Thứ hai, 25/11/2019, 00:00 (GMT+7)

Khi ‘thằng Cụt’ trở thành ‘kình ngư không chân’

'A thằng cụt, thằng cụt kìa', là cách mà những đứa trẻ trong xóm gọi Lợi, nhưng cậu bé chỉ cười vì: 'Chúng gọi đúng mà!'.

"Ê Cụt, mày cũng đi bơi á?"

7 giờ sáng, Nguyễn Hồng Lợi (32 tuổi, TP HCM) - vận động viên bơi lội khuyết tật - đến hồ bơi luyện tập trước khi bắt đầu ngày làm việc. Năm 18 tuổi, Lợi bắt đầu tập bơi trong sự tò mò của mọi người xung quanh bởi hai chân cậu cụt đến trên đầu gối.

Vận động viên khuyết tật Nguyễn Hồng Lợi. 

Giữa các môn thể thao, Lợi chọn bơi lội vì không muốn đuối nước khi tắm sông. "Nhà mình ở ngay gần sông Thủ Thiêm, hồi nhỏ hay được các anh dẫn ra sông chơi. Nhưng lúc đó mình nghĩ thân hình như vậy có bơi được không, nếu lỡ bị nước cuốn đi phải làm sao... Mọi câu hỏi cứ quẩn quanh trong đầu cho đến khi mình quyết định đi học bơi".

Với người bình thường, tập bơi chẳng có gì khó, nhưng với Lợi - một người sinh ra bị dị tật bẩm sinh, khuyết thiếu hai chân và tay phải, đây là chuyện bất thường.

Không quan tâm đến những ánh mắt hiếu kỳ, Lợi mạnh dạn xin thầy cho học. Chăm chỉ, chịu khó và khắc phục những nhược điểm của bản thân, 5 ngày sau, "thằng Cụt" biết bơi.

Bơi là môn thể thao cần sự vận động và phối hợp nhịp nhàng của chân và tay, nhưng vì thiếu ¾ bộ phận, việc học bơi với Lợi không dễ: không dễ đẩy người về phía trước, không dễ giữ cho cơ thể bơi thẳng...

Ngày đầu mới tập, Lợi mỏi cơ, mỏi tay và cơ thể đau rã rời, nhưng vì đam mê và không muốn bị chìm khi xuống nước, Lợi cắn răng vượt qua để chứng tỏ: "Không điều gì mà thằng Cụt không làm được!"

Song hành cùng việc tập bơi, anh dành ba buổi/ tuần để đến phòng tập gym, mỗi buổi kéo dài khoảng 90 phút với những bài tập đơn giản nhằm hỗ trợ cho cánh tay và vai không bị mỏi trong quá trình bơi.

Sau 4 năm luyện tập, tháng 7/2009, Hồng Lợi được lựa chọn vào đội tuyển bơi TP HCM để tham gia Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc tại Quảng Trị. Trong lần thi đấu năm đó, anh đoạt hai huy chương bạc ở nội dung 100 m và 200 m bơi tự do dành cho người khuyết tật.

Không dừng bước, 8x bắt đầu tham dự tại nhiều giải đấu trong nước, quốc tế dành cho người khuyết tật. Năm 2014, vận động viên Nguyễn Hồng Lợi cùng đoàn thể thao người khuyết tật tham dự ASEAN Para Games tại Myanmar và giành được huy chương đồng ở nội dung bơi lội hạng thương tật S6 100 m tự do nam. Tham gia nhiều cuộc thi, "bộ sưu tập" huy chương của anh chàng lên đến hơn 30 chiếc với đủ vàng, bạc, đồng.

Tháng 5/2018, anh tiếp tục tham gia thử thách Iron Man tại Đà Nẵng (cuộc thi bơi trên biển). Tham dự giải đấu, "kình ngư không chân" mong muốn "vẫy vùng" trong làn nước biển xanh ngắt. Lo lắng, do dự và nghĩ bản thân có thể bỏ cuộc giữa chừng, nhưng cuối cùng 8x vui mừng khi hoàn thành bơi 1,9km trên biển - điều từ trước đến giờ Lợi chưa từng nghĩ đến.

Hỏi về động lực khiến chàng kình ngư mạnh mẽ tiến về phía trước, Hồng Lợi nhắc đến mẹ, đến bác - hai người luôn ở bên dìu dắt, động viên và cổ vũ cho đứa con thiệt thòi khi mới lọt lòng.

14 năm "chung tình" với bơi lội, chưa bao giờ "kình ngư không chân" nghĩ quyết định học bơi là một sai lầm. Khi ở dưới làn nước trong xanh, Lợi được là chính mình, được thỏa sức theo đuổi đam mê và muốn chứng minh cho mọi người thấy: Cụt đi bơi có gì sai?".

Hiện tại, không tham gia thi đấu, anh chàng dạy bơi để thỏa niềm đam mê với bơi lội.

'Tôi là một người bình thường!'

Là con thứ hai trong gia đình có ba anh em trai, ngay từ khi sinh ra Lợi đã bị dị tật bẩm sinh, khuyết thiếu hai chân và tay phải. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, thương em, thương cháu, bà Nguyễn Thị Nghĩa (chị gái của mẹ Lợi) nhận anh về nuôi. Để nuôi con, nuôi cháu, ngày ngày bà Nghĩa ẵm Lợi đi bán vé số. Ngày nhiều tiền thì mua sữa cho cháu, ngày ít thì bác cháu lại bữa rau, bữa cháo sống cho qua ngày.

Hồng Lợi cùng mẹ. 

Cứ vậy, cậu bé Hồng Lợi lớn lên trong tình cảm của bác ruột và bà con quanh chợ.

"Ngày bé thấy bọn trẻ con trong xóm hay gọi mình là 'thằng Cụt/ Cụt Cụt' mình thấy bình thường, nghe cũng đáng yêu. Lớn lên một chút, khi nhận thức được, mình cũng chẳng thấy bực vì họ gọi đúng chứ đâu có sai", Lợi nhớ lại.

Tốt nghiệp cấp 2, nhận thấy không thể học tiếp, Lợi nghĩ đến việc làm điều bản thân mong muốn. 

Và rồi "nghề chọn người". Tình cờ gặp được họa sĩ, nhà thiết kế thời trang Sĩ Hoàng - người đã truyền cảm hứng và giúp Lợi đến với hội họa - trong một buổi triển lãm, Lợi đã bén duyên với nghề vẽ áo dài từ đó. 

Thấy sự ham mê và hiếu học của Hồng Lợi, nhà thiết kế Lê Sĩ Hoàng đồng ý hướng dẫn và dạy học miễn phí cho 8x. Từ những nét vẽ nguệch ngoạc, những lần pha màu sai tỉ lệ... "chàng kình ngư không chân" bắt đầu cảm được nét bút trên vải. 

Sau hơn một năm học nghề, Lợi bắt đầu thuần thục với màu mực, khuôn hình và tạo nên những sản phẩm ưng ý. Giờ đây, sau gần 11 năm theo nghiệp vẽ trên áo dài, Hồng Lợi cùng một người bạn đã tự mở cho mình một cửa hàng áo dài riêng, song hành với vai trò một thầy giáo dạy bơi.

Từ một người bị khuyết thiếu hai chân và một tay, từng chịu không ít lời đàm tiếu của mọi người xung quanh, Hồng Lợi luôn giữ cho mình sự vui vẻ, nghe những điều mình muốn nghe, làm những điều mình thích thay vì ảnh hưởng từ mọi người xung quanh.

Nghĩ lại chặng đường đã trải qua, 'kình ngư không chân, gymer một tay hay thằng Cụt' Nguyễn Hồng Lợi luôn khẳng định: Nếu không bị dị tật bẩm sinh, nếu không có những khó khăn, thử thách sẽ chẳng bao giờ có một Hồng Lợi của ngày hôm nay. Một người bình thường và làm mọi việc bình thường như bao người khác.

- Anh có từng mơ ước có một đôi chân lành lặn?

- Suy nghĩ đó chưa từng xuất hiện trong đầu mình bởi, nếu có chân, chưa chắc đã có được một Nguyễn Hồng Lợi như ngày hôm nay. 

Thúy Quỳnh

Ảnh: NVCC