Người phụ nữ 46 tuổi được phát hiện sống trong một căn phòng nhỏ tại căn hộ ở thành phố Patos de Minas, bang Minas Gerais, đông nam nước Anh. Theo các thanh tra lao động, người phụ nữ làm việc cho gia đình gần như cả đời mình mà không được trả lương hay có thời gian nghỉ nào.
Nạn nhân bị cha mẹ nghèo mang cho một giáo sư ở Đại học Patos de Minas, Unipam từ khi lên 8 tuổi và được mẹ ông này nuôi nấng. "Họ cho bà ấy ăn khi đói, nhưng tước mọi quyền khác", Humberto Camasmie, thanh tra phụ trách cuộc giải cứu, chia sẻ với hãng Reuters.
Các thanh tra lao động cho biết thêm, những người hàng xóm đã báo cáo cho các nhà chức trách sau khi nhận được các mẩu giấy nhắn từ nạn nhân nhờ họ mua đồ ăn và đồ vệ sinh vì bà không có tiền. Trong thời gian bị giam cầm, bà còn bị ép kết hôn với một người họ hàng lớn tuổi của gia đình để họ có thể tiếp tục nhận lương hưu sau khi ông ta qua đời.

Những dòng chữ viết trên mẩu giấy vệ sinh nhờ mua đồ của người phụ nữ.
Luật sư đại diện cho gia đình giáo sư cho hay, họ bị buộc tội trước khi vụ án được đưa ra tòa xét xử. Phát ngôn viên của trường học cho biết, giáo sư đã bị đình chỉ công tác và "các thủ tục pháp lý" đang được tiến hành.
Các công tố viên cho biết họ đang cố gắng đạt thỏa thuận với gia đình này để bồi thường cho nạn nhân. Nếu bị truy tố tội sử dụng nô lệ và bị kết tội trước tòa, giáo sư sẽ phải đối mặt với 8 năm tù.
Sau khi được giải cứu vào cuối tháng 11, người phụ nữ được đưa đến một trung tâm có bác sĩ tâm lý và nhân viên xã hội hỗ trợ. Các nhà chức trách cũng cố gắng giúp bà đoàn tụ với bố mẹ ruột. Bà hiện có mức lương hưu khoảng 1.560 USD/tháng, cao gấp 7 lần lương tối thiểu của Brazil. "Bà ấy không biết mức lương tối thiểu là gì. Giờ đây bà ấy đang học cách dùng thẻ tín dụng. Bà ấy biết rằng hàng tháng sẽ được trả một khoản đáng kể từ lương hưu", thanh trai Camasmie nói.
Giới chức cho biết, nô lệ giúp việc gia đình ở Brazil rất khó để xác định và triệt phá vì các nạn nhân hiếm khi nhận mình là nô lệ thời hiện đại. Trong số 3.513 lao động được phát hiện trong điều kiện làm việc như nô lệ từ năm 2017 đến 2019, chỉ 21 người bị giam giữ khi làm giúp việc. Dù các thanh tra lao động có thể đến các nơi làm việc để kiểm tra tình trạng nô lệ, họ phải được phép từ thẩm phán mới có thể khám xét nhà riêng và đưa ra bằng chứng về sự lạm dụng từ các nạn nhân.
Hồi tháng 6, giới chức Brazil từng giải cứu một giúp việc 61 tuổi, bị một phụ nữ làm cho công ty làm đẹp Avon giữ làm nô lệ. Avon đã sa thải giám đốc điều hành và cho biết sẽ hỗ trợ nạn nhân. Bị cáo cùng chồng và mẹ ruột bị buộc tội giam giữ nô lệ, nhưng phủ nhận cáo buộc.
Huyền Anh (Theo Guardian)