Thứ sáu, 31/7/2020, 18:06 (GMT+7)

Lũ lụt kinh hoàng chưa từng thấy ở Bangladesh

1/4 đất nước chìm trong nước lũ, gần 100 người chết và hơn 3 triệu người bị mất hết nhà cửa, tài sản...

Những cơn mưa xối xả nhấn chìm ít nhất 1/4 lãnh thổ Bangladesh, cuốn trôi tài sản của những người dân nghèo gần như nhất thế giới - bao gồm dê, gà, nhà tranh và bao tải cho mùa thu hoạch.

Lũ lụt là thiên tai mới nhất tấn công quốc gia 165 triệu dân. Chỉ hai tháng trước, cơn siêu bão ập xuống phía nam nước này, nuốt chửng nhiều ngôi làng. Tình trạng khủng hoảng do lũ kéo dài từ đầu tháng 7 được so sánh với trận lụt xảy ra ở nước này hồi năm 1998 khiến hàng nghìn người chết và mất tích.

Lũ lụt ở Bogura, Bangladesh vào giữa tháng Bảy. Ảnh: Reuters.

Chính quyền cho biết, cho đến nay ít nhất 129 người thiệt mạng, trong đó nhiều trẻ em chết đuối. Lũ lụt còn khiến 3 triệu người bị ảnh hưởng, hàng trăm nghìn người khác bị mắc kẹt, 15.612 ngôi nhà tại 8 huyện bị nhấn chìm, cuốn trôi. Ở khu vực phía bắc Rangpur, 4 ngôi làng hoàn toàn bị "xóa sổ".

6 con sông ở miền trung Bangladesh, gồm Dhaleswari, Shitalakkhya, Balu, Turag, Kaliganga và Tongi Khal tiếp tục dâng cao làm ngập nhiều khu vực ở thủ đô Dhaka và các vùng lân cận. "Trận lũ lụt đã diễn ra trong ít nhất 20 ngày. Và nó có khả năng còn tiếp diễn tuần đầu tiên của tháng 8", Udoy Raihan - Phó Giám đốc Trung tâm Cảnh báo và Dự báo lũ lụt của Bangladesh (FFWC) cho biết. Ông nói thêm mưa lũ thậm chí có thể tồi tệ hơn.

Saleemul Huq - người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu biến đổi khí hậu - mô tả: "Bangladesh đang hứng chịu một cuộc khủng hoảng 'tay ba' gồm bão, Covid-19 và lũ lụt. Hàng triệu người bị ảnh hưởng một, hai hoặc cả ba thảm họa này. Trước mắt là một viễn cảnh thực sự khó khăn", ông nói.

Hiện Bangladesh ghi nhận 237.661 ca nhiễm nCoV và hơn 3.100 ca tử vong.

Làng Char Sangrampur ở Lauhajang, Munshiganj chìm trong nước lũ hôm 29/7. Ảnh: Newage.

Hơn nửa triệu người và động vật vẫn bị mắc kẹt trong nước lũ, đặc biệt là ở quận Kurigram. "Tôi lo lắng cho hai con bò nhà mình. Nó là nguồn thu nhập duy nhất tôi có. Tôi không thể để nó ở đây", Sufia Begum nói với AFP khi đang đứng giữa ngôi nhà ngập nước.

Mohammad Syed (45 tuổi), quận Bogra ở miền bắc Bangladesh, nói gia đình họ đã quen cảnh "sống chung với lũ" nhưng mùa lũ năm nay có sức tàn phá thảm khốc. "Chúng tôi chưa chứng kiến trận lụt kinh hoàng nào như năm nay. Nước lũ nhấn chìm ngôi nhà nhanh đến mức chúng tôi buộc phải chạy nhanh nhất có thể. Tôi không thể tưởng tượng được điều gì xảy ra với ngôi nhà và đồ đạc nữa", anh nói trên UCA News.

Syed sống dựa vào trồng trọt nông nghiệp trên hai mẫu đất của gia đình. Anh vô cùng lo lắng về cuộc sống của các thành viên sau khi lũ rút. "Lũ lụt năm nay tàn phá mạnh nhất. Không chỉ nhà cửa, nó còn tàn phá mùa màng và chặt đứt mọi kế sinh nhai của những người như chúng tôi", anh nói.

Syed chia sẻ, những người nông dân được nhận hỗ trợ khoản vay 50.000 taka (khoảng 590 USD) từ một tổ chức phi chính phủ để trồng lúa và hoa màu. Nhưng rồi lũ lụt đã cuốn trôi tất cả. "Vì Covid-19, tôi đã phải chi tiêu nhiều hơn do giá hạt giống và phân bón tăng theo. Tôi mong đợi vụ thu hoạch và được giá, nhưng giờ mọi thứ ở dưới nước. Tôi rất lo lắng, không biết khắc phục tổn thất mùa vụ và trả khoản vay thế nào", anh nói.

Thủ đô Bangladesh ngập nước vào cuối tháng 7. Ảnh: AFP.
Người phụ nữ nông thôn lội qua một con đường ngập nước ở quận Jessore. Ảnh: UCA News.
Người đàn ông đưa cừu đến nơi an toàn vì ngôi làng Chhangachha lụt nghiêm trọng. Ảnh: UCA News.

Thakur Chondro Barmon (35 tuổi), một thợ cơ khí kiêm cắt tóc, đến từ vùng Taraganj, quận Rangpur, đang trong tình trạng tuyệt vọng. Ông bố hai con chia sẻ mình không mất nhà nhưng một mẫu lúa của gia đình anh bị cuốn trôi. "Vì Covid-19, thu nhập của tôi từ nhà máy cơ khí bị giảm đáng kể. Tôi dành 20.000 taka để trồng lúa, nhưng cuối cùng mất trắng. Thật không biết tương lai sẽ thế nào", Barmon nói. Anh nói thêm, con trai và con gái anh đều bị sốt.

Lũ lụt ở Bangladesh
 
 
Cuộc sống khốn khổ của người dân Bangledesh trong lũ. Video: Ruptly.

Bangladesh là quốc gia nằm ở vùng trũng của hệ thống đồng bằng sông lớn nhất thế giới đổ ra vịnh Bengal. Vị thế này khiến nó dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai như lốc xoáy, lũ lụt và xói mòn. Lũ lụt là thiên tai hàng năm phổ biến tại nước, khiến hàng trăm người thiệt mạng, phá hủy mùa màng và kế sinh nhai. Đây là nguyên nhân chính gây ra nghèo đói cho 1/4 dân số của quốc gia hơn 165 triệu người.

Huyền Anh (Theo New York Times, UCA News, AFP)