Thứ ba, 10/12/2019, 09:13 (GMT+7)

Hiệp 'nghiện' đi cứu sốc ma túy

17 tuổi sử dụng ma túy, 21 tuổi đi tù, 24 tuổi phát hiện bị HIV... là những gì người ta nhớ về Hiệp, trước khi biết anh đã cứu giúp hàng trăm trường hợp bị sốc thuốc (phiện) ở Hải Phòng.

Chẳng ngại ngần, giấu giếm khi có người hỏi về quá khứ "đen tối" của mình, Hà Quang Hiệp (41 tuổi, Hàng Kênh, Hải Phòng) tóm gọn bằng mấy từ: ma túy, tù tội, HIV. Vì vậy, hiếm khi anh được/ phải dùng đến tên khai sinh của mình. Người ta gọi anh là Hiệp 'nghiện'.

"Hiệp sĩ cứu sốc" Hà Quang Hiệp.

Nhưng bây giờ, Hiệp nói mình đã cai nghiện thành công, thậm chí đang giúp đỡ cho những người đồng cảnh ngộ, bằng những công việc như cứu người bị sốc ma túy; tuyên truyền, vận động người nghiện. Khi được hỏi về trải nghiệm cứu sốc, anh kể về ca mới nhất, bắt đầu từ một cuộc điện thoại báo tin có người bị sốc ma túy ngay phố đường tàu.

Khi đến nơi, Hiệp lấy ra bơm kim tiêm, một lọ Naloxone đặt cạnh. Nạn nhân được phát hiện trong tình trạng bất tỉnh, môi tái xanh, móng tay tím ngắt. Dò tìm vết chích mới nhất trên tay rồi quan sát tìm ống tiêm xung quanh, nhận thấy đúng người bị sốc thuốc, anh ép tim, lay gọi nhưng không thấy phản ứng, lập tức anh tiêm một lọ dược phẩm Naloxone kết hợp với ép tim gây đau. Một lúc sau, nạn nhân hồi tỉnh.

Khi nạn nhân tỉnh, anh giữ lại để hỏi chuyện, hỏi địa chỉ, số điện thoại rồi ghi ra một cuốn sổ tay cá nhân, một phần để lên kế hoạch tuyên truyền, phần khác để kịp thời xử lý khi thuốc Naloxone phát huy tác dụng, nạn nhân có thể bị co giật hoặc bị sốc tái phát. Một ca cứu sốc như vậy mất từ 60 - 80 phút.

"Cứu sốc không có ngày giờ gì cả, gọi lúc nào mình đi lúc đó. Ban ngày cũng có, mà 3 - 4 giờ sáng cũng không thiếu. Người nghiện chích thuốc không có thời gian, địa điểm rõ ràng", anh Hiệp nói.

Gương mặt sạm đen với nhiều hình xăm trên cơ thể, Hiệp trông "không thiếu vẻ dữ tợn" nhưng giọng nói trầm ấm, từ tốn của anh lại khiến người đối diện trấn tĩnh. Anh bắt đầu kể về "thời oanh liệt" của mình gần 25 năm về trước.

'Ngày ấy cái gì tôi cũng thử, kể cả đi tù'

Là con thứ ba trong gia đình có bốn anh em trai tại Hải Phòng, học hết lớp 7 Hiệp nghỉ học. Năm 1995, khi vừa tròn 17 tuổi, người anh cả mất, chán nản, tuyệt vọng, Hiệp lao vào ma túy. 

Để có tiền đi hút, Hiệp vẫn làm nghề mộc. Một thời gian sau, khi làm không đủ "chơi", anh túng quẫn, chán nản rồi đi lang thang. Sợ con trai lao vào đường trộm cắp bị người ta đánh chết, mẹ cho Hiệp mỗi ngày 200 nghìn đồng.

Năm 1999, Hiệp biết đến hai chữ "nhà tù". Trong một lần đi mua thuốc, anh bị công an bắt rồi tòa tuyên án 15 tháng tù giam. Ra tù, Hiệp nghiện lại.

3 năm sau, "Hiệp nghiện" lại bị bắt về tội tàng trữ chất ma túy, nhận án 33 tháng tù giam. Trong thời gian ở tù Hiệp được xét nghiệm máu và xác định dương tính với HIV.

"Lúc biết tin nhiễm HIV như sét đánh ngang tai. Nghĩ lại cũng thấy bị nhiễm HIV là phải thôi, bởi cái năm 1997 - 1998, thời tiền không có, mấy anh em nghiện trong xóm dùng chung bơm kim tiêm, chắc lây nhiễm từ đó", anh nhớ lại.

"HIV thì sống được mấy, thôi thì cứ chơi, chết lúc nào thì chết" - cứ thế anh không thiết tha gì cuộc sống và cũng chẳng nghĩ đến chuyện cai nghiện.

Năm 2008, Hiệp bị bắt đi cai nghiện lại. Nhưng ở được 3 tháng 10 ngày, cơ thể đột nhiên nổi hạch, sức khỏe suy giảm, phía trung tâm cai nghiện trả về nhà và dặn gia đình chuẩn bị lo hậu sự. Về nhà, những vết lở loét trên cổ ngày càng lan rộng. Hàng ngày, Hiệp phải nhờ bố mẹ lau rửa, thay bông băng. 

Từng xác định sẽ chết, nhưng Hiệp vẫn xin mẹ cho đi điều trị bằng việc uống Methadone và ARV - hai loại thuốc khống chế virus HIV.

"Từ ngày uống Methadone cơ thể mình thấy khỏe ra, không còn thèm ma túy nữa. Ngày ngày uống thuốc đều đặn, nghe có vẻ cơ thể mình ổn định", Hiệp nhớ lại.

Cứu mình và cứu người

Năm 2013, lúc đang trên đường về nhà, anh tình cờ gặp nhóm "Vòng tay bè bạn" đang cứu một thanh niên bị sốc thuốc khi chơi ma túy. Thấy lạ, hay mà quan trọng là "trông cũng dễ, lại ý nghĩa", Hiệp đánh liều xin nhập hội.

"Vòng tay bè bạn" do những người từng sử dụng ma túy thành lập, chuyên giúp đỡ người nghiện hòa nhập cộng đồng. Đơn vị điều phối hoạt động của nhóm là SCDI - Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Chị Cao Thị Kim Giang, phó nhóm Vòng tay bè bạn tại Hải Phòng cho biết: "Năm 2013 khi xin vào nhóm cứu trợ, Hiệp vẫn đang trong thời gian uống Methadone, mình nghĩ sẽ thử thách Hiệp một thời gian, nếu cảm thấy ổn thì sẽ đồng ý cho gia nhập. Giờ cũng gần 6 năm làm việc, Hiệp là một người thẳng thắn, tích cực, luôn có ý chí học hỏi và sẵn sàng chỉ bảo cho mọi người những điều mình biết. Hiện tại, Hiệp là một trong những người làm cứng tại nhóm với nhiều hoạt động như cứu sốc, vận động người nghiện đi cai nghiện, tham gia các dự án cộng đồng...".

Ngày trước mỗi lần sốc thuốc, Hiệp đều được những người bạn nghiện giúp tỉnh lại bằng cách đánh đập. Đánh cho tím người, đánh đến khi tỉnh thì thôi. Lần nào tỉnh người cũng đau ê ẩm. Nhưng từ khi tham gia vào nhóm cứu trợ, Hiệp biết đến cách hà hơi thổi ngạt, bấm huyệt rồi tiêm Methadone... mọi việc đều được dạy và học một cách bài bản.

Lần đầu tiên cứu người, anh lúng túng, luống cuống tay chân vì không biết làm gì. Sau nhiều lần tập luyện, khi cứu được người sốc thuốc tỉnh lại, Hiệp vui ra mặt: "Hóa ra cứu được một người nó vui như vậy".

Suốt 6 năm đi cứu hộ, nhóm của anh đã cứu được hơn 1.000 ca sốc, trong đó có 478 ca phải sử dụng thuốc Naloxone, những trường hợp còn lại đều được ép tim, hà hơi thổi ngạt là tỉnh.

Sau nhiều năm kiên trì uống thuốc, kết quả xét nghiệm hiện tại của Hiệp âm tính (không phát hiện) với virus HIV, nhưng để điều trị dứt điểm, anh vẫn đều đặn uống Methadone mỗi ngày. Liều lượng uống giảm từ 300ml (30cc)/2 lần/ ngày xuống còn 140ml (14cc)/ ngày.

"Đợt nào phải đi công tác xa, mình sẽ lên trung tâm xin giấy giới thiệu uống Methadone ở các địa phương khác cho đúng quy định và ngăn chặn bệnh một cách hiệu quả", anh Hiệp nói.

Theo lời anh Hiệp, công việc cứu sốc, hỗ trợ những người bị HIV hòa nhập với cuộc sống đem lại cho anh nhiều hơn mất. Đây cũng là nơi thúc đẩy bản thân Hiệp làm nhiều điều tốt hơn, nhân rộng các mô hình cứu sốc tại nhiều địa phương trên khắp cả nước. Cũng bởi vậy, "hiệp sĩ cứu sốc" luôn nói: "Có lẽ SCDI đã cứu đời tôi một bàn thua trông thấy".

Hạnh phúc bé nhỏ

Ngày còn nghiện, anh từng trải qua vài mối tình, nhưng không đến đâu. Nhất là khi họ biết anh nhiễm HIV.

Năm 2016, anh quen chị Hoàng Ngân (35 tuổi) qua mạng. Hợp từ tính nết đến cách trò chuyện, nên dù biết quá khứ của anh, chị vẫn từ Hà Nội xuống Hải Phòng tìm gặp, rồi ở lại đón tết năm 2016 cùng gia đình người yêu.

Anh Hiệp cùng vợ trong ngày tổ chức đám cưới.

Một thời gian sau, chị Ngân xin gia đình cho xuống Hải Phòng làm việc rồi dọn về ở chung với anh đến nay cũng gần 3 năm.

"Từ những lần nói chuyện đầu tiên anh đã kể cho mình nghe về quá khứ ngày trước, thậm chí cả việc anh bị dương tính với HIV nhưng mình chưa từng có suy nghĩ sợ sệt hay xa lánh. Ngày ấy chỉ nghĩ, một người đàn ông tốt như thế, phù hợp với bản thân như vậy, chắc chắn mình phải nắm lấy", chị Ngân nhớ lại ngày đầu mới quen.

"Ngày nào được nghỉ làm mình lại xin chồng cho đi cứu sốc cùng. Lúc đầu còn tò mò đứng nhìn nhưng đi nhiều cũng quen, được anh chỉ cho cái này, cái kia, cũng học được nhiều thứ".

Lấy chồng, nhưng do điều kiện kinh tế gia đình không cho phép, anh chị chưa có một đám cưới trọn vẹn. Năm 2018, trung tâm SCID tổ chức đám cưới tập thể cho các cặp đôi. Lần đầu tiên được làm cô dâu, chú rể; lần đầu được khoác lên mình bộ đồ cưới, hai người không giấu được xúc động.

Từng nghĩ sẽ không có được hạnh phúc khi bản thân nhiễm HIV, nhưng giờ đây anh Hiệp luôn tự hào khi nhắc đến người vợ tần tảo, người vì anh mà bỏ qua mọi định kiến xã hội.

Chuyện 'Hiệp nghiện' đi cứu sốc
 
 

Giờ đây, điều duy nhất anh chị mong mỏi là có con, các xét nghiệm đều cho thấy âm tính với HIV càng khiến anh nuôi hy vọng. "Muốn là vậy, nhưng con cái là lộc trời cho, vợ chồng mình cũng dự định sang năm khi điều kiện kinh tế ổn định sẽ đi kiểm tra và tìm các phương pháp hỗ trợ tốt cho việc sinh sản", chị Ngân tâm sự. 

Thúy Quỳnh