-
21h20
Sierra Leone xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm nCoV
Tổng thống Sierra Leone, Julius Maada Bio, vừa thông báo trường hợp đầu tiên dương tính với nCoV tại nước này. Bệnh nhân là một người đàn ông 37 tuổi từ Pháp đến Sierra Leone hôm 16/3. Ngay khi đến quốc gia này, bệnh nhân được đưa đi cách ly.
Đây là ca nhiễm nCoV đầu tiên tại quốc gia thuộc châu Phi này. Tuyên bố trên truyền hình về ca dương tính với nCoV, tuy nhiên, Tổng thống Maada Bio chưa công bố bất kỳ biện pháp mới nào nhằm giải quyết đại dịch.
Trước đó, ít nhất 20 quốc gia châu Phi ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 như Morocco, Tunisia, Egypt, Algeria, Senegal, Togo, Cameroon, Burkina Faso, Nam Phi...
-
21h10
Indonesia, Philippines: Số ca nhiễm và tử vong tăng vọt
Ngày 31/3, đại diện Bộ Y tế Indonesia báo cáo thêm 114 ca nhiễm mới và 14 người tử vong vì nCoV, nâng tổng số người chết tại nước này lên 136, 1.528 người nhiễm và 81 trường hợp được chữa khỏi, kể từ 1/3 - ngày xác nhận trường hợp dương tính đầu tiên.
Dịch bệnh bùng phát khiến chính phủ Indonesia ban bố lệnh hoãn các cuộc họp, sự kiện trên toàn quốc.
Quốc gia này cho phép người dân đăng ký kết hôn trực tuyến kể từ khi nhân viên dịch vụ công cộng được làm việc tại nhà - một trong những biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của virus.
Trước đó, chính phủ nước này cho phép người dân tổ chức đám cưới, tuy nhiên số người tham dự không vượt quá 10 người. Cô dâu, chú rể và những người tham dự phải rửa tay bằng xà phòng/ thuốc sát trùng và đeo khẩu trang trong suốt buổi lễ.
Với số lượng người tử vong và lây nhiễm mới gia tăng, ngoài lệnh đóng cửa các văn phòng chính phủ, quốc gia này quyết định đóng cửa trường học, các trung tâm giải trí và hạn chế người dân ra đường để tránh sự lây lan của Covid-19.
Philippines hôm nay cũng báo cáo thêm 10 trường hợp tử vong và và 538 ca nhiễm mới, nâng tổng số người chết tại nước này lên 88 trường hợp và 2.084 người dương tính, Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire thông tin.
Theo người phát ngôn nước này, số liệu mới báo cáo cho thấy mức tăng kỷ lục về số ca nhiễm và tử vong kể từ khi thông báo ca dương tính đầu tiên hôm 29/1.
-
20h35
Số người nhiễm nCoV trên thế giới vượt 800.000 trường hợp
Tối 31/3, toàn thế giới ghi nhận 803.180 ca nhiễm nCoV, 39.033 trường hợp tử vong và 172.425 ca chữa khỏi, theo Worldometer.
Tính đến 9h sáng ngày 31/3 (theo giờ địa phương), Bộ Y tế Anh thông báo, tổng số 143.186 người được xét nghiệm có 25.150 ca dương tính, trong đó 3.009 trường hợp mới được xác nhận. 381 người tử vong, nâng tổng số người chết tại nước này lên 1.789.
Trong lần báo cáo trước đó, Patrick Vallance, trưởng cố vấn khoa học của Chính phủ Anh cho biết, hiện tại có khoảng 9.000 bệnh nhân nhiễm nCoV đang được điều trị tại các bệnh viện, tăng khoảng 1.000 ca mỗi ngày. Tuy nhiên, Vallance cho rằng, mức độ lây lan Covid-19 đang không tăng mạnh như trước.Theo số liệu vừa báo cáo, Tây Ban Nha ghi nhận thêm 437 ca tử vong mới và 6.461 ca nhiễm mới, nâng tổng số người tử vong tại nước này lên 8.189 và 94.417 người nhiễm.
Iran báo cáo thêm 141 người chết và 3.110 người nhiễm mới, nâng tổng số người chết tại nước này lên 2.898 và 44.605 ca dương tính.
Bỉ ghi nhận thêm 192 ca tử vong mới, nâng tổng số người chết tại nước này lên 702 và 12.775 ca dương tính.
Hà Lan cũng báo cáo thêm 175 ca tử vong mới và 845 ca nhiễm mới. Hiện, nước này ghi nhận 1.039 người chết và 12.595 trường hợp nhiễm bệnh.
Thụy Điển thông báo thêm 34 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì virus lên 180 và 4.435 người nhiễm.
Bồ Đào Nha và Áo hôm nay cũng ghi nhận thêm 20 ca tử vong mới, nâng tổng số người chết tại hai nước này lần lượt là 160 và 128.
Belarus, Mayotte, Tanzania, Myanmar hôm nay ghi nhận ca tử vong đầu tiên.
Trước đó, Đức, Pháp, Italy, Anh cũng báo cáo nhiều trường hợp nhiễm tử trong 24 giờ qua,
Chỉ tính riêng trong ngày 31/3, số ca tử vong mới công bố trên toàn thế giới lên mức 1.250 và 18.465 ca dương tính với nCoV mới.
-
17h45
Gần 95.000 người Tây Ban Nha nhiễm nCoV
Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo thêm 473 ca tử vong mới, nâng tổng số người chết tại nước này lên 8.189.
Với 6.461 ca dương tính mới xác nhận, tổng ca nhiễm tại nước này là 94.417 trường hợp. Hiện, Tây Ban Nha có số người tử vong do virus cao thứ hai thế giới, chỉ sau Italy - nơi có hơn 11.000 người tử vong.
Số người chết vì dịch bệnh tại Catalonia - một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại Tây Ban Nha - đã gia tăng 262 trường hợp trong 24 giờ.
Hơn 5.600 người trong tình trạng nguy kịch và gần 20.000 bệnh nhân khỏi bệnh.
Chính quyền Tây Ban Nha bắt đầu xây dựng các nhà xác mới trên khắp cả nước, khi số người tử vong vì dịch bệnh gia tăng.
Truyền thông địa phương báo cáo, một toà nhà ở Madrid đã trở thành nhà xác tạm thời. Một tuần trước, một sân băng cũng được tái sử dụng làm nhà xác.
Fernando Simon, Giám đốc Trung tâm điều phối và cảnh báo khẩn cấp thuộc Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết, dịch bệnh tại Tây Ban Nha dường như đạt tới đỉnh ở một số khu vực. Ông Fernando nhấn mạnh: Tây Ban Nha đang thiếu giường chăm sóc bệnh nhân.
Cuối tuần trước, Thủ tướng Pedro Sanchez đã gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, yêu cầu những người lao động phải ở nhà thêm hai tuần.
Người già bị bỏ mặc đến chết ở Tây Ban Nha
Binh sĩ Tây Ban Nha được điều động ứng phó với Covid-19 phát hiện nhiều bệnh nhân cao tuổi bị bỏ rơi, đôi khi đã chết, trong các cơ sở hưu trí.
-
17h25
Gần 3.000 người Iran chết vì nCoV
Chính quyền Iran hôm 31/3 đã công bố thêm 141 ca tử vong mới vì nCoV, nâng tổng số số người chết tại nước này lên 2.898 kể từ khi 2 trường hợp đầu tiên tử vong hôm 18/2.
Người phát ngôn của Bộ Y tế Kianoush Jahanpour cho biết, 3.111 ca nhiễm mới đã được xác nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên tới 44.606; 3.703 trường hợp nhập viện trong tình trạng nguy kịch và 14.656 ca đã hồi phục.
Trước đó một ngày, Iran ghi nhận thêm 117 người chết và 3.186 ca nhiễm mới.
Với số liệu vừa báo cáo, Iran đứng thứ 6 thế giới về số ca lây nhiễm, chỉ sau Mỹ, Italy, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Đức và đứng thứ 5 thế giới về số ca tử vong.
-
16h25
Indonesia ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia
Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm nay tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc gia. "Chúng tôi sẽ thực hiện phương án áp đặt các hạn chế xã hội quy mô lớn theo quy định của Luật số 6 năm 2018 về kiểm dịch y tế. Chúng tôi cũng ban hành quy định của chính phủ về các hạn chế xã hội cũng như nghị định của Tổng thống về tình trạng khẩn cấp", tờ Jakarta Post dẫn.
Jakarta tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài đến 19/4 trong một nỗ lực nhằm đối phó sự lây lan của Covid-19. Chính quyền thành phố đóng cửa tất cả rạp chiếu phim, ngừng các hoạt động giải trí công cộng. Ngoài Jakarta, Đông Java cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì Covid-19.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho hay nước này đình chỉ tất cả chuyến nhập cảnh và quá cảnh của công dân không mang quốc tịch Indonesia, ngoại trừ người nước ngoài có giấy phép cư trú và nhân viên ngoại giao.
Indonesia là vùng dịch lớn thứ tư Đông Nam Á với 1.414 ca nhiễm, nhưng là quốc gia có số ca tử vong cao nhất khu vực với 122 ca. Thủ đô Jakarta của Indonesia là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 698 ca nhiễm, tương đương 49% ca nhiễm cả nước, và 74 ca tử vong.
-
15h37
Myanmar báo cáo ca tử vong đầu tiên
Myanmar ghi nhân ca tử đầu tiên vì nCoV, là một người đàn ông 69 tuổi. Người này qua đời ở bệnh viện Yangon vào khoảng 7h25 phút sáng nay.
Bộ Y tế Myanmar cho biết, người đàn ông bị ung thư, sang Australia điều trị và đã đến Singapore khi về nước.
Myanmar báo cáo ca tử vong đầu tiên chỉ một tuần sau khi xác nhận hai ca nhiễm đầu tiên vào tối 23/3. Đến nay, nước này ghi nhận 14 ca nhiễm, chủ yếu ở những người đã đi du lịch nước ngoài.
-
15h35
Trung Quốc hoãn kỳ thi đại học Gaokao
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin, nước này hoãn kỳ thi tuyển sinh đại học (còn gọi là Gaokao) hàng năm một tháng đến ngày 7-8/7 do sự bùng phát của Covid-19.
Tỉnh Hồ Bắc - tâm chấn dịch Covid-19 và thủ đô Bắc Kinh được phép đưa ra thời gian riêng để thực hiện kỳ thi.
Gaokao (Cao khảo) được xem là kỳ thi quan trọng bậc nhất ở Trung Quốc và "khắc nghiệt nhất thế giới". Kỳ thi vào đại học ở Trung Quốc thường diễn ra vào khoảng 7-8/6. Đối với nhiều thanh thiếu niên ở Trung Quốc, Gaokao là kỳ thi bước ngoặt của cuộc đời.
Các thí sinh làm bài ở các môn cơ bản: tiếng Trung, tiếng Anh, Toán, Vật lý, Hóa học, Lịch sử và Chính trị. Hơn 10 triệu học sinh tham dự kỳ thi này nhưng chỉ 2% trong số đó được nhận vào 38 ĐH hàng đầu của Trung Quốc, và 0,05% vào các ĐH danh tiếng như Thanh Hoa và Bắc Kinh.
-
8h25
Trung Quốc báo cáo 48 ca nhiễm mới
Trung Quốc đại lục báo cáo 48 ca nhiễm mới, tất cả các ca đều"ngoại nhập", nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 81.518. Vũ Hán ghi nhận 0 ca nhiễm mới trong 7 ngày liên tiếp.
Nước này báo cáo thêm 1 ca tử vong mới so với một ngày trước đó, nâng tổng số ca tử vong lên 3.305.
76.052 trường hợp được chữa khỏi và 528 ca trong tình trạng nguy hiểm.
Trong 48 ca dương tính mới, Thượng Hải ghi nhận 11 ca đều từ nước ngoài trở về; Bắc Kinh ghi nhận 3 ca nhiễm mới (2 người từ Serbia và 1 người từ Tây Ban Nha).
Ngày 31/3, Vũ Hán cũng mở lại dịch vụ tàu điện ngầm công cộng sau hơn 2 tháng đóng cửa.
Việc cách ly và hạn chế đi lại trên toàn Trung Quốc dường như đã mang lại hiệu quả khi các số liệu cho thấy số ca nhiễm mới liên tục giảm. Nước này đã bắt đầu gỡ lệnh hạn chế đi lại từ 24/3, riêng Vũ Hán lệnh phong tỏa sẽ dỡ bỏ từ 8/4.
Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển một vũ khí mới để chống lại Covid-19, theo Global Times. Họ nói rằng đã tìm thấy một vật liệu nano có thể hấp thụ và vô hiệu hóa virus với hiệu suất 96,5-99,9%.
Nói với tờ People's Daily từ hôm 6/3, Giáo sư Zhang Boli, chuyên gia nghiên cứu nCoV hàng đầu của Trung Quốc tuyên bố số ca nhiễm mới ở Vũ Hán sẽ giảm xuống 0 trong tháng 3.
Theo giáo sư Zhang, các khu vực dịch ở Hồ Bắc có thể hết ca nhiễm mới từ tuần 2 tháng 3. "Hy vọng số ca nhiễm mới ở Vũ Hán có thể trở về 0 vào cuối tháng 3. Từ sự phát triển chung của dịch, đây là khả năng được đặt ra, nhưng con số này chưa được xác định. Thỉnh thoảng có thể sẽ vẫn có một vài ca", Zhang nói.
Giáo sư Zhang tin rằng cuộc sống sẽ trở lại bình thường ở tất cả các tỉnh khác ở Trung Quốc vào cuối tháng 4 và ở Hồ Bắc vào cuối tháng 5.
Chuyên gia dự báo Trung Quốc hết ca nhiễm mới trong tháng 3
Giáo sư Zhang Boli, chuyên gia nghiên cứu nCoV hàng đầu của Trung Quốc tuyên bố số ca nhiễm mới ở Vũ Hán sẽ giảm xuống 0 trong tháng 3.
-
8h25
Hàn Quốc bắt đầu năm học mới trực tuyến từ 9/4
Theo KCDC, số ca nhiễm mới tăng thêm 125 - cao hơn 47 ca so với thống kê cùng khung giờ một ngày trước đó. Tổng số ca nhiễm bệnh của quốc gia này hiện là 9.786. Các ca nhiễm mới chủ yếu do sự bùng phát cụm dịch mới tại một bệnh viện ở Daegu.
Nước này cũng báo cáo 4 ca tử vong mới, tăng số người không qua khỏi lên 162; thêm 180 bệnh nhân hồi phục, nâng tổng số người được chữa khỏi lên 5.408.
Tỉnh Daegu và Bắc Gyeongsang - hai khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của quốc gia, báo cáo lần lượt 60 và 2 trường hợp mới. Ngoài ra, 24 ca khác được ghi nhận tại Seoul.
Nước này báo cáo thêm 15 ca "nhập ngoại".
Giữa lo ngại dai dẳng về lây nhiễm trong cộng đồng, chính phủ Hàn bắt đầu năm học mới bằng phương pháp học trực tuyến từ ngày 9/4. Quốc gia này thường bắt đầu năm học mới vào đầu tháng 3, nhưng đã hoãn 3 lần vì sự bùng phát của Covid-19.
-
7h30
Hồng y Angelo De Donatis dương tính với nCoV
Hồng y Angelo De Donatis, Giám quản giáo phận Roma (Italy) trở thành quan chức Công giáo cao cấp nhất được xác nhận dương tính với nCoV hôm 30/3, theo Guardian.
Văn phòng De Donatis cho biết ông đã đi xét nghiệm virus tại một bệnh viện của Rome khi cảm thấy không được khoẻ. Những người trợ lý thân cận của ông cũng tự nguyện đi kiểm tra để phòng ngừa, tuyên bố cho biết.
De Donatis, 66 tuổi không có liên hệ cá nhân với Giáo hoàng Francis trong thời gian gần đây. Vatican hôm 29/3 nói rằng, giáo hoàng và các phụ tá thân cận của ông không nhiễm nCoV.
Trong cùng ngày, giới chức trách Italy vừa thông báo thêm 812 người tử vong và 4.050 ca lây nhiễm mới, nâng tổng số người tử vong của nước này lên 11.591 và 101.739 người nhiễm bệnh.
Với số liệu báo cáo, Bộ trưởng Y tế, ông Roberto Speranza tuyên bố lệnh phong toả toàn quốc sẽ kéo dài "ít nhất cho đến Lễ Phục sinh (12/4)" để ngăn chặn dịch bệnh.
-
7h15
Số ca nhiễm, tử tại các nước châu Âu
Nhiều quốc gia tại châu Âu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19 với số ca nhiễm và tử vong tăng đột biến sau 24 giờ.
Pháp ghi nhận 418 trường hợp tử vong sau 24 giờ - đây là mức tăng cao nhất kể từ khi Covid-19 bùng phát tại nước này, nâng tổng số người chết lên 3.024 ca, tăng 16%. Với số liệu mới báo cáo, Pháp trở thành quốc gia đứng thứ năm sau Trung Quốc, Italy, Tây Ban Nha, Mỹ, có số ca tử vong vì dịch bệnh vượt quá 3.000 người.
Hiện quốc gia này xác nhận 44.550 ca dương tính với nCoV, 20.946 trường hợp nhập viện vì nhiễm bệnh, 5.056 người trong tình trạng nguy kịch.
Anh hôm nay cũng báo cáo thêm 180 ca tử vong và 2.619 ca dương tính mới, nâng tổng số người chết tại nước này lên 1.408 và 22.141 trường hợp lây nhiễm mới.
Patrick Vallance, trưởng cố vấn khoa học Chính phủ Anh cho biết, hiện tại có khoảng 9.000 bệnh nhân nhiễm nCoV đang được điều trị tại các bệnh viện, tăng khoảng 1.000 ca mỗi ngày. Tuy nhiên, Vallance cho rằng, mức độ lây lan Covid-19 đang không tăng tốc tại nước này.
Thổ Nhĩ Kỳ thông báo thêm 37 người tử vong và 1.610 ca nhiễm nCoV mới, nâng tổng số người chết lên 168 và 10.827 ca dương tính sau 24 giờ.
Theo số liệu thống kê của Worldometer, tính đến 30/3 (theo giờ địa phương):
Đức ghi nhận thêm 104 ca tử vong và 4.450 người nhiễm, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 645 và 66.885 người nhiễm.
Bỉ cũng xác nhận 82 người chết và 1.063 người nhiễm mới, nâng tổng số ca lây nhiễm của nước này lên 11.899 và 513 người tử vong.
Thuỵ Sĩ thông báo thêm 59 người chết và 1.093 ca dương tính mới, nâng số ca tử vong lên 395 và 15.992 người nhiễm mới.
Hiện, trên toàn thế giới ghi nhận 784.381 ca nhiễm nCoV, 37.780 ca tử vong và 165.035 người hồi phục. Phần lớn số ca nhiễm và tử vong mới đều ở châu Âu.
-
6h35
Hơn 3.000 người Mỹ tử vong vì nCoV
Mỹ thông báo thêm 565 ca tử vong và 19.704 ca nhiễm mới, nâng tổng số người chết tại nước này lên 3.148 trường hợp và 163.195 ca dương tính với nCoV.
Với 163.195 người lây nhiễm, hiện Mỹ là quốc gia đứng đầu thế giới về số người nhiễm bệnh.
Theo CNN, ít nhất 256 triệu người Mỹ (chiếm 78%) thực hiện lệnh ở yên trong nhà hoặc đến nơi trú ẩn để phòng chống dịch. Nhiều bệnh viện ở Mỹ trở nên quá tải vì tiếp nhận hàng loạt bệnh nhân Covid-19.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gia hạn lệnh giãn cách xã hội đến hết 30/4, sau khi một quan chức y tế nước này cảnh báo: từ 100.000 - 200.000 người có thể chết vì Covid-19 tại Mỹ.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng vừa thông báo về trường hợp một người lính thuộc quân đội của New Jersey tử vong hôm 29/3 vì nCoV. Người này nhập viện hôm 21/3.
Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cho biết: "Hôm nay là một ngày buồn cho Bộ Quốc phòng khi phải mất đi thành viên trong cuộc chiến chống Covid-19. Đó là một tổn thất nặng nề cho quân đội, đồng nghiệp và gia đình".
-
6h00
Hơn 100.000 người Italy nhiễm nCoV
Giới chức trách Italy vừa thông báo thêm 812 người tử vong và 4.050 ca lây nhiễm mới, nâng tổng số người chết tại nước này lên 11.591 và 101.739 người nhiễm bệnh.
Với số liệu báo cáo, Bộ trưởng Y tế, ông Roberto Speranza tuyên bố lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ kéo dài "ít nhất cho đến Lễ Phục sinh (12/4)" để ngăn chặn dịch bệnh.
Italy là quốc gia có số ca tử vong vì nCoV cao nhất thế giới, trước đó chính phủ nước này quyết định phong tỏa toàn quốc trong 3 tuần (đến hết 3/4).
Trong 3 ngày gần đây, số ca lây nhiễm mới luôn ở mức 5.000 - 6.000. Số ca tử vong tăng đột biến từ 812 lên 11.591 trong vòng 5 tuần (chiếm hơn 1/3 số ca tử trên toàn cầu) và 3.981 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.
Andrea Crisanti, giáo sư vi sinh tại Đại học Padua, cho biết, đa phần các trường hợp mới lây nhiễm đều liên quan đến các thành viên trong gia đình.
"Để hạn chế lây nhiễm, chính quyền nên đưa những người có triệu chứng nhẹ đi cách ly tại các trung tâm, tách biệt họ với gia đình. Điều này đã được thực hiện ở Trung Quốc và dường như, các ca lây nhiễm làm giảm sự bùng phát", Andrea Crisanti nói.
Minh Phương tổng hợp