Sau các bài viết gây nhiều tranh cãi về "thiên đường sung sướng" Quất Lâm, blogger P.L lại tiếp tục gây 'sốt' trên cộng đồng mạng bằng một bài viết khác có nhan đề "Fan cuồng Kpop: No cơm ấm cật". Bài blog này đã nhanh chóng được chia sẻ và nhận nhiều ý kiến từ cư dân mạng.
"Fan chân chính" hay là sự "cuồng loạn" (!?)
Theo lời của P.L, sau khi nhận được đường link của một người bạn gửi qua Yahoo với nội dung là những lời tâm sự cay đắng của một cậu sinh viên kể về buổi đi bán những que sáng, kiếm thêm tiền trong chương trình giao lưu Việt - Hàn và bị nhân viên bảo vệ ức hiếp, chị quyết định viết entry về fan cuồng Kpop.
"Đọc xong, tôi bỗng thấy cổ họng mình đắng nghét. Tự nhiên thấy sống mũi cay cay. Tôi sinh năm 90, thuộc thế hệ mà người ta hay gọi là "9x đời đầu". Gia đình tôi là một gia đình bình dân, sống trong một căn nhà nhỏ, nhìn ra một con đường cũng nhỏ nốt. Nơi đó, tôi lớn lên, học, yêu, mơ ước và đam mê", P.L chia sẻ.
P.L cho biết chị thích xem phim, thích xem ca nhạc. Như bao bạn gái cùng trang lứa khác, blogger này cũng ngưỡng mộ và thần tượng một số diễn viên, ca sĩ. "Ngày bé xíu thì mê anh Bo Đan Trường. Lớn lên một chút thì thích anh Bae Young Joon, rồi DBSK, gần đây là SNSD, SuJu. "Tôi tìm mua album của họ. Tôi tìm hiểu, dõi theo những thông tin về họ. Tôi dán ảnh của họ khắp phòng, dán cả lên vở, lên sổ tay, lên thước kẻ... Mỗi khi họ sang Việt Nam biểu diễn, tôi đọc báo, tôi bàn luận, tôi hóng trên mạng xem clip, xem ảnh. Rồi phim ảnh, tôi với mẹ tôi vẫn thường xem phim Hàn Quốc, khóc lóc ỷ ôi theo diễn biễn trong phim. Và chỉ thế thôi", P.L viết.
![]() |
Bài viết có nhan đề "Fan cuồng Kpop: No cơm ấm cật..." đang khiến cư dân mạng xôn xao. Ảnh GDVN |
P.L không dám nhận mình là fan, vì lý do rất đơn giản: "Tôi không đủ điên cuồng. Điên cuồng như Vệ Tuệ. À không, như những "fan chân chính"". P.L tiếp tục đưa ra những thực tế đáng buồn để nhấn mạnh sự đam mê đến "phát cuồng" trong suy nghĩ, hành động của một bộ phận tự fan cho mình là "fan chân chính" hiện nay: "Với những người đó, tình yêu với thần tượng cao quý và mãnh liệt đến vô ngần. Đối với những người đó, thần tượng là tất cả: là đấng tối cao, là niềm tin, là lẽ sống... Có người bỏ học, tuyệt thực, cắt cổ tay, thậm chí là uống thuốc ngủ để gây áp lực, bắt bố mẹ mua cho tấm vé đi xem biểu diễn. Có người, khi bị bố mẹ ngăn cấm, đã nói thẳng vào mặt bố mẹ mình " tôi chỉ cần "ù pa" của tôi, "ồ nhi" của tôi, chứ không cần ông bà".
Blogger này cũng nhắc lại một thực tế về sự "cuồng" của các fan trong chương trình đại nhạc hội Việt Hàn mới diễn ra cách đây chưa lâu: "Đại nhạc hội Việt Hàn làm cho cộng đồng fan Kpop phát cuồng, cái này ai xem báo cũng biết. Hàng ngàn fan - đa số là học sinh - làm băng rôn, biểu ngữ rồi đứng chờ ở sân bay từ sáng tới chiều chỉ để được nhìn mặt thần tượng. Rồi tranh giành nhau, tìm đủ mọi cách để có được vé. Không có vé thì đứng ngoài cổng, đập cửa đòi vào như bạo động. Có vé thì chen lấn giẫm đạp để được lại gần thần tượng, rồi gào khóc như ở trại vậy!".
![]() |
Fan ngất xỉu ở đêm diễn của "thần thượng". Ảnh GDVN |
P.L chua xót: "Một cặp vé giá đến vài triệu thì phải! Số tiền ấy, có thể nuôi sống một gia đình ở miền núi cả năm trời. Số tiền ấy, những anh chị sinh viên mới ra trường làm mấy tháng mới tích góp được. Số tiền ấy có thể giúp cho cả một trường dân nội trú đạt được ước mơ xa xỉ là ăn cơm với thịt suốt 1 tuần! Không biết trong số những người đó, có bao nhiêu người đã làm ra tiền đủ để mua vé? Chắc là chẳng đến 1% đâu, vì toàn là học sinh không à! Đến mức mà sáng nay nhìn ảnh trên báo, tôi tưởng như là đại nhạc hội mừng ngày Quốc tế Thiếu nhi vậy! Nhiều người lớn bảo, chỉ cần cho các bạn, các em nếm thử mùi vị của một cuộc sống cực khổ ra sao khi: không tiền, không quần áo đẹp, không internet, phải đi chăn trâu cắt cỏ như trẻ em nông thông; lúc đấy xem còn "cuồng" được nữa không".
Cuồi bài viết, P.L nhấn mạnh: "Tôi thì nghĩ, chẳng cần phải đến thế. Chỉ cần các em thử một lần giống như cậu sinh viên trên kia, đi bán hàng phụ cha mẹ rồi bị ức hiếp, là sẽ thấy "đời không như mơ" ngay thôi. Nhưng mà, chắc cha mẹ các em chẳng dám làm thế với cục cưng của mình đâu. Thế nên đừng trách "no cơm ấm cật...".
Cư dân mạng "nổi sóng"
Bài viết đã khiến cộng đồng mạng nổi sóng với những ý kiến trái chiều. Trước đó, blogger P.L cũng chia sẻ, sau bài viết về "fan cuồng Kpop" này, chị đã bị một số người dọa thuê xã hội đen "xử"...
Trên blog của P. L, bài viết này nhận được hơn 10.000 lượt xem với 144 bình luận. Những ý kiến ủng hộ thì cho rằng, đây là một bài viết hay, đã phản ánh lên thực tế đang diễn ra trong một bộ phận giới trẻ hiện nay, đó là sự "cuồng loạn" với thần tượng của mình. "Một bài viết rất hay và ý nghĩa. Bởi bạn đã dám nói lên một thực tế tiêu cực đang tồn tại trong một bộ phận fan, chủ yếu là giới trẻ hiện nay. Sự cuồng loạn đó đã và đang là tiền đề gây ra những suy nghĩ, hành động đáng tiếc", nickname Ju_9092 bày tỏ.
Đồng quan điểm đó, nickname mytime cũng cho rằng: "Đây chính là mặt trái của sự du nhập quốc tế mà không biết chọn lọc. Có quá nhiều điểu để nói về lối sống của thế hệ trẻ hiện nay. Có lẽ là cuồng quá rồi. Bài viết đơn giản nhưng hay lắm".
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều những ý kiến không đồng tình với bài viết này và cho rằng, không nên đánh đồng mọi fan lại như thế. "Nếu bạn thật sự quan tâm đến chúng thì hãy góp ý, khuyên bảo chúng thì hơn. Mình thấy trong bài của bạn có nhiều sự so sánh xúc phạm nhân phẩm của các em. Và các ví dụ về tội phạm liên quan đến làn sóng Kpop thì rất mơ hồ và thiển cận. Chưa cần biết độ xác thực của các tin đó, cái cách bạn quơ đũa cả nắm một người vì hâm mộ Kpop phạm tội thì liền quy kết thế hệ 9x hư hỏng thì thật là sai lầm. Không lẽ vì một Nguyễn Đức Nghĩa gây án là quy kết cả thế hệ 8x à", nickname dalat_caphe nhấn mạnh.
Nickname yunyoung_jae cũng chia sẻ: "Cái cách mà bạn so sánh đứa trẻ ở nông thôn với những đứa trẻ này, chẳng khác gì những đứa ghen ăn tức ở. Tiền của ai người ấy có quyền tiêu. Qua cách bạn nói, tôi tin rằng bạn không đi xem và bạn đang bày tỏ sự bức xúc và ghen tỵ như kiểu con cáo chê "nho còn xanh lắm thôi"".
Theo GDVN