Thứ bảy, 26/10/2019, 00:00 (GMT+7)

Hơn 50 năm sống trong 'lồng chim' 5m2 giữa phố cổ

Có nhà ở phố, nhưng ông Hoàng Văn Xuân (57 tuổi) thường nói: Nhà thế này ở vỉa hè còn sướng hơn.

Trái ngược với sự sầm uất của con phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nằm sâu trong con ngõ nhỏ chưa đến một mét là nơi "cư trú" của ông Hoàng Văn Xuân - một ngôi nhà không có cửa, không có phòng và nếu muốn vào phải trèo thang.

Ông Hoàng văn Xuân đang vào nhà.

Gọi là nhà nhưng ông Xuân ví chúng giống cái tổ chim hay hộp diêm "lơ lửng’ giữa tầng 1 và tầng 2 của khu nhà tập thể. Cầu thang lên nhà là 5 móc sắt hình chữ u gắn chặt vào tường. Thấy ánh mắt lạ lẫm của khách, ông vội giải thích: "Mấy thanh sắt này là tôi tự chế. Vài hôm trước phải đi hàn lại bởi sắt bị oxi hóa hết. Lắp sắt cho tiện chứ làm cầu thang gỗ lại kềnh càng, mọi người trong ngõ không đi qua được".

Con ngõ nhỏ sâu hun hút, những búi dây điện chằng chịt đặt sát tường, ngay dưới lối lên nhà. Tường hai bên bong tróc, bụi bẩn, mạng nhện bám đầy.

Vừa trèo lên nhà ông Xuân vội nhắc: "Mọi người co chân lên chứ đừng để vắt vẻo ở cửa, người phía dưới sẽ bị va trúng đầu đấy".

Người đàn ông sống hơn 50 năm trong căn gác có chiều dài 2,7m; rộng 1,9m; cao 1,19m với tổng diện tích căn phòng là 5,13 m2. Vật dụng trong nhà chỉ có một chiếc tủ nhỏ đựng quần áo, ti-vi cũ, quạt treo tường cùng một chiếc chiếu đơn.

Căn nhà nhỏ của ông Xuân ngày cũng như đêm, không cửa ra vào, không cửa sổ và luôn phải bật đèn. Sàn nhà được lát gạch, tường được dán giấy để chống ẩm mốc và bong tróc bởi xung quanh đều là bể phốt, bể nước mưa nên rất ẩm và ngột ngạt.

Theo ông, ngày mưa thì nước ngấm vào tường gây ẩm mốc khó chịu. Nhiều hôm đang ngủ thì cả mảng vữa trên trần rơi thẳng vào mặt vì nhà ở tầng trên đi mạnh chân. Nhiều đêm ông  nằm nghĩ: Lỡ đang ngủ nó sập cả mảng trần vào người thì xong.

Bao quanh nhà là những vết nứt. Dù nhiều lần dùng xi măng trát lại, được vài bữa chỗ trát lại tự nứt khiến ông lo lắng.

Căn phòng này là không gian sinh sống của 7 anh em cùng bố mẹ. Lớn lên, anh chị em lập gia đình rồi dọn ra ngoài sống, chỉ còn ông ở lại. Dù mọi người đã "di tản", căn nhà không bớt được sự chật chội vốn có.

Ngày còn trẻ cũng vì tự ti hoàn cảnh gia đình, ông Xuân ngại giao tiếp, mở lòng với những cô gái. Mãi về sau ông vui mừng biết bao khi có người thông cảm cho hoàn cảnh và chấp nhận vượt lên khó khăn. Kết hôn, ông tiếp tục làm nghề xe ôm, vợ làm tạp vụ, đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Từng có ý định đi thuê nhà, nhưng tiền ít, "căn chòi" của ông bà không thể cho thuê, suy nghĩ tìm nơi ở mới lại bị dập tắt. 

Gia đình ba người sinh hoạt toàn bộ trong căn phòng 5,13 m2. Giặt giũ, rửa bát hay đi vệ sinh đều xuống công trình công cộng hoặc đi nhờ nhà người em trai gần đó. Vợ chồng ông ở với nhau được hơn 10 năm rồi không thể chịu cuộc sống khổ sở, vợ ông bỏ đi. Cũng từ ấy, mơ ước sở hữu một ngôi nhà "tử tế" của gia đình không bao giờ thực hiện được.

"Chắc do tôi không cho bà ấy được một căn nhà đúng nghĩ nên bà ấy mới bỏ đi", giọng ông trầm xuống.

Từ ngày vợ bỏ đi, con dọn ra ngoài sinh sống, ông Xuân lủi thủi, lom khom  trong căn phòng đến đứng thẳng cũng khó. 

Ông Xuân phải giơ điện thoại ra ngoài "cửa" để bắt sóng.

"Tôi chạy xe ôm đã lâu nhưng thường chỉ chở khách quen bởi giờ nhiều xe ôm công nghệ ra đời. Thường khách sẽ gọi điện thoại nhưng lắm khi tôi không nhận được vì ở trong nhà sóng điện thoại kém lắm". Lo lắng khách gọi không nghe, bất kể trời rét mướt hay oi nóng, ông Xuân chỉ về nhà ăn cơm trưa rồi lại ra đầu ngõ ngồi. Mức thu nhập trung bình của ông từ 50.000 - 100.000 đồng/ ngày.

Theo ông Xuân, mùa hè nhà giống hệt cái lò thiêu, có khi nhiệt độ lên đến 40 độ C, nhưng đến mùa đông gió lùa vào ngõ lạnh tê tái. Từ ngày vợ bỏ đi, con ra ở riêng, ông cất toàn bộ đồ dùng nấu nướng, ăn cơm bụi cho tiện.

Mong có cái nhà để con trai lấy vợ

Lớn lên trong căn nhà rộng hơn 5 m2 đến nay cũng được 24 năm nhưng chưa một lần Hoàng Xuân Thủy (SN 1997, con trai ông Xuân) dẫn bạn về nhà chơi. 

Bước qua tuổi ngũ tuần, điều khiến ông Xuân trăn trở là không có nơi để tổ chức đám cưới cho con, để thờ phụng ông bà tổ tiên. Ông sợ con trai cũng sẽ giống mình, cũng gặp phải cuộc hôn nhân đứt gánh vì điều kiện khó khăn.

Giờ đây ông Hoàng Văn Xuân chỉ mong ước chính quyền có phương án giúp đỡ để có thể chuyển đến một nơi mới, cho cuộc sống bớt khó khăn hơn.

Đánh mắt về phía lối trèo lên nhà, ông Xuân trầm tư: "Chẳng biết đến bao giờ tôi mới có một cái nhà đúng nghĩa, một nơi có cửa nhà, cửa sổ, một nơi có thể ngủ yên mà không cần thấp thỏm lo vữa tường rơi vào người".

Đình Tùng - Thúy Quỳnh