Với lý do có nhiều cuộc thi nhan sắc được tổ chức trong các trường đại học, cao đẳng có nội dung không phù hợp với môi trường giáo dục, Bộ GD&ĐT vừa ra công văn yêu cầu dừng một số cuộc thi người đẹp tổ chức trong các trường. iOne đã có cuộc trao đổi với 3 hoa khôi tiêu biểu từ các cuộc thi sắc đẹp trong trường học năm qua.
Phạm Hồng Lê Giang - Hoa khôi ĐH Kinh tế Huế - Huy chương vàng Olymic
Mình hoàn toàn bất ngờ trước quy định mới của Bộ GD&ĐT về việc cấm thi sắc đẹp trong trường. Với mình, đây là một sân chơi tốt cho sinh viên, giúp các bạn học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích cũng như được trang bị nhiều kỹ năng sống mà nếu chỉ học và học, bạn sẽ không thể có được. Nhiều bạn bè của mình rất háo hức mỗi dịp thi hoa khôi của các trường, nên nếu quy định này chính thức có hiệu lực, nó sẽ ảnh hưởng nhiều đến tinh thần sinh viên cũng như phong trào Đoàn - Hội.
Phạm Hồng Lê Giang là Á khôi Quốc học Huế, Hoa khôi ĐH Kinh tế Huế và là gương mặt đại diện cho Festival Huế 2012. Cô bạn từng đoạt HCV Olympic và giải Ba môn Hóa học cấp Quốc gia. |
Về vấn đề sinh viên đăng quang bị truyền thông thổi phồng dẫn đến ảo tưởng, mình cho rằng đây là một ý kiến chủ quan. Bất kỳ nữ sinh nào đã được công nhận là hoa khôi cũng đều phải phấn đấu hết mình để giỏi hơn, đóng góp nhiều hơn cho trường lớp, xã hội và cộng đồng. Vậy nên với mình, danh hiệu hoa khôi mang đến trách nhiệm nhiều hơn là ảo tưởng.
Tuy nhiên cần nhìn nhận rằng Bộ không thể đưa ra quyết định mà không có sự xem xét, đánh giá cẩn trọng. Nguyên nhân của quyết định này có thể xuất phát từ những cuộc thi hoa khôi sinh viên với hình thức tổ chức thiếu chuyên nghiệp, mục đích không rõ ràng gần đây. Theo mình, một khi đã xác định rõ nguyên nhân như thế, Bộ cần có văn bản chỉ đạo thắt chặt về khâu tổ chức, kiểm duyệt nội dung để các cuộc thi hoa khôi vẫn được diễn ra đúng ý nghĩa và mục đích, thay vì cấm một cách triệt để như thế.
Trần Bửu Lâm - Hoa khôi Ngoại thương 2012
Hoa khôi Ngoại thương 2012 Trần Bửu Lâm cũng không đồng tình trước ý kiến các cuộc thi sắc đẹp không mang lại nhiều lợi ích, gây ảnh hưởng đến kết quả học tập. Cô hoa khôi, sinh viên 5 tốt với bảng điểm 8,2 ấn tượng cho biết các cuộc thi hoa khôi sinh viên góp phần mang lại cho nữ sinh cơ hội được trau dồi kĩ năng như trình diễn sân khấu, ứng xử, giao tiếp.
![]() |
Hoa khôi của các trường đại học 2012 Trần Bửu Lâm là cán bộ Đoàn - Hội xuất sắc. Cô bạn từng vào chung kết Hoa khôi sinh viên toàn thành và Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh 2012. |
“Nhờ cuộc thi mà bản thân mình trưởng thành, bản lĩnh và tự tin hơn rất nhiều. Cuộc thi hoa khôi với mình còn như một hoạt động ngoại khóa bổ ích để được cọ xát, rèn luyện tinh thần, được làm quen với nhiều bạn mới và thực sự là một dấu ấn đẹp trong quãng đời sinh viên” - Bửu Lâm bày tỏ.
Nguyễn Phương Ân - Hoa khôi sinh viên toàn thành 2012
Một thực tế là trong thời gian qua, có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp được tổ chức tại các trường đại học - cao đẳng làm không khí và tính chất chung bị loãng đi. Cả hình thức tổ chức thiếu chuyên nghiệp cũng như những dư luận gần đây về các cuộc thi hoa khôi cũng vô tình tạo nên cái nhìn không nhiều thiện cảm cho công chúng. Chính vì vậy, việc cấm thi sắc đẹp trong trường học cho thấy Bộ GD&ĐT cũng đã dành nhiều sự quan tâm cho các cuộc thi hoa khôi. Tuy nhiên, quy định này tỏ ra khá cứng nhắc.
![]() |
Hoa khôi sinh viên toàn thành 2012 Nguyễn Phương Ân hiện là sinh viên ĐH Luật TP HCM. |
Theo cá nhân mình, không nên cấm hoàn toàn các cuộc thi hoa khôi sinh viên vì hiện tại vẫn còn rất nhiều cuộc thi có mục đích cũng như các hoạt động bên lề ý nghĩa như thăm mái ấm nhà mở, đạp xe kêu gọi bảo vệ môi trường... Việc mỗi trường có một cuộc thi hoa khôi cũng giúp tạo nên phong trào thi đua sôi nổi giữa các lớp, tăng cường tình đoàn kết cũng như góp phần quảng bá hình ảnh của trường qua các kênh truyền thông.
Thiết nghĩ, Bộ vẫn nên cho phép tổ chức các cuộc thi sắc đẹp trong trường học, tuy nhiên có sự quản lý và kiểm soát chặt chẽ về mặt nội dung và hình thức để mỗi cuộc thi đều mang một ý nghĩa thiết thực và chuyên nghiệp hơn.
Hoa hậu Ngọc Diễm - Hoa khôi Ngoại thương 2008, Hoa hậu Du lịch 2008
Từng là đăng quang cuộc thi hoa khôi và nhiều lần ngồi ghế giám khảo chấm thi sắc đẹp, Hoa hậu Ngọc Diễm cho rằng những cuộc thi như thế này là cơ hội trải nghiệm quý báu cho các nữ sinh về cả kiến thức, sắc vóc lẫn hiểu biết, ứng xử xã hội. Vì vậy, việc cấm hoàn toàn các cuộc thi hoa khôi sinh viên trong trường đại học và cao đẳng sẽ làm mất đi một sân chơi ý nghĩa, ít nhiều gây hụt hẫng cho sinh viên.
“Nói về trách nhiệm của các đơn vị tổ chức, cần đặt ra những tiêu chí rõ ràng, thiết thực cho cuộc thi, như câu hỏi ứng xử phải gần gũi với đời sống sinh viên, không quá xa vời để tránh ảnh hưởng đến sự hồn nhiên của các bạn trẻ. Các hoạt động bên lề cũng cần được chú trọng để ngoài sự thi thố, sinh viên có thời gian để làm quen và cùng nhau tham gia vào những hoạt động cộng đồng ý nghĩa.
Thực tế, không thể phủ nhận các đơn vị tài trợ đang tác động khá nhiều đến các cuộc thi hoa khôi sinh viên. Điều này cần được hạn chế để sân chơi này vẫn thuần túy là của sinh viên và đậm chất sinh viên. Ngoài ra, việc kiểm soát truyền thông cũng nên được quan tâm để tránh những sự thổi phồng quá mức, khiến những hoa khôi đăng quang ảo tưởng về danh hiệu của mình, gây nên tâm lý và tính cách không tốt. Và, các nữ sinh thật sự chỉ nên xem cuộc thi hoa khôi là một sân chơi, một dấu ấn đẹp trong cuộc đời sinh viên thay vì xem đây như một cánh cửa để các bạn bước vào con đường nghệ thuật hay showbiz”.
Hữu Anh