Thứ sáu, 10/4/2020, 00:23 (GMT+7)

Hàng triệu phụ nữ thiếu biện pháp tránh thai trong Covid-19

Phụ nữ trong những ngôi nhà trên khắp vùng nông thôn ở châu Á, châu Phi, từng người một, cầu xin trong nước mắt: Khi nào các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình sẽ có lại?

Việc phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 khiến hàng triệu phụ nữ ở châu Phi, châu Á và các nơi khác không thể tiếp cận với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, các nhu cầu sức khỏe sinh sản và tình dục.

Bị hạn chế ra ngoài, phụ nữ ở nhà với chồng. Họ đối mặt với việc mang thai ngoài ý muốn và không biết khi nào có thể tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Một phụ nữ ở Harare, Zimbabwe cầm vỉ thuốc tránh thai. Ảnh: AP.

Vào thời điểm không chắc chắn này, phụ nữ "phải đặt vòng tránh thai", Abebe Shibru, giám đốc của Marie Stopes International ở Zimbabwe - tổ chức phi chính phủ quốc tế cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nói với AP. "Nhưng không có cách nào ở khu vực nông thôn".

18 quốc gia ở châu Phi đã áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi. Tất cả mọi người phải ở nhà trong nhiều tuần và có thể lâu hơn, trừ những người làm nhiệm vụ, hoặc ra ngoài mua nhu yếu phẩm, hoặc cần sử dụng dịch vụ y tế.

Thậm chí ngay cả ở những nơi mà biện pháp kế hoạch hóa gia đình vẫn có sẵn, các nhà cung cấp cho biết nhiều phụ nữ sợ mạo hiểm ra khỏi nhà. Lực lượng an ninh có thể sẽ đánh đập và buộc tội họ vì không tuân theo các lệnh hạn chế mới.

Trong khi đó, các dịch vụ tiếp cận tận nơi - chìa khóa liên lạc với phụ nữ nông thôn - phần lớn đã dừng lại để tránh lây nhiễm chéo virus trong cộng đồng.

Liên đoàn Kế hoạch hoá gia đình quốc tế (IPPF), trong một báo cáo mới hôm 9/4, cho biết hơn 1/5 phòng khám thành viên trên khắp thế giới đã đóng cửa vì đại dịch và các lệnh hạn chế liên quan.

Hơn 5.000 phòng khám di động trên 64 quốc gia tạm dừng hoạt động, phần lớn ở Nam Á và châu Phi, nhưng Mỹ Latin và châu Âu cũng có hàng trăm nơi phải đóng cửa.

"Phụ nữ có nhu cầu không thể chờ đợi", Alvaro Bermejo, tổng giám đốc của IPPF nói trong một tuyên bố, và yêu cầu sự giúp đỡ từ các chính phủ trong việc cung cấp các biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục.

Một phụ nữ ở Harare, Zimbabwe địu em bé trên lưng và đội xô nước trên đầu. Phụ nữ ở các nước châu Phi là đối tượng dễ bị tổn thương vì các lệnh hạn chế trong Covid-19. Ảnh: AP.

Ở Zimbabwe, tổ chức Marie Stopes đã cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho hơn 400.000 phụ nữ vào năm ngoái, ông Shibru nói, bao gồm việc ngăn chặn gần 50.000 ca phá thai không an toàn. Nhưng hiện các dịch vụ tiếp cận cộng đồng của tổ chức này tạm ngừng hoạt động. Ngay tại các phòng khám vẫn mở, số lượng khách hàng đã giảm 70%.

Ngay cả khi tỷ lệ sinh đã giảm ở nhiều quốc gia và các bé gái được giáo dục về sức khỏe sinh sản, sự bùng nổ dân số - đã được dự đoán ở riêng châu Phi - là một trong những nguyên nhân khiến châu lục 1,3 tỷ người này đông lên gấp đôi vào năm  2050. 

Khi đàn ông không còn tự do làm việc trên những cánh đồng hoặc bất cứ nơi nào, cũng không có hoạt động giải trí thể thao, họ ở nhà với vợ trong nhiều tuần.

"Vợ và chồng, họ có thể làm gì khác trong ngôi nhà đó?", Future Gwena, nhân viên làm việc cho tổ chức Marie Stopes tự hỏi. "Tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến nhiều trường hợp mang thai, và thật không may, đó là ngoài ý muốn. Phần lớn trong số đó sẽ dẫn đến hậu quả phá thai không an toàn và bạo lực gia đình", Gwena nói.

"Cộng đồng của chúng tôi nặng tính gia trưởng. Nếu có sự cố xảy ra trong nhà, đó là lỗi của phụ nữ, ngay cả khi kẻ khởi xướng là đàn ông", Gwena cho biết. Thậm chí trong thời gian bình thường, số phụ nữ tìm kiếm các biện pháp tránh thai cũng phải được sự đồng ý của chồng, ông Shibru nói.

Một người đàn ông ở Harare, Zimbabwe đang mặc chiếc áo phông tuyên truyền về các biện pháp tránh thai. Ảnh: AP.

Trong khi đó, lệnh hạn chế di chuyển và việc sản xuất bị chậm lại ở châu Á đồng nghĩa với việc một số nhà cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình phải chờ đợi các lô thuốc tránh thai khẩn cấp và các mặt hàng khác vì hết hàng.

"Tôi đang chờ một lô hàng từ châu Á, nhưng nó bị hoãn", ông Shibru nói. "Tôi không biết làm thế nào để bù đắp sự thiếu hụt đó. Đáng lẽ nó phải đến nơi hôm nay để phục vụ nhu cầu của mọi người trong 6 tháng tới. Đây thực sự là một bi kịch. Chúng tôi thiếu hụt một lượng lớn các biện pháp tránh thai ở các nước châu Phi, đặc biệt là bao cao su".

Ở Uganda, Carole Sekimpi - đại diện của tổ chức Marie Stopes - không biết khi nào lô hàng thuốc tránh thai khẩn cấp sẽ đến nơi vì nguồn cung từ Ấn Độ cũng bị phong tỏa. Ấn Độ hết hàng khoảng một tháng và cũng cần thuốc tránh thai, Sekimpi nói.

Sekimpi lo lắng về những cô gái và phụ nữ "bị khóa" trong nhà với những kẻ tiềm ẩn bạo lực, thậm chí cả anh em họ hoặc chú bác của họ. Tổ chức của cô hiện tạm ngừng các hoạt động tiếp cận cộng đồng vì Covid-19.

Thậm chí, thủ đô Kampala của Uganda cũng chịu ảnh hưởng tương tự. Sekimpi đã đến một bệnh viện lớn do chính phủ điều hành vào hôm 6/4, "nhưng khi tôi đến đó, trái tim tôi như vỡ vụn bởi vì dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cũng bị tạm ngừng hoạt động, với lý do chính đáng là vì nó thường đông đúc".

Ngay cả Đại sứ quán Mỹ ở Uganda cũng lưu ý đến những thách thức mà phụ nữ phải đối mặt. Tài khoản Twitter của cơ quan này viết: "Kỳ kinh nguyệt không thể tạm dừng vì đại dịch" và chia sẻ lời khuyên về cách tự làm băng vệ sinh có thể giặt được tại nhà.

Các vấn đề tương tự xảy ra trên khắp châu Phi như Ethiopia, Kenya, Malawi, Madagascar và nhiều nơi khác. "Hãy nhìn mà xem, mọi thứ đều chuyển dịch theo hướng Covid-19", Shibru nói. "Nhưng sau dịch bệnh, một thảm họa khác sẽ xảy ra, đó là sức khỏe của phụ nữ, trừ khi một hành động nào đó được thực hiện ngay bây giờ".

Huyền Vũ (Theo AP)