Thứ bảy, 24/7/2021, 09:00 (GMT+7)

H'Hen Niê: 'Tôi quen tập tạ nặng nên không ngại bốc vác khi đi từ thiện'

H'Hen Niê tích cực làm tình nguyện, bốc vác nhu yếu phẩm, đi chợ giúp người dân TP HCM giữa dịch.

H'Hen Niê.

- Động lực khiến chị quyết tâm trở thành tình nguyện viên chống dịch?

- Tôi tham gia tình nguyện viên cùng Thành đoàn TP HCM. Những lần trước là thăm, phát quà ở khu cách ly còn gần đây, tôi làm tình nguyện viên điều phối chích vaccine hoặc đi chợ giúp người dân.

Tôi cảm thấy vui và hạnh phúc vì mình có thể giúp ích cho mọi người trong khoảng thời gian khó khăn này. Nhìn thành phố mình sinh sống phải chống chọi với đại dịch, người dân không thể làm việc được nên tôi muốn góp chút sức nhỏ nhoi để cùng mọi người chung tay chống dịch bệnh. Khi đi làm tình nguyện viên, tôi thấy mọi người đều có tinh thần và trách nhiệm cao. Ai cũng bảo vệ bản thân, có sức khỏe tốt để cùng làm tình nguyện. Tôi cũng ý thức hơn về việc bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch và cố gắng hoàn thành các công việc.

- Những ngày làm tình nguyện viên của chị thường diễn ra thế nào?

- Thông thường, tôi sẽ có lịch đi làm tình nguyện viên vào buổi chiều, nên mỗi ngày trước khi thức dậy, tôi sẽ làm đồ ăn sáng, tập thể dục, uống nhiều nước, chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để có thể sẵn sàng cho công việc. Có những ngày tôi đi phát quà, bốc vác hàng, đi siêu thị cho người dân, điều phối chích vaccine. Công việc bắt đầu từ 13h chiều đến 22h30 tối. Xong việc, tôi tiến hành khử khuẩn toàn bộ từ đầu đến gót giày, khử khuẩn cả xe, sau đó về nhà một mạch là tắm gội thật sạch sẽ, uống ly nước ấm và đi ngủ sớm để ngày mai lại tiếp tục công việc.

H'Hen Niê bốc vác hàng tấn gạo, giúp bà con TP HCM.
Thời gian này, việc thuê nhân công bốc vác, chuyển hàng rất khó khăn. Do đó, tôi đề nghị với anh Phong bên Nhà Văn hóa Thanh Niên rằng để cả nhóm tự làm luôn. Tôi cũng đã quen tập tạ nặng, cũng có thể lực sẵn nên không sợ đau. Ngày xưa, khi còn ở quê, làm những việc bê vác nặng là quá bình thường đối với tôi. Chúng tôi đã tự chuyển hàng tấn gạo, 100 thùng nước ngọt, 60 thùng hạt nêm, 50 thùng sữa, 10 thùng nước mắm lên xe. Sau đó, cả nhóm chuyển hàng đến các điểm ở TP HCM.

Bốc vác, vận chuyển hàng nhiều nên sáng dậy có hơi ê ẩm một chút vì khi vác, tôi tranh thủ tập luôn những tư thế phát triển các nhóm cơ ở mông và tay. Tôi vui, hạnh phúc khi bản thân và mọi người đã có được một ngày trọn vẹn, làm được nhiều việc ý nghĩa.

- Trở thành tình nguyện viên mang đến cho chị những trải nghiệm gì?

- Thỉnh thoảng tôi cũng có những lo nghĩ riêng hay stress, nhưng nhờ có công việc tình nguyện hay tham gia các hoạt động cộng đồng, tôi không còn nghĩ về những vấn đề cá nhân nữa. Tôi biết nghĩ cho những cái chung, cho xã hội để từ đó làm tốt công việc của mình là lan tỏa những nguồn năng lượng tích cực cho cộng đồng.

Tôi thấy công việc tình nguyện viên không thực sự khó khăn. Khi đi siêu thị cho người dân, tôi thấy công việc này chỉ tốn thời gian ở khâu check tên hàng, tìm đúng loại theo mã vạch, đơn giá. Có những đơn hàng khách đặt rau củ quả nhưng còn loại này, hết loại khác nên tôi sẽ gọi điện để hỏi ý kiến khách có đổi loại khác hay mua thêm gì không. Công việc này rất vui và thích vì tôi được đi đi lại lại trong siêu thị. Đây cũng là cách giúp tôi tập luyện thể thao trong lúc làm việc. (Cười)

Khán giả và những người yêu thương tôi khi biết tôi đi làm tình nguyện viên rất vui và ủng hộ nhiệt tình. Các bạn còn gửi lời chúc sức khỏe cũng như dặn dò đủ thứ để tôi có thể luôn an toàn trong những ngày đi làm tình nguyện. Cảm giác mọi người nhắn gửi như người nhà mình dặn dò vậy đó, rất là ấm áp! Cảm ơn mọi người thật nhiều vì đã luôn nghĩ đến Hen.

H'Hen Niê đi chợ giúp người dân khu phong tỏa.

- Chị bảo vệ sức khỏe thế nào khi ra ngoài và tiếp xúc với nhiều người?

- Khi đi tình nguyện, tôi hiểu rõ hơn về việc bảo vệ sức khoẻ trong những ngày này. Tôi mang đồ bảo hộ từ đầu đến chân, đeo hai lớp khẩu trang và kính bảo hộ. Trong giờ làm, tôi không dám đi toilet hay uống nước. Mọi người có thể đi uống nước hay đi vệ sinh rồi thay khẩu trang hoặc bao tay và xịt khuẩn nhưng tôi không dám. Chính vì vậy, mỗi ngày tôi đều dậy sớm tập thể dục, ăn uống vệ sinh và uống đủ nước để không bị khát hay mất nước trong lúc làm việc. Thay đồ bảo hộ xong là làm việc luôn, đến lúc ra về mới cởi đồ bảo hộ và xịt khuẩn.

- TP HCM giãn cách xã hội, chị cảm thấy thế nào khi không thể về Đắk Lắk thường xuyên và gần gũi với gia đình như trước?

- Thông thường mọi năm vào thời điểm này, tôi sẽ về quê để gặp gỡ và chia sẻ cùng các em nhỏ ở quê khi các em vừa nghỉ hè. Nhưng năm nay thì không thể về vì dịch bệnh. Mùa này ở quê tôi rất đẹp, có nhiều loại quả rất ngon. Nhưng là một công dân, tôi phải chấp hành đúng Chỉ thị 16 của Chính phủ. Ai ở đâu thì ở yên đó, mình chấp hành để bảo vệ chính mình và những người xung quanh lẫn gia đình. Mới đây, khi nghe tin Đắk Lắk có 10 ca dương tính, tôi vô cùng lo lắng. Tôi lo cho người dân quê mình, cho gia đình mình rất nhiều.

Đợt này, tất cả chúng ta ai cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng hãy cố gắng vì một cái chung. Ở đâu thì ở yên chỗ đó, đi bất cứ đâu nên trung thực khai báo. Mọi người nên khai báo y tế thường xuyên cũng như chủ động test Covid-19 ở nhà để theo dõi tình hình sức khỏe của mình và người thân. Tôi cầu mong Việt Nam sẽ sớm vượt qua đại dịch để người dân quay lại cuộc sống bình thường.

H'Hen Niê động viên tinh thần các bác sĩ, bệnh nhân ở khu cách ly
 
 
H'Hen Niê động viên tinh thần các y bác sĩ, bệnh nhân ở khu cách ly.

- Gần đây, chị tham gia chiến dịch bảo vệ động vật quý hiếm Sao La tại Việt Nam. Chị thấy suy nghĩ, tích cách của mình thay đổi thế nào khi chăm chỉ làm thiện nguyện?

- Tôi tự hào khi Việt Nam có động vật quý hiếm như Sao La. Tôi muốn dùng tiếng nói của mình để lan tỏa hình ảnh, thông tin cũng như dữ kiện quan trọng của Sao La đến nhiều người, đặc biệt người dân khu vực có Sao La. Tôi mong mọi người cùng chung tay bảo vệ và gìn giữ bước chân của động vật quý hiếm này.

Bản thân tôi luôn muốn được tham gia những tổ chức hay nhóm hoạt động kêu gọi bảo tồn động vật, bảo vệ môi trường cũng như các vấn đề của xã hội. Với môi trường, chúng ta không chỉ sống thời điểm này mà còn phải gìn giữ cho con cháu và thế hệ mai sau. Mỗi lần tham gia các chương trình vì cộng đồng, tôi có thêm nhiều kiến thức cũng như ý thức hơn việc gìn giữ, yêu thương trân trọng mọi thứ từ con người, môi trường, thiên nhiên. Mỗi khi thấy tin tức về cháy rừng, bão lũ hay sạt lở đất, tôi luôn muốn kêu gọi mọi người cùng chung tay hỗ trợ. Chúng ta đều là con của mẹ Trái Đất nên phải biết bảo vệ đùm bọc, yêu thương nhau và yêu thương hành tinh này.

- Nhiều nghệ sĩ lo lắng vì dịch khiến họ giảm thu nhập, khó đảm bảo cuộc sống như trước đây, chị thì sao?

- Tôi rất may mắn khi các hợp đồng đại sứ đều được khách hàng tái ký từ 1-3 năm. Đây là động lực để tôi ngày một cố gắng hơn trong công việc. Bình thường, tôi sẽ có thêm thu nhập từ các hợp đồng mới, event nhưng thời điểm này thì không có những khoản đó.

- Thu nhập giảm trong mùa dịch, cách chi tiêu tiền bạc của chị thay đổi như thế nào so với trước đây?

- Tôi chi tiêu có chừng mực, không sắm nhiều hàng hiệu hay những thứ linh tinh. Thời dịch, những khoản chi ra như mua đồ ăn cũng không tốn kém lắm vì có mẹ tiếp tế. Tôi trả lương cho nhân viên, làm từ thiện một chút trong khả năng và giúp đỡ các anh em người Ê-đê gặp khó khăn. Trường hợp nào khó khăn quá thì tôi chuyển khoản giúp. Những hợp đồng quảng cáo hay đại sứ thường tôi sẽ trích ra 1/10 để làm những việc có ý nghĩa cho cộng đồng. Tôi có thói quen quản lý tiền bạc từ trước chứ không phải đến thời gian dịch bệnh mới để ý chi tiêu.

- Sống một mình trong những ngày dịch bệnh ở TP HCM, một ngày của chị thế nào?

- Tôi thường tập luyện thể dục, đi tình nguyện, nấu ăn, xem những bộ phim tích cực, gọi điện cho gia đình, livestream giao lưu cùng người hâm mộ hay quay vlog. Thời gian dành cho những điều tích cực sẽ làm cho mình không bị lủi thủi, nhàm chán.

Thiên Anh