![]() |
Cậu học trò trường THCS Phúc Thọ, Hà Nội được mọi người trìu mến gọi với cái tên “Nguyễn Ngọc Kí của xã Sen Chiểu”. Năm nay học lớp 8, Tuấn có khả năng viết, vẽ, sinh hoạt bằng chân rất giỏi. Ảnh: TTVN. |
![]() |
Di chứng của căn bệnh bại não làm cho đôi tay của Tuấn không thể điều khiển được, nhưng bạn may mắn được sự yêu thương, hướng dẫn kiên trì của cả gia đình. Chia sẻ về ước mơ trong tương lai, Tuấn nói: “Cuộc sống khó khăn, nhưng chán nản, buông xuôi thì khó khăn thêm khó khăn. Em sẽ không làm gì đó quá sức, nhưng sẽ cố gắng từng tí một, dù chậm hơn người khác nhưng em tin mình sẽ làm được nhiều điều có ích. Em sẽ không là gánh nặng của bố mẹ được”. Ảnh: TTVN. |
![]() |
Không may mắn như bạn bè đồng lứa, Phúc ngậm ngùi sinh ra trong một gia đình đặc biệt khó khăn, khi người mẹ phải một mình chống chèo nuôi 5 đứa con ăn học, chàng trai ở xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội đến với nghề đánh giày như một lẽ tất yếu để tồn tại. Thế nhưng, ước mơ đến giảng đường đã giúp Phúc trở thành sinh viên khoa Phát thanh truyền hình, trường Học viện Báo chí Tuyên truyền. Ảnh: Người đưa tin. |
![]() |
Phúc từng kể, ngày đi đánh giày, Phúc khát nước quá, không dám ra ngoài uống cốc trà đá dù chỉ 1.000 đồng, mà tìm hái quả trứng cá ăn cho đỡ khát nước. Lúc đi đánh giày, bận rộn nhất là từ 7 - 9h sáng và từ 11h đến quá trưa khi mọi người đi ăn. Tối về phòng trọ, sau khi ăn cơm và nghỉ ngơi một lúc, Phúc ngồi học một mạch đến khoảng 4h sáng mới đi ngủ. Đến 5h30, bạn đã phải dậy đi đánh giày. Sở dĩ, Phúc kiên trì như thế là vì bạn nghĩ và hy vọng vào tương lai. Giờ đang là sinh viên trường Báo chí, Phúc cộng tác với nhiều trang báo, là cộng tác viên cho VTV6, Đài truyền hình Việt Nam. Ảnh: Người đưa tin. |
Thời gian trước, người ta thấy cô học trò cấp 3 Trần Thị Phi Vân, tất tả chạy đến bệnh viện chăm mẹ bị bệnh ung thư. Lúc ấy, Vân còn tranh thủ đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống, vẫn không bỏ lỡ việc học. Gia cảnh quá nghèo khó, nhiều khi Vân tự hỏi, mẹ mất thì không biết làm đám ma ở đâu nữa, hai mẹ con lận đận long đong từ nhà trọ này sang nhà trọ khác. Hiện giờ, Vân đã trở thành cô sinh viên năm 3 ngành Sư phạm mầm non, Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long. Vân sống cùng người dì bán vé số, mấy dì cháu đùm bọc lấy nhau . Ảnh: Báo Vĩnh Long. |
![]() |
Nguyễn Minh Phú năm nay 22 tuổi, từ nhỏ Phú không may bị cụt hai cánh tay, cơ thể ốm yếu thường xuyên. Nhờ tình yêu thương của cha mẹ và nghị lực của chính mình, Phú hiện là sinh viên năm hai, khoa Khoa học máy tính, ĐH Công nghệ Thông tin TP HCM. Toàn bộ cuộc sống của bạn đều dựa vào đôi chân. Lặn lội từ Nghệ An vào Sài Gòn nhiều khó khăn vất vả, nhưng “mỗi lần nhìn thấy ba, mình thương nhiều lắm, mà mình chỉ biết gắng học để ba vui”. Ước mơ của bạn sau này sẽ trở thành một tỷ phú để có tiền xây căn nhà cho ba mẹ ở. Ảnh: VTC. |
![]() |
Sinh ra không biết mặt cha, 5 tuổi , mẹ bỏ hai chị em cho bà ngoại 70 tuổi nuôi nấng. Kể từ ngày đó, Hồ Thị Tuyết, ở thôn 1 xã Trà Mai huyện Nam Trà My, Quảng Nam trở thành chị, thành mẹ chăm sóc cho đứa em của mình. Việc nặng nhẹ trong gia đình đều đến tay cô bé sinh năm 1999 này. Nhưng được cái, Tuyết rất chăm học, 7 năm liền Tuyết đều là học sinh giỏi, và ước mơ trở thành cô giáo vùng cao. Năm học 2010-2011, Tuyết đạt giải nhất thuyết trình Vvăn học cấp trường và giải 3 hội thi thuyết trình Văn học cấp tỉnh. Ảnh: Báo Quảng Nam. |
Dương Ly