Theo Bộ y tế, 15 bệnh nhân nhiễm mới từ ca bệnh số 2348 đến 2362. Trong đó 13 ca là F1, đã được cách ly trước đó; 1 ca trong khu vực phong tỏa (các ca này không gây nguy hiểm đối với cộng đồng); 1 ca phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện.
Công tác điều tra dịch tễ đang được tiếp tục thực hiện.
Hiện có 7 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Chí Linh; 1 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh và 7 bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.
Hiện Việt Nam ghi nhận 2.362 ca mắc mới, 1.627 bệnh nhân khỏi bệnh và 35 trường hợp tử vong.
Cũng trong hôm nay, bệnh viện dã chiến số 3 của Hải Dương đi vào hoạt động. Theo Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Hải Dương, đến nay các hạng mục tại bệnh viện dã chiến số 3 cơ bản hoàn thành, có 329 giường bệnh.
Bệnh viện đã sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị. Sở Y tế Hải Dương đã điều động 100 nhân viên y tế, chủ yếu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẵn sàng làm nhiệm vụ, bổ sung một số trang thiết bị thiết yếu từ nguồn viện trợ, các đơn vị y tế khác trong tỉnh cho bệnh viện.
Tỉnh Hải Dương cũng đã chỉ đạo TP Chí Linh thực hiện khử khuẩn, chuẩn bị đầy đủ vật chất tại khu nhà 5 tầng từng làm nơi cách ly tập trung để các nhân viên y tế ở lại trong thời gian làm nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến. Bệnh viện dã chiến số 3 được lắp đặt, cải tạo từ khu nhà ký túc xá 3 tầng của Trường Đại học Sao Đỏ.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, Cẩm Giàng là ổ dịch nguy hiểm nhất của tỉnh. Hải Dương đã tiến hành hàng loạt giải pháp tại địa phương này. Toàn bộ 100% các doanh nghiệp tại Cẩm Giàng phải thực hiện việc xét nghiệm cho công nhân trước khi nối lại sản xuất sau kỳ nghỉ Tết.
Nếu trường hợp xuất hiện công nhân bị lây nhiễm, phát sinh tại phân xưởng nào thì cách ly toàn phân xưởng đó. Hải Dương đang cách ly đến 14.000 trường hợp.
Thúy Quỳnh