đặc biệt, bạn không cần phải cố gắng tưởng tượng ra quá khứ huy hoàng năm xưa của Neuschwanstein vì màu sắc và lối trang trí vẫn còn nguyên vẹn nét rực rỡ và sang trọng như ngày nào. |
![]() |
Bao bên ngoài lâu đài là bức tường thành bằng đá hoa cương, bên trong là tường gạch. Còn về nội thất, tất cả những vật dụng trong lâu đài đều được trang bị hiện đại nhất, thậm chí có thể xem là một cuộc cách mạng thời đó. Nguồn nước sạch cung cấp cho tất cả các tầng lầu được dẫn bằng đường ống từ nguồn suối cách lâu đài 200 mét, trong đó có riêng một đường dẫn nước nóng đến nhà bếp và phòng tắm. Tất cả phòng vệ sinh được gắn hệ thống giội rửa tự động. Hệ thống sưởi cho cả lâu đài về mùa đông. |
![]() |
Phòng thiết triều được thiết kế đậm chất Byzantine, lấy cảm hứng từ nhà thờ Hagia Sophia ở Constantinople (thành phố Istanbul ngày nay). Ngai vàng, thứ quan trọng nhất, đáng tiếc đã không kịp hoàn thành khi nhà vua đột ngột băng hà. Đại sảnh kéo dài khắp tầng 4 của lâu đài, dự định sẽ là nơi diễn ra các vở nhạc kịch cho nhà vua. Trên trần sảnh là những bức tranh tường nhiều màu sắc miêu tả cuộc đời của Parsifal, anh hùng trong một vở opera của Wagner. Đáng tiếc là Ludwig chưa bao giờ có dịp sử dụng phòng này. |
![]() |
Phòng khách thoáng đãng với cách trang trí lộng lẫy nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa. Đặc biệt là những bích họa miêu tả hiệp sĩ thiên nga Lohengrin, một anh hùng khác từ tác phẩm của Wagner. Bi kịch của Lohengrin là sự cô đơn – cũng chính là ý tưởng thầm kín của nhà vua. Càng về cuối đời Ludwig càng xa lánh mọi người, chìm đắm trong thế giới lãng mạn của lâu đài này. |
![]() |
Trong khi đó, phòng ngủ, ngược lại, được chạm khắc cầu kì theo lối Gothic Cách tân. Tương truyền 14 người thợ chạm khắc gỗ đã làm việc miệt mài trong 4 năm rưỡi để hoàn thành căn phòng này. Trong đó, giường ngủ của nhà vua thật sự là một kiệt tác của nghệ thuật chạm khắc từ gỗ sồi, chưa kể bộ drap trải giường được thêu tay cực kì công phu. Vì Ludwig II không lập hoàng hậu nên ta có thể thấy đây là kiểu giường độc thân, chỉ một người nằm. Ngoài ra, trên tường là bức tranh kể về chuyện tình bi kịch giữa anh hùng Tristan và nàng Isolde (khá giống câu chuyện Trần Khắc Chung và Huyền Trân công chúa của nước ta). |
![]() |
Nếu như cung điện Versailles phô bày trước công chúng Pháp vẻ xa hoa, tráng lệ, hay Buckingham toát lên nét quý tộc lâu đời của Anh, thì lâu đài Neuschwanstein là hiện thân cho lối kiến trúc thần tiên và cách tân lãng mạn của Đức vào thế kỉ 19. Những tháp canh đỉnh nhọn lớn nhỏ ẩn hiện trong làn sương, vây quanh tòa thành vững chắc. Những chùm đèn xa hoa, lộng lẫy theo phong cách Byzantine có ở khắp mọi nơi. Đặc biệt, khung cảnh nhìn từ những ban công của lâu đài cho ta một cái nhìn toàn cảnh thảo nguyên Schwangau của vùng Bavaria hùng vĩ, bạt ngàn: Hồ Alpsee và Schwansee nằm sóng đôi nhau. Xa xa là dãy núi Tyrolean phân ranh giới giữa Đức và Áo. Giống như vua Ludwig II từng nói: “Quang cảnh này là điều đẹp đẽ nhất mà ta đã tìm thấy ở lâu đài này…”. “Chốn riêng tư” của Ludwig II ngày xưa, nay trung bình đón khoảng 6,000 lượt khách tham quan mỗi ngày. Một con số thật ấn tượng! Tất cả đều trầm trồ trước lối kiến trúc hoa lệ, tuyệt mĩ của lâu đài cũng như ngưỡng mộ tấm lòng yêu nghệ thuật chân chính của nhà vua Ludwig thời xưa. Phải chăng Disney cũng đã “cảm mến” nét thơ mộng và thần tiên hiếm có của Neuschwanstein nên mới chọn lâu đài này làm biểu tượng cho mình? |
Tường Vy