![]() |
Nghĩa trang Merry tại thị trấn nhỏ Sapanta, ở Rumani, là nơi chôn cất của hơn 1.000 ngôi mộ - mỗi ngôi mộ được khắc lên những câu thơ, thậm chí châm biếm hóm hỉnh về người quá cố. Pha trò về người đã khuất bị coi là thiếu tôn trọng và không được tán thành ở nhiều nơi trên thế giới nhưng dân làng nơi đây có cách nghĩ khác đầy hóm hỉnh về sự sống và cái chết. |
![]() |
Tại thị trấn nhỏ vốn "chẳng thể giấu nhau bí mật gì", câu chuyện về cuộc đời người đã khuất, thậm chí những sai lầm lúc còn sống cũng có thể bị "tố cáo" trên bia khắc. Tất cả để tỏ lòng thương nhớ người chết. |
![]() |
Nghĩa trang được miêu tả là một bảo tàng ngoài trời thực sự, nơi mỗi ngôi mộ là một tác phẩm nghệ thuật. Tại đây, cuộc đời của người đã khuất, mẩu chuyện đời thường và ngày cả cách họ qua đời đều được tái hiện một cách hóm hỉnh. |
![]() |
"Người nằm dưới tấm bia đá này. Là dì ghẻ tội nghiệp của tôi. Giá như mụ sống thêm 3 ngày nữa. Để đọc những chữ này. Những người ghé qua đây. Xin đừng gọi mụ dậy. Để mụ trở về nhà. Và cắn đứt đầu tôi. Nhưng tôi sẽ có cách. Để mụ không thể về. Hãy ở lại đây nhé. Dì ghẻ tội nghiệp ơi", một bài tưởng nhớ trên bia mộ. |
![]() |
Theo một số người, điểm độc đáo của nghĩa trang kì lạ này gắn liền với nền văn hóa cổ xưa, triết lí dựa trên sự bất tử, nơi họ coi cái chết chỉ là khoảnh khắc của niềm vui, một cánh cửa dẫn đến hạnh phúc vĩnh cửu và một cuộc sống tốt đẹp hơn so với trước đó. Với người dân làng Sapanta, đây giống như cách vượt qua nỗi sợ hãi về cái chết và tưởng nhớ những người thân yêu của họ mãi mãi. |
![]() |
Stan loan Patras, một người thợ mộc trong làng nảy ra ý tưởng từ một lần nhận nhiệm vụ xây cây thánh giá và bia mộ từ gỗ sồi từ năm 1930. Sau khi dự đám tang 3 ngày, dân làng tụ tập và kể những câu chuyện về người đã khuất. Patras bắt đầu chuyển những câu chuyện thành các bài thơ ngắn và khắc chúng lên tấm gỗ sồi. Vào năm 1935, ông khắc bài thơ đầu tiên lên mộ và tiếp tục làm công việc này tới khi mất vào năm 1977. Người dân ước tính ông đã xây hơn 700 ngôi mộ như vậy. |
![]() |
Khi Stan qua đời, thợ điêu khắc Dumitru Pop Tincu (62 tuổi, trong ảnh) tiếp quản công việc và duy trì công việc kể từ đó cho đến nay. Mỗi tấm bia có giá khoảng từ 520 USD đến 1.300 USD và mất khoảng vài tuần để chế tác. "Nghĩa trang này không chỉ là một nghĩa trang. Mọi người nhận ra rằng đây thực sự là nơi bạn vẫn có thể cười ngạo nghễ trước cái chết", Dumitru Pop nói với AP. |
![]() |
Ông Dumitru cho biết, chỉ cần quan sát ảnh và những bài thơ, người ta có thể đoán nghề nghiệp của người 'nằm dưới ba thước đất sâu' kia. |
![]() |
Một người đem hoa đến trước mộ tại nghĩa trang, tưởng nhớ người đã khuất. |
![]() |
Một số cây thánh giá giống với những câu chuyện đạo đức thời hiện đại. Một số khác cảnh báo những người còn sống về nguy cơ làm việc quá sức... trong khi có bức chỉ đơn giản là gây cười. |
![]() |
Một bức tranh mô tả hai người đàn ông uống rượu, người mà trước khi qua đời là một "kẻ nghiện rượu". |
![]() |
Dumitru nói rằng chưa người nào phàn nàn về những bài thơ của ông. "Tôi viết về chuyện đời thực của người chết. Nếu anh ta thích uống rượu, tôi viết về chuyện uống rượu; nếu anh ta tham công việc, tôi viết về chuyện ấy. Ở làng này, mọi thứ đều được phơi bày. Các gia đình thực sự muốn khắc lên thánh giá câu chuyện thực về người đã khuất". |
![]() |
Cũng có những cây thánh giá khiến bạn buồn và rơi nước mắt, một bức cho thấy một đứa trẻ 3 tuổi chết vì tai nạn ôtô. Ông Tincu trầm ngâm khi nhắc về những triết lý gửi gắm đằng sau bia mộ ở nghĩa trang. "Những bài thơ và hình ảnh này nhắc nhở bạn về cuộc sống", ông nói. |
![]() |
Nghĩa trang cách thủ đô Rumania hơn 600km về phía tây bắc, song nơi này trở thành điểm du lịch hàng đầu của đất nước. Gerhard Schuster (63 tuổi) sinh ra ở Romania, hiện sống ở Kempten, miền nam nước Đức, cho biết: "Khi còn nhỏ, tôi đã nghe những câu chuyện về nghĩa trang này. Bố mẹ tôi kể với tôi về chúng và tôi luôn muốn đến xem, mãi giờ mới có cơ hội". |
Huyền Anh (Theo Mail)
Ảnh: AP, Mybestplace