Những cô gái "bán hoa" ở một trong những nhà thổ lớn nhất thế giới khẩn cầu chính phủ Bangladesh trợ giúp họ sau khi có lệnh cấm đi khách để ngăn chặn Covid-19.
Hơn 1.500 người ở nhà thổ Daulatdia - cách thủ đô Dhaka 100 km, một trong 12 nhà thổ được thừa nhận hợp pháp ở nước này - có khoảng 5.000 khách mỗi ngày. Ngày 20/3, chính phủ ra lệnh đóng cửa nhà thổ đến 5/4, nhưng hứa hẹn chu cấp cho những cô gái làm ở đây 30 kg gạo, 25 USD và tủ lạnh cho thuê.
Rubayet Hayat - nhân viên quận Goalanda, nơi nhà thổ hoạt động, cho biết cứu viện dự kiến đến vào cuối tuần này.
![]() |
Hơn 1.500 người ở nhà thổ Daulatdia của thành phố Dhaka. Ảnh: Reuters. |
Những phụ nữ làm việc ở Daulatdia cầu cứu sự trợ giúp ngay lập tức. Họ nói không có tiền để mua đồ ăn cho mình hay con cái vì nhà thổ đóng cửa. Kalpona (30 tuổi) đã sống ở nơi đây trong 20 năm cho biết: "Nếu được thông báo trước, chúng tôi sẽ cố gắng tiết kiệm nhiều nhất có thể. Bây giờ, nhiều người phải vay tiền để không chết đói. Chúng tôi cần viện trợ của chính phủ càng sớm càng tốt".
Mại dâm được công nhận hợp pháp ở Bangladesh, dù nhiều người theo đạo Hồi cho rằng việc này là trái với đạo đức. Quốc gia này đã báo cáo ít nhất 33 ca nhiễm nCoV, trong đó 3 ca tử vong.
Nhà chứa Daulatdia đã hoạt động được hơn một thế kỷ, được chuyển địa điểm sang gần một bến phà vào năm 1988 sau khi hỏa hoạn thiêu rụi cơ sở cũ. Các tổ chức từ thiện cho biết nhiều cô gái ở đây chưa đủ tuổi thành niên.
Altaur Rahman Manju, điều phối viên của tổ chức Mukti Mahila Samity hỗ trợ gái mại dâm, cho biết hầu hết số tiền những người này kiếm được chỉ đủ sống qua ngày, khoảng 1/9 (cứ 9 người thì chỉ có 1 người) đủ khả năng tiết kiệm và nuôi sống bản thân.
Trung bình, một người kiếm được 12 đến 24 USD một ngày. Manju cho biết thêm: "Những cô gái được yêu cầu nhiều, khoảng 100-200 người trong số họ có thể sống qua một tháng trong hoàn cảnh này, nhưng với số còn lại trong 1.500 người, tình hình này rất khó khăn. Họ cần đồ ăn ngay lập tức".
Lily (35 tuổi) cho biết cô không thể gửi tiền cho đứa con 8 tuổi của mình đang sống với gia đình bên ngoài nhà thổ. Cô sợ nó không được cho ăn uống đầy đủ.
Trong khi chính phủ hứa hẹn trợ giúp, Kalpona không chắc điều này sẽ tiếp tục nuôi được họ trong khoảng thời gian dài sau đó. "Thậm chí khi lệnh cấm được gỡ bỏ vào tháng sau, tôi không nghĩ người ta sẽ đến nhà thổ trong một thời gian dài sau đó vì dịch bệnh", cô nói.
Huyền Anh (Theo Reuters)