Tôi tự hào vì mình là người con của quê hương Kinh Bắc, còn tự hào hơn khi mình sinh ra ở một vùng quê được coi là “đất học”– Mão Điền (Thuận Thành, Hà Bắc). Khi tôi bắt đầu lên cấp ba, tôi đã ý thức được bản sắc của quê hương, tôi luôn trân trọng và mong mỏi được cống hiến phần nào cho quê hương, chí ít cũng không làm mất đi tiếng thơm của quê hương Mão Điền.
Nhắc đến Mão Điền, chắc hẳn bạn nào ở Bắc Ninh cũng đều hình dung ra quang cảnh quê hương tôi ra sao. Tôi cũng không còn lạ lẫm với câu “vùng đất chó ăn đá, gà ăn sỏi”, câu nói đó để ám chỉ những vùng đất nghèo, xơ xác, đìu hiu, kinh tế kém phát triển. Tôi không phủ nhận điều đó khi nghĩ về nơi chôn rau cắt rốn của mình.
Làng tôi không giống như những làng xã khác, người làng tôi ngoài trồng lúa ra, mấy tháng đầu năm, trai tráng khỏe mạnh thì vào miền Nam, miền Trung để bán cá con. Vì thế những ngày bình thường trong làng chỉ còn người già và trẻ nhỏ, phụ nữ thì đi bán, thu mua đồng nát. Thật xót xa thay, khi học cùng các bạn khác xã, Mão Điền chúng tôi luôn bị chê cười vì nghề bán đồng nát này.
Con người quê tôi có bản chất chất phác, tháo vát, tiết kiệm, chăm chỉ. Những bậc cha mẹ kiếm tiền chỉ dồn tiền vào cho con cái ăn học và mong cho những đứa con của mình sớm thoát nghèo, bước chân ra khỏi lũy tre làng, không còn khổ như bố mẹ chúng. Có những gia đình phải bán cả mảnh đất tổ tiên để lấy tiền cho con ăn học.
Tôi sinh ra trong gia đình mang những nét tiêu biểu của mảnh đất quê hương thân yêu, hơn thế lại là con cháu của dòng họ có truyền thống hiếu học. Các bậc ông bà, cha chú luôn nhắc nhở con cháu và có những hình thức khuyến học để thúc đẩy sự nghiệp học hành của thế hệ mai sau như chúng tôi. Đó cũng chính là chất xúc tác khiến tôi theo đuổi ước mơ làm giàu bằng con đường tri thức.
Ngay từ những ngày đầu bước chân vào trường cấp ba tôi đã xác định cho mình khối thi và ngành học trong tương lai. Nói ra thì ngày đó tôi thật quá trẻ con, tôi thích ngoại ngữ nhất là tiếng Trung. Tôi cũng không thể nhớ nổi là tự bao giờ văn hóa, ngôn ngữ, con người Trung Quốc lại có tác động sâu sắc với tôi như vậy. Tôi đã quyết định theo khối D gồm toán, văn, anh, khối này chỉ được coi là khối dự phòng của các anh chị khóa trên.
Tôi có chia sẻ thì đều nhận được những ý kiến phản hồi trái chiều, anh chị đều khuyên: “Mình ở nông thôn sao bằng các bạn thành phố hả em, các bạn ấy có điều kiện từ bé rồi, em không thi nổi đâu. Mà có vào được thì cũng chả đuổi kịp được trình độ, họ được đi học thêm nữa mà”.
Trong đầu con bé non nớt như tôi ngày ấy đâu có nghĩ sâu xa như vậy, chỉ nghĩ rằng mình mà đỗ, được học tiếng, mình sẽ có cơ hội được sang Trung Quốc, được giao lưu, được tiếp xúc với nền văn hóa được cho là lâu đời có ảnh hưởng tới thế giới. Rồi con người, thần tượng trong tôi, anh Thích Tiểu Long, một thần đồng Trung Quốc.
Thế là tôi bắt đầu tìm kiếm những lớp học thêm để ôn thi cho khối thi mà mình đã chọn. Nhưng được một thời gian học thêm, tôi thấy tiền học đắt quá, nhà tôi cũng không giàu có gì, mỗi lần xin tiền mẹ đi học mẹ lại gặng hỏi sao xin nhiều thế. Tôi quyết định nghỉ ở nhà tự ôn hai môn văn và toán, chỉ đi học tiếng Anh.
Những thí sinh trong trường theo khối chính là khối D rất ít, đếm trên đầu ngón tay, vì thế mà dân trong khối đều biết mặt nhau, chúng tôi rủ nhau đi học thêm tiếng Anh ở tận Phú Thị, ngoại thành Hà Nội. Những ngày ở lại học thêm tiếng Anh buổi chiều, sáng tôi dậy phụ giúp mẹ nấu cơm rồi tự chuẩn bị cho mình gói cơm nắm muối vừng.
Một ngày như vậy tôi phải đạp xe 40 km cả đi và về. Đối với một con bé thấp bé nhẹ cân như tôi thì đó là cả một sự nỗ lực. Tôi không dám chắc mình sẽ trụ nổi bao lâu, mà tiền học thêm tiếng Anh cũng rất đắt. Nhà tôi được cái trồng nhiều rau và một số cây ăn quả như chuối, bưởi, roi, ổi, tôi thường xin đi bán rau quả giúp mẹ để mẹ đi bán đồng nát kiếm thêm tiền rau dưa.
Nhà chỉ có hai chị em nên chúng tôi tự biết nhường nhịn nhau phân công lao động, những kỳ nghỉ hè dài tôi tạm gác những buổi đi chơi vi vu cùng bạn, ở nhà làm hàng mã kiếm thêm. Tôi tự thấy lực học mình cũng có hạn, dù lý trí mách bảo phải cố gắng nhiều hơn nữa, phải thức khuya để học bài nhưng những ngày đi học tiếng Anh như vậy đã cướp đi sinh lực của một con bé mi nhon như tôi.
Tôi đã bỏ lỡ một thời gian dài vì luôn đi ngủ sớm, và luôn thất bại khi không thể dựng mình dậy trong những ngày đông giá rét. Thời gian cứ trôi đi mãi có chờ đợi ai, những tưởng quyết tâm, vạch ra lựa chọn tương lai kỹ càng như vậy nhưng một điều không thể phủ nhận là một con bé mơ mộng như tôi đang quá xa vời thực tế.
Tôi phải tự kéo mình ra khỏi những suy nghĩ viển vông, mộng mơ của tuổi áo trắng hồn nhiên với những suy nghĩ trẻ con theo kiểu: trắng ngây thơ, hồng mộng mơ, xanh hy vọng. Rõ ràng là tôi đã bị bỏ xa kiến thức so với các bạn, nhưng những ngày phải đăng ký trường thi cũng tới.
Tôi không mất quá nhiều thời gian để tra cứu các trường như các bạn vì tôi đã nhắm cho mình ngôi trường trong mơ từ rất lâu. Nó quá cao so với lực học của tôi, nhưng với tham vọng bản thân và quan điểm: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối. Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Tôi đã nhắm mắt đưa tay ghi liều. Quả thật, tôi trượt.
Nhưng với suy nghĩ tuổi trẻ chả bao giờ thắm lại nên tôi quyết định không ôn lại mà chọn nguyện vọng 2 vào một trường đạo học bình thường khác rồi tìm hướng đi mới. Những ngày đầu bước chân lên giảng đường của một ngôi trường không phải trong mơ, tôi không khỏi luyến tiếc, và một chút gì đó xót xa.
Nhưng “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” đành vậy chấp nhận sự thật, hãy quên than vãn: “Thay vì than vãn về bụi hồng có gai. Hãy mỉm cười vì bụi gai có hoa hồng”. Tôi đã cố gắng học hỏi trau dồi kiến thức ngoại ngữ một của mình là tiếng Trung và cũng không quên ngoại ngữ hai là tiếng Anh.
Tôi tự thấy rằng học ngoại ngữ cũng cần học thêm một ngành khác về kinh tế thì vẫn hơn. Vì dù sao ngoại ngữ cũng chỉ là một công cụ giao tiếp không phải nghề. Tôi đã lựa chọn học song bằng kế toán. Thực ra khi con người ta lớn lên thì suy nghĩ cũng thay đổi dần theo năm tháng.
Trước kia tôi chưa bao giờ, thậm chí không bao giờ nghĩ mình có duyên với những con số và sổ sách hay những công việc tỉ mỉ. Nhưng giờ đây tình yêu với những con số trong tôi đang đâm chồi nảy lộc và tôi tin nó sẽ đơm hoa kết trái. Tôi mong muốn được gia nhập, là thành viên của các công ty nước ngoài, tuy rủi ro cao nhưng tôi vẫn thích được trả lương tính bằng USD.
Được biết những công ty như vậy luôn chú trọng sinh viên có kinh nghiệm làm thêm và tham gia các hoạt động xã hội, chính vì thế mà tôi đã tham gia làm tình nguyện viên hiến máu tình nguyện với mong muốn giúp đỡ mọi người, và tích lũy, trau dồi phẩm chất thương người như thể thương thân, một truyền thống từ ngàn đời xưa để lại.
Song song với việc làm tình nguyện tôi vẫn chú ý tập trung vào chuyên ngành. Trong thời gian tôi tham gia tình nguyện tôi cũng gặp những người bạn Trung Quốc hay Anh, đó là lúc tôi cố gắng vận dụng vốn kiến thức ngoại ngữ ít ỏi của mình. Cùng một lúc làm nhiều việc như vậy tôi không thể đi làm thêm để phụ bố mẹ nhưng tôi vẫn thi thoảng lên chợ Đồng Xuân mua một số mặt hàng mỹ phẩm, đồ mà chị em phụ nữ thích để bán cho các bạn cùng lớp, trong xóm trọ.
Mặc dù chẳng kiếm được là bao song tôi vẫn không nghĩ rằng mình sẽ bỏ cuộc, tôi từng nuôi ý chí sẽ đi bán trà đá trong những ngày hè nóng nực, bán loại thức uống này một vốn bốn lời. Nhưng tôi suy nghĩ vẫn thấy hạn chế quá nhiều đối với một đứa con gái như tôi khi mà xã hội còn nhiều cạm bẫy và nguy hiểm luôn rình rập phía trước, tôi quyết không để mình sa ngã.
Tôi vẫn nhen nhóm một ngọn lửa hy vọng về tương lai phía trước. Không biết được con đường phía trước mình phải đi sẽ trải bao nhiêu chông gai và thử thách, tôi luôn lạc quan tin rằng tương lai luôn luôn và sẽ mãi do chính ta quyết định. Tôi đã cố gắng học hỏi thay đổi bản thân, từ bỏ sự nhút nhát hướng tới hòan thiện bản thân.
Và đến tận bây giờ khi tôi đã thấm nhuần lý tưởng “Phi thương bất phú”, tôi luôn kiên định lựa chọn con đường kinh doanh là con thuyền ước mơ của bản thân. Mặc dù tôi vẫn chưa ra trường, vẫn chưa biết tương lai thế nào nhưng tôi định hướng sẽ quay trở lại Bắc Ninh tạo dựng sự nghiệp. Thương trường khốc liệt dù sao cũng nên chăng “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.
Em trai tôi cũng đã lên đại học và cả hai chị em đều chọn cho mình con đường kinh doanh, nó cũng lập kế hoạch cho tương lai từ rất sớm. Tôi hy vọng mơ ước của hai chị em tôi sẽ thành sự thực với sự nỗ lực không ngừng của bản thân. Đó là niềm mong mỏi lớn lao của đấng sinh thành, và niềm tự hào của cả dòng họ, là hy vọng mang tên quê hương. Chúng tôi, những người con uống dòng nước mát của Mão Điền sẽ luôn sống và học tập không chỉ vì mình mà còn để rạng danh quê hương.
Nguyễn Thị Ngọc
Thể lệ cuộc thi viết "Tôi lập trình tương lai"
- Đối tượng tham gia: Là công dân đang sinh sống, học tập và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam có độ tuổi 16-30. - Bài viết dài không quá 2.000 từ. Không giới hạn số lượng bài dự thi của một người. - Người dự thi cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền bài dự thi của mình. - Bài dự thi phải là tác phẩm chưa được đăng trên các ấn phẩm báo, tạp chí. Ban tổ chức được quyền biên tập các bài dự thi. - Người dự thi gửi kèm bài dự thi, thông tin cá nhân của mình bao gồm: tên; ngày sinh; số CMT; địa chỉ và điện thoại liên hệ. - Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi gửi kèm ảnh của mình theo bài viết. - Cuộc thi do VnExpress.net, iOne.net và chương trình Cử nhân Top-up (ĐH FPT) phối hợp tổ chức. - Từ ngày 25/11/2011 đến 25/02/2012, bạn có thể gửi bài viết về: xahoi@vnexpress.net và nhipsong@ione.vnexpress.net. |