Tòa tháp chọc trời ở trung tâm thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc rung chuyển không rõ lý do vào chiều 18/5 khiến hàng nghìn người hoảng loạn bỏ chạy. Cục Quản lý khẩn cấp thành phố nhanh chóng loại bỏ nguyên nhân động đất gây ra tình trạng chao đảo của tòa nhà 20 năm tuổi, cao 355m với 79 tầng. Hiện các kỹ sư đang kiểm tra và yêu cầu không ai được phép vào trong.
Dù chưa có báo cáo thương vong hay thiệt hại tài sản, vụ rung lắc khiến mạng xã hội xôn xao. Các bài đăng trên Twitter hút hơn 780 triệu lượt xem và hàng trăm nghìn bình luận.
![]() |
Người dân tập trung gần tháp SEG Plaza ở Thâm Quyến. |
Chen Wei, một nhà cung cấp ổ cứng tại SEG Electronics Market trực thuộc SEG Plaza, cho biết anh không cảm thấy rung lắc nhưng được yêu cầu rời khỏi tòa nhà cùng những người khác. "Một trong những người bạn của tôi đang ở trong tòa nhà và nhận thấy các chai nước trên bàn bắt đầu rung chuyển" Chen nói và thêm rằng tòa nhà kế bên cũng được sơ tán và giao thông đường bộ tạm thời bị phong tỏa.
Còn Ji Jialin, quản lý ở tầng 14 của tòa nhà nói tình huống khẩn cấp xảy ra vào giờ nghỉ trưa của cô. "Có vẻ như rung lắc không mạnh từ tầng 14. Tất cả chúng tôi thoát ra ngoài bằng thang bộ", cô nói. Giao thông tắc nghẽn trong nhiều giờ.
Một giả thuyết được đưa ra bởi Lu Jianxin, kỹ sư trưởng của Tập đoàn Khoa học và công nghiệp Xây dựng Trung Quốc, cho rằng rung chuyển có thể là do tác động "cộng hưởng" - xảy ra khi dao động tự nhiên của một cấu trúc kết hợp với ngoại lực.
Ông Lu nói: "Nếu không bởi động đất thì SEG Plaza rung lắc như như vậy là tình trạng bất thường. Đánh giá từ những thông tin hiện có, tôi cho rằng đây có thể là một trùng hợp ngẫu nhiên về tần số, hay còn gọi là cộng hưởng".
Lu nói thêm vụ việc đang được các nhà chức trách điều tra. Chuyên gia cho rằng rất hiếm khi các tòa nhà chọc trời chao đảo đến độ người ta có thể cảm nhận được.
![]() |
Người dân tháo chạy khi tháp SEG Plaza ở Thâm Quyến bị rung lắc hôm 18/5. |
Trong khi đó, nhiều người dùng lo lắng về các tiêu chuẩn xây dựng của công trình. "Thâm Quyến không nên sử dụng tiếp tòa nhà rung chuyển này. Hãy dỡ nó đi", một người bình luận. "Ở các thành phố giờ đây, không có gì đảm bảo về chất lượng của những tòa nhà chọc trời này", người khác nói.
Khung cảnh người dân tháo chạy.
Hồi tháng 5/2020, khách sạn 5 tầng dùng để cách ly ở thành phố Tuyền Châu bị sập khiến 29 người thiệt mạng, do xây dựng kém chất lượng. Các tiêu chuẩn xây dựng kém gây ra cuộc tranh cãi gay gắt, bị ví như "nhà đậu phụ" gây ra thảm họa và chết chóc.
SEG Plaza được khánh thành vào năm 2000, là nơi đặt trụ sở của Tập đoàn điện tử Thâm Quyến (Shenzhen Electronics Group - SEG). Cho đến nay, Trung Quốc chưa có tòa nhà chọc trời nào bị sập, tuy nhiên, kể từ năm 2020, việc xây dựng các tòa nhà cao hơn 500 mét đã bị cấm. Trung Quốc có 5 trong số những tòa nhà chọc trời lớn nhất thế giới, trong đó có Tháp Thượng Hải 128 tầng và cao 632 mét.
Huyền Anh (Theo SCMP, AFP)