Trong cuộc đời ai cũng có ước mơ, nhưng quan trọng là bạn có đủ khả năng và niềm tin để thực hiện đến cùng điều bạn mơ ước không. Bất kể thời điểm nào cũng không là sớm hay muộn để lập trình cho tương lai. Hiện tại tôi học năm thứ tư đại học. Cách đây 6 năm tôi đã có một quyết định làm thay đổi cả cuộc đời đó là sẽ trở thành một nhà báo, và tôi đã và đang thực hiện kế hoạch của mình.
Tôi sinh ra trong một gia đình trung lưu tại một thị trấn nhỏ ở Hải Dương. Từ hồi bé tôi đã yêu thích văn học, tôi say sưa đọc các truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ. Tâm hồn tôi luôn bay bổng với những tưởng tượng phong phú, lãng mạn. Tất cả sẽ chỉ dừng lại ở mức một sở thích nếu như không có lần đó, tôi tình cờ đọc một câu chuyện trên tạp chí Tiền Phong.
Đó là câu chuyện về một phóng viên ảnh đã chụp được bức ảnh về một em bé châu Phi đang sắp chết gục vì đói, cách đó không xa một con kền kền đang chờ cậu bé chết để đến ăn xác. Người phóng viên sau đó đã đạt giải Pulitzer cho bức ảnh làm lay động cả thế giới nhưng lại tự tử vì day dứt và tuyệt vọng. Tôi đã khóc, tôi nhận ra cuộc sống có biết bao điều khiến mình không thể thờ ơ, vô cảm.
Một ý chí mạnh mẽ thôi thúc tôi phải khám phá thế giới để đem đến thông tin cho người khác, phải trở thành nhà báo, phải có được những tác phẩm đủ sức đạt giải Pulitzer. Tuy nhiên tôi đã vấp phải rất nhiều khó khăn, đặc biệt khi ấy tôi chỉ là một đứa con gái gầy còm, bé tẹo, cực kỳ nhút nhát.
Tất cả mọi người đều cho rằng tôi chẳng hề có một tố chất nào để làm báo. Tôi từng nản chí và nghĩ rằng mình đã lý tưởng hóa mọi chuyện. Nhưng cuối cùng tôi thể hiện sự kiên quyết của mình bằng việc viết ra mục tiêu lên một mảnh giấy, dán nó vào góc bàn học và vạch ra kế hoạch cụ thể cho những bước đi đến thành công.
Tôi có năng khiếu viết, tôi viết văn trôi chảy và có cảm xúc. Song điều ấy hẳn nhiên chỉ đủ để làm một cô học sinh giỏi chứ không đủ để làm nhà báo. Tôi đã tìm đọc nhiều sách báo, tạp chí nói về nghề báo, từ đó rút ra sơ lược những gì cần thiết phải chuẩn bị. Tôi đặt ra chiến lược ôn tập thật tốt Văn, Sử, Địa để thi vào Học viện báo chí và tuyên truyền.
Hàng ngày tôi dậy sớm để học bài vì thời gian này đầu óc rất tỉnh táo và tinh thần phấn chấn. Với Văn, tôi không phụ thuộc vào sách tham khảo mà tự mình viết theo cảm nhận rồi đưa cho cô giáo xem để sửa lỗi. Đối với môn Sử, ban đầu tôi thấy rất khô khan, khó học, nhưng sau đó tôi tự nhủ hãy nghĩ rằng mình là một nhà thông thái, mình muốn biết mọi thứ trên đời.
Vậy là tôi bắt tay vào phân chia từng giai đoạn, mỗi giai đoạn tôi lại điểm mặt những sự kiện, trận đánh, những con số. Dần dần tôi cảm thấy học Sử vô cùng thú vị, thậm chí xúc động như thể đang tái hiện lại lịch sử hào hùng của dân tộc. Ở môn Địa, tôi chuẩn bị sẵn quyển Atlat, bất kể học đến miền nào tôi đều thực nghiệm bằng bản đồ nên dễ nhớ được từng vị trí địa lý, đặc điểm vùng miền riêng và so sánh giữa chúng với nhau.
Nhờ chăm chỉ và phương pháp học tập đúng đắn tôi đã đỗ đại học với số điểm cao thứ nhì khoa, tuy nhiên, khó khăn lúc này mới thực sự bắt đầu. Tôi thấy mình thực sự kém cỏi, tôi quá nhút nhát trong khi làm báo đòi hỏi bạn phải có khả năng giao tiếp. Kiến thức xã hội của tôi lại quá yếu vì quanh năm chỉ biết chúi mũi vào sách vở. Vì thế tôi đã đặt ra mục tiêu là phải khắc phục nhược điểm đó của bản thân.
Tôi nhớ có câu nói: “Gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Tôi xây dựng cho mình thói quen quan sát, tìm hiểu, đánh giá, so sánh, đối chiếu, phát hiện, có cái nhìn đa diện và nhận thức nhạy bén đối với các sự kiện, sự việc, hiện tượng xảy ra trong thực tế, thôi thúc ý muốn tìm ra những nét bất thường, mới lạ trong cuộc sống bình thường.
Tôi học cách nói chuyện hòa đồng, thân thiện và tạo lập nhiều mối quan hệ xung quanh. Thầy giáo kêu gọi chúng tôi là để sách vở đấy và băng mình vào cuộc đời để viết nên những gì giá trị. Tôi đi làm thêm và tích lũy kiến thức thực tế. Không chỉ làm cộng tác viên cho báo Sinh viên, tôi còn thử làm phục vụ tại nhà hàng, làm nhân viên chuyển phát nhanh, PG, gia sư… Các công việc cho tôi kinh nghiệm và vốn liếng xã hội để làm chất liệu cho các bài viết. Tôi còn đặt ra mục tiêu học thật giỏi tiếng Anh để có thể giao tiếp tốt trong nhiều hoàn cảnh như đi du lịch, đi tác nghiệp ở nước ngoài.
Dần dần tôi càng nhận ra nghề báo không phải dành cho những người thích nhàn hạ, hay ba hoa sáo rỗng. Nếu bạn không đổi mới và thích ứng với nhịp sống xã hội, bạn chẳng thể trở thành một nhà báo thành công. Tôi từng suýt nữa bị đuổi khỏi phòng trọ vì viết bài về tình trạng o ép sinh viên của chủ nhà, từng bị nhầm tưởng là gái bán hoa trong một lần thực hiện phóng sự về cuộc sống đêm Hà Nội, từng phải đi bộ nhiều cây số đến các bản làng xa xôi trên tận Sapa để tìm hiểu cuộc sống con người nơi đây.
Tôi cũng từng đứng cả ngày ở trạm xe buýt để lật tẩy các thủ đoạn móc túi tinh vi của các những kẻ xấu. Một lần tôi còn bị đánh vì dám chụp lại cảnh một số thanh niên xúm vào hôi của người bị tai nạn trên đường. Tất cả trở thành những kỷ niệm xương máu và không thể nào quên.
Nhiều khi về đến nhà mệt mỏi nhưng tôi phải chạy ngay đến bên chiếc máy tính để gõ ngay những dòng tin tức nóng hổi, những bình luận đánh giá về một vấn đề mình quan tâm, trăn trở. Quan trọng nhất tôi không cảm thấy nhụt chí mà càng hăng say và yêu thích công việc của mình nhờ vào việc xác định trước kế hoạch học tập, phấn đấu.
Tôi sắp ra trường và sẽ trở thành một phóng viên. Những mục tiêu của tôi đang dần trở thành hiện thực. Tôi biết để đến được với thành công, với giải Pulitzer phải phấn đấu thật nhiều, nhiều nữa, có khi là cả cuộc đời. Nhưng ngay lúc này tôi cảm thấy hạnh phúc vì đã chiến thắng bản thân và dám theo đuổi mơ ước. Còn bạn, bạn có ước mơ không? Hãy lập trình để có một tương lai hoàn hảo theo ý bạn.
Đàm Thị Ngọc Mai
Thể lệ cuộc thi viết "Tôi lập trình tương lai"
- Đối tượng tham gia: Là công dân đang sinh sống, học tập và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam có độ tuổi 16-30. - Bài viết dài không quá 2.000 từ. Không giới hạn số lượng bài dự thi của một người. - Người dự thi cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền bài dự thi của mình. - Bài dự thi phải là tác phẩm chưa được đăng trên các ấn phẩm báo, tạp chí. Ban tổ chức được quyền biên tập các bài dự thi. - Người dự thi gửi kèm bài dự thi, thông tin cá nhân của mình bao gồm: tên; ngày sinh; số CMT; địa chỉ và điện thoại liên hệ. - Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi gửi kèm ảnh của mình theo bài viết. - Cuộc thi do VnExpress.net, iOne.net và chương trình Cử nhân Top-up (ĐH FPT) phối hợp tổ chức. - Từ ngày 25/11/2011 đến 25/02/2012, bạn có thể gửi bài viết về: xahoi@vnexpress.net và nhipsong@ione.vnexpress.net. |