Quy định phải thực hiện nghĩa vụ quân sự dù có đỗ đại học hay không gây xôn xao cộng đồng teen nhiều ngày qua, đồng thời làm dấy nên không ít tranh luận. Nhiều ý kiến tỏ rõ sự băn khoăn trước việc các teen cày ngày cày đêm để thi cử nhưng khi có kết quả lại phải rời xa giấc mơ đại học để lên đường nhập ngũ.
Nghĩa vụ quân sự - đầy ắp hoang mang!
Chia sẻ với iOne, bạn Hồng Quang, THPT Marie Curie, Hà Nội nói: "Đã mấy hôm nay mình nằm vắt tay lên trán suy nghĩ về quy định đỗ đại học vẫn phải nhập ngũ. Với việc đi nghĩa vụ quân sự, 12 năm trời học hành vất vả vừa qua của mình và của nhiều bạn khác sẽ đi về đâu? Mình nghe nói, sau 2 năm đi nghĩa vụ về, nhiều thứ thay đổi lắm. Chắc gì lúc đó tụi mình đã còn tâm huyết với việc thi đại học như bây giờ. Đi nghĩa vụ quân sự là quan trọng, nhưng có lẽ nên xem lại đi thế nào và bao giờ đi".
Hoang mang là tâm trạng chung của đông đảo teen khi được nghe phổ biến về quy định thực hiện lệnh nghĩa vụ quân sự mới. Không ít teen cho rằng, quy định này không chỉ thay đổi những dự định học hành trong tương lai của các bạn về lâu về dài, mà buộc teen phải lo lắng suy tính lại những kế hoạch học tập hiện tại của mình để có hướng thay đổi phù hợp.
Đang học lớp 12, bạn Bảo Bình, trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết, lớp của Bình phần lớn dự tính đi du học, bản thân bạn đã hoàn thành hồ sơ để tốt nghiệp lớp 12 là đi. Tuy nhiên, Bình đang suy tính lại chuyện có nên du học nữa hay không, bởi sau 2 năm đi nghĩa vụ trở về, kiến thức cũng sẽ chảy đi hết. "Mình cảm thấy khá là mông lung, mất định hướng cho việc học của bản thân, khi mà mọi dự tính du học có thể sẽ đổ bể. Dù vậy, mình vẫn sẵn sàng lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự khi Tổ quốc cần", Bình tâm sự.
![]() |
Bảo Bình chia sẻ mặc dù còn nhiều lo lắng, nhưng bạn vẫn sẽ lên đường nhập ngũ. Ảnh: Mí Rưỡi. |
Hai năm nhập ngũ không phải quãng đường dài, nhưng theo nhiều bạn nó cũng đủ khiến teen mất một số cơ hội trên con đường học tập, tìm kiếm công việc, tinh thần và đặc iệt là khả năng học tập của teen khó nhuận "Hai năm có thể khiến một bạn tốt nghiệp phổ thông làm được những công việc có tính chuyên môn cao ngoài xã hội, hay một cử nhân có thể trở thành thạc sĩ... Do đó, việc bắt buộc đi nghĩa vụ quân sự ngay khi tốt nghiệp phổ thông thực sự hạn chế thành công của những bạn ham học, ham làm", nick meotamthe nhận định.
Nhiều teen cũng băn khoăn tự hỏi, liệu sau 2 năm nhập ngũ trở về, tinh thần và đặc biệt là khả năng học tập của teen có còn thông thạo, nhuần nhuyễn như trước?. "Vừa mới thi cấp 3 xong, kiến thức vẫn còn, kĩ năng vẫn thành thục... Hai năm sau kiến thức rơi rụng còn đâu mà thi, khác gì bắt bọn mình học lại từ đầu?", nick TK than vãn.
Nâng cao sức khỏe và "triệt tiêu" thói ỷ lại
Dù còn rất nhiều câu hỏi, các teen đều đồng lòng rằng việc bắt buộc nhập ngũ là đúng đắn, miễn là thời gian nhập ngũ linh hoạt và teen đề ra được hướng đi phù hợp cho bản thân. Bùi Quang Huy, học sinh trường THPT Chuyên Sư phạm Hà Nội kể: "Từ lúc 6, 7 tuổi, mẹ mình vẫn thường nói sẽ cho mình đi nghĩa vụ quân sự để rèn luyện bản thân. Có lẽ vì thế mình đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần rồi. Mình vẫn nghĩ, đi nghĩa vụ quân sự là tốt, tránh thói ỷ lại, vừa nâng cao sức khỏe, vừa nâng cao ý thức". Huy cho biết, nếu đi nghĩa vụ bạn có thể sẽ xin ra đảo, để được cống hiến nhiều hơn, mà lúc về được ưu tiên xét tuyển ĐH.
![]() |
Đi nghĩa vụ quân sự giúp các teen boy rèn luyện bản thân, triệt tiêu thói ỷ lại, lười biếng. Ảnh: Tuấn Mark. |
Tuy nhiên, anh chàng cũng chung băn khoăn rằng, đi nghĩa vụ quân sự lúc đang học sẽ gặp nhiều khó khăn. Huy dự định sẽ nộp hồ sơ vào một trường ĐH bên Hà Lan, nếu đỗ, bảo lưu kết quả 2 năm sau mới học tiếp, nếu không đỗ, khoảng thời gian 2 năm là khá dài. "Giá mà có thể thực hiện nghĩa vụ nhập ngũ như công dân Hàn Quốc thì rất hay, họ quy định công dân trong độ tuổi 18-40 tuổi đi nghĩa vụ quân sự 2 năm, không bắt buộc thời điểm, chỉ cần hoàn thành nghĩa vụ trước 40 tuổi là được", Huy ao ước.
"Là con trai cũng nên đi thưc hiện nghĩa vụ với đất nước, chứ tối ngày chúi mũi vào mấy cái game online, chơi bời, thì cũng có ích gì. Ở Hàn ngay cả mấy ngôi sao cũng phải đi lính hết", bạn Chung bày tỏ.
Nhiều ý kiến cũng khẳng định, môi trường quân đội sẽ là cơ hội rất tốt để những teen thụ động, chỉ quen với sách vở, lý thuyết có thể trau dồi bản thân. "Bên cạnh việc rèn luyện thể chất, mình nghĩ môi trường giáo dục trong quân đội cũng sẽ đem lại nhiều kiến thức nền tảng trước thềm đại học", nick Do Linh chia sẻ.
Một ý kiến từ thầy giáo có nickname nVho nhận được nhiều quan tâm của teen: "Các em hãy nhìn những khía cạnh khác nhau của vấn đề. Đi nghĩa vụ quân sự 2 năm, các em sẽ được trang bị những kiến thức xã hội tốt, quý giá cho bản thân mình. Điều đó, chắc chắn sinh động hơn những bài giảng của thầy cô, trên ghế nhà trường. Các em có thể ra đời chậm hơn bạn bè trang lứa 2 năm, nhưng kinh nghiệm các em tích lũy được lại hơn hẳn, là cái không gì có thể bù đắp hay so sánh".
![]() |
Những ý kiến khác nhau của độc giả iOne trước quy định sửa đổi về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. |
Bên cạnh đó, nhiều teen mong muốn quy định này có thể phần nào được sửa đổi để giúp các bạn vừa có cơ hội thực hiện lệnh nhập ngũ, vừa đảm bảo cho giấc mơ vào đại học.
"Theo mình, những bạn đã đậu Đại học, hoặc sinh viên đang học, thì nên được cho phép học tiếp. Còn những bạn đã tốt nghiệp THPT hoặc sinh viên không đang học thì bắt buộc tham gia nghĩa vụ quân sự. Ngươi từ 18 tuổi trở lên không còn học nữa hoặc bỏ học giữa chừng cũng nên bắt buộc nhập ngũ, để giúp các bạn ấy không vướng phải những cám dỗ, tệ nạn ngoài xã hội", Thu Minh, sinh viên năm I, ĐH KHXH&NV TP HCM chia sẻ.
Đồng quan điểm ủng hộ việc bắt buộc nhập ngũ, bạn Nam Hoàng nhìn nhận ở khía cạnh giới trẻ xưa và nay: "Ngày xưa khó khăn gian khổ, nam nữ đều xông ra trận tuyến. Thời bình bây giờ, các teen đều đa phần ăn uống đầy đủ, sức khỏe đảm bảo,quần áo tươm tất, lại học thức cao, đi nghĩa vụ một thời gian ngắn thôi, không quá ảnh hưởng tới học tập".
Theo Thông tư liên tịch số 13 sửa đổi, bổ sung một số điều về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình vừa được Bộ Quốc phòng và Bộ GD&ĐT ban hành, công dân nhận được lệnh gọi nhập ngũ và giấy báo nhập học cùng một thời điểm thì phải chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, kể cả trường hợp lệnh gọi nhập ngũ quy định thời gian có mặt sau thời gian nhập học. Riêng công dân sau khi đã hoàn thành thủ tục nhập học mới nhận được lệnh gọi nhập ngũ thì được tạm hoãn nhưng phải có xác nhận của hiệu trưởng và cơ quan quân sự địa phương. (Theo VnExpress) |
Mí Rưỡi - Mai Mai