Thứ bảy, 7/11/2020, 15:00 (GMT+7)

Lứa sinh viên tốt nghiệp năm 2020: Thế hệ 'điên đảo' vì đại dịch

Đối với các sinh viên Trung Quốc mới tốt nghiệp, tương lai chưa bao giờ khó đoán định như thế.

Tác giả Chen Yuxing của Sixthtone viết về chân dung thế hệ vừa tốt nghiệp đại học năm 2020 và cách họ ứng biến, xoay xở để phù hợp với thời Covid-19.

"Hồi đầu năm nay, tôi chuẩn bị bước vào học kì cuối hệ cử nhân ở Đại học Soochow, miền đông Trung Quốc. Theo dự định, hè năm nay tôi sẽ chuyển đến London để bắt đầu học sau đại học về nhiếp ảnh - một cơ hội thú vị chắc chắn sẽ mang lại nhiều định hướng cho tương lai tôi. Rồi Covid-19 đến, mọi thứ thay đổi.

Khắp Trung Quốc, các cửa hiệu đóng cửa, nhà máy ngừng hoạt động, trường học không mở cửa. Sau đó, điều tương tự cũng xảy ra trên toàn thế giới - toàn bộ xã hội dường như tạm dừng.

Tôi cực kì lo lắng. Tôi buộc phải hoãn chương trình học và nỗi lo về tương lai ăn sâu vào tâm trí tôi. Tôi cảm giác như các sinh viên tốt nghiệp năm nay sẽ phải gánh vác nhiều thứ hơn các thế hệ khác. Mặc dù chỉ có thể liên lạc với bạn bè qua internet, tôi biết họ đang trải qua những nỗi lo lắng tương tự. Tương lai thật mong manh và khó đoán định. Trong suốt học kì xuân, các lớp đều học online, và buổi triển lãm đồ án tốt nghiệp của sinh viên năm cuối đều bị huỷ bỏ trước khi chúng tôi nhận ra, các bài kiểm tra cuối cùng đã trôi qua. Thông thường, những sinh viên mới tốt nghiệp như chúng tôi sẽ tận hưởng "giai đoạn nghỉ" – một mùa hè vui vẻ cuối cùng trước khi bước vào đời. Nhưng khi các trường học vẫn đóng cửa, mỗi chúng ta lại thấy cô đơn và phải đối diện với thực tại khắc nghiệt mới: ít việc làm, cạnh tranh khốc liệt để học sau đại học, và ít cơ hội du học hơn.

Một khảo sát gần đây của The Paper và tập đoàn Tencent cho thấy thế hệ sinh viên 2020 bị ảnh hưởng nhiều đến thế nào. Tính đến cuối tháng 9, chưa đến một nửa số sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Trong số những người có việc, phần lớn bắt đầu tìm việc trước đại dịch.

Vào tháng 10, tôi gặp lại một số bạn học thời đại học và cuộc gặp gỡ này giúp tôi hiểu ra cuộc sống của mọi người đã thay đổi nhiều đến thế nào. Tôi quyết định ghi lại hành trình này. Trong một vài tuần sau đó, tôi đi khắp miền đông Trung Quốc, ghi lại câu chuyện và hình ảnh của 13 sinh viên mới tốt nghiệp. Đối với tôi, những hình ảnh này là rất quan trọng và quý giá.

-------

Zhang Guyue trượt kì thi sau đại học đầu năm nay. Trong đợt dịch, anh cảm thấy lo lắng và thất vọng. Khi tốt nghiệp, anh đi làm tại một công ty thuốc lá ở tỉnh Giang Tô. Nhưng anh vẫn muốn tiếp tục học về radio và TV. Anh cho biết: "Vì cuộc cạnh tranh khi thi hệ sau đại học gay gắt hơn rất nhiều, đặc biệt là trong ngành của tôi, đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến tôi cả năm nay", anh nói.

Zhang chọn cách thi vào khoá học bán thời gian bên cạnh đi làm. Nỗi lo về bài thi và sự cô đơn khi phải về nhà một mình chiếm lĩnh tâm trí anh. Anh hi vọng rằng mọi việc sẽ tốt hơn trong tương lai.

----------

Zhang Yingyue đã tốt nghiệp Khoa Phát thanh truyền hình vào hè năm nay, song cô vẫn cảm thấy dang dở. Trường Zhang theo học huỷ lễ tốt nghiệp vì đại dịch và bộ phim ngắn cô mất nửa năm để thực hiện không bao giờ được chiếu.

Cô "có một chân" trong chương trình sau ĐH ở King’s College London, nhưng vẫn còn một vấn đề. Trước khi tham gia học, cô cần vượt qua bài thi tiếng Anh, nhưng tất cả các trung tâm thi IELTS của Trung Quốc đều đóng cửa. Cô liều bay sang Thái Lan để thi. Sau khi vượt qua, cô bắt đầu theo học chương trình mới và hoàn toàn học online. "Đại dịch đã làm ảnh hưởng đến các quyết định của tôi trong năm nay", cô bộc bạch.

-------

Cao Panpan là một trong những sinh viên may mắn đỗ vào chương trình học thạc sĩ. Cô đang hoàn thành nốt chương trình cử nhân ở Khoa Nông nghiệp, Đại học Dương Châu. Cao cho biết: "Trường thay đổi bài thi sau đại học từ trực tiếp sang online thật ra là một điều có lợi cho tôi". Đại dịch hiện chưa ảnh hưởng nhiều đến cô song Cao vẫn lo lắng về việc làm sau khi ra trường.

------

Đại dịch cũng không tác động quá nhiều đến Xu Xiangfeng. Ngay sau khi tốt nghiệp Khoa quảng cáo, anh có việc làm ở một công ty truyền thông tại thành phố Hàng Châu. "Khi đi tìm việc, tôi không cảm thấy quá áp lực. Kinh nghiệm thực tập giúp tôi có thêm lợi thế so với các bạn đồng trang lứa", Xu nói.

Ngành công nghiệp quảng cáo của Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ sau khi chững lại hồi đầu năm. Xu thường xuyên phải làm việc đến đêm, nhưng anh nhanh chóng thích nghi được với lịch trình. Xu nói thêm: "Cho đến giờ tôi vẫn hài lòng. Tôi cảm thấy vẫn còn nhiều thứ cần học. Có thể trong 1 - 2 hay 3 năm nữa, tôi sẽ cân nhắc chuyển đến một thành phố khác như Thượng Hải".

-------

Gao Kaiyi lại gần như cắt toàn bộ liên lạc với thế giới bên ngoài vào đầu năm nay. Cha mẹ cô lo lắng về đại dịch nên cấm cô ra khỏi nhà. Ở trong nhà liên tục cùng áp lực về cuộc sống sau khi tốt nghiệp đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý Gao.

Cô cho biết: "Tốt nghiệp giống như một tai nạn mà tôi biết chắc chắn sẽ xảy ra". Với sự giúp đỡ của người thân, Gao có được việc làm ở một tờ báo địa phương. Tuy nhiên, mức lương thấp hơn nhiều so với dự kiến của cô. Giờ đây, cô đang cảm thấy áp lực vì tương lai. Cô lên kế hoạch tiết kiệm tiền và học thêm các kĩ năng mới.

-------

Pan Haotian dự định đi thực tập đầu năm 2020. Nhưng khi đại dịch "gõ cửa", anh ở nhà nhiều tháng, hiếm khi gặp ai. Khoảng thời gian cách ly kéo dài khiến sinh viên ngành quảng cáo vướng phải khó khăn. "Khi quay lại trường học, tôi gặp lại tất cả các bạn học, nhưng tôi thấy lạ lẫm".

Hồi tháng 5, khi đại dịch được kiểm soát ở Trung Quốc, Pan có được việc làm ở đúng ngành mình. Nhưng anh thấy giao tiếp trong văn phòng khá khó khăn, sau đó bỏ việc. Tự thấy mình mắc kẹt trong thị trường việc làm khan hiếm, Pan cảm thấy lo lắng. Nếu không tìm được việc gì đó sớm, anh sẽ phải cạnh tranh với lứa tốt nghiệp năm 2021 – và anh sẽ ngày càng "thiếu thu hút" hơn trong mắt các nhà tuyển dụng.

Anh sau đó từ bỏ việc làm liên quan đến ngành học và vào làm ở một công ty đầu tư ở Giang Tô. Anh đang trau dồi kiến thức về đầu tư và lên kế hoạch cho tương lai.

-------

Sau khi tốt nghiệp ngành thiết kế, Zhang Qingyi dự định sang Anh để học thêm. Covid-19 khiến gia đình cô không thể thanh toán được nợ kinh doanh, dẫn đến tình trạng khó khăn về tài chính. Kế hoạch du học của Zhang đành phải bỏ dở, và cô phải làm nhiều việc hơn ở nhà.

Giờ đây, khi công ty gia đình cô bắt đầu khởi sắc trở lại, Zhang tiếp tục chuẩn bị ứng tuyển du học năm sau. Cô nóng lòng tìm được việc ở Giang Tô để có thể tự chu cấp và tiết kiệm để tiếp tục đi học. "Mọi việc đang khó khăn hơn. Nhưng sẽ tốt hơn trong tương lai", cô nói.

-------

Ni Xueyan thi vào chương trình sau đại học ngay giữa đại dịch. Anh đỗ nhưng không được trường chọn vào thời điểm đó. Không có kinh nghiệm làm việc và lo lắng về tình hình thị trường việc làm sau đại dịch, Ni quyết định thi lại lần nữa. Năm nay, số lượng thí sinh đông gấp đôi bình thường. Ni vẫn hi vọng có được một suất trong khoa thiết kế hình ảnh truyền thông ở một trường nào đó.

------

Zhao Fengmi là một nghiên cứu sinh năm cuối chương trình đào tạo cử nhân, tập trung nghiên cứu chủ nghĩa xã hội khoa học. Cô cảm thấy đại dịch không ảnh hưởng lớn đến sinh viên cùng ngành cô, vì hầu hết đều trở thành giáo viên hoặc tiến sĩ. Các sinh viên muốn làm ở các tập đoàn nhà nước hoặc chính phủ có thể bị ảnh hưởng. Zhao cho biết: "Đại dịch khiến chính phủ tập trung nguồn lực vào tuyển những người dân thường năm nay".

Song cuộc sống sinh viên ngày càng khó khăn. Trường Zhao tiếp tục tăng ngưỡng tốt nghiệp. Cô cảm thấy người trẻ cần phải bon chen và làm việc vất vả để có được tương lai tươi sáng.

-------

Vào năm cuối chương trình đào tạo sau đại học, Yang Chen có 2 lựa chọn: dạy học ở trường cấp 3 địa phương hoặc tiếp tục học sau đại học. Anh chọn học tiếp, và hiện theo học chuyên ngành giảng dạy ở Đại học Dương Châu. Yang nghĩ học thêm sẽ giúp anh phát triển theo hướng giáo dục và thử nghiệm với nhiều phương pháp dạy mới. Yang chia sẻ: "Đối với nghề nghiệp tương lai của tôi, tốt hơn hết là nên học tiếp sau đại học".

--------

Sau khi tốt nghiệp, Qin Chang nhận được lời mời học quản lý tài sản kĩ thuật số ở King’s College London. Khi tình hình ở Anh càng ngày xấu đi, cô quyết định học online học kì này và hi vọng đến được London để tiếp tục học vào năm sau.

-------

Lu Yao hi vọng được du học sau khi tốt nghiệp ngành thiết kế nội thất trong năm nay, nhưng đại dịch đã phá hỏng tất cả những dự định đó. Thay vào đó, anh làm giáo viên mĩ thuật ở một trung tâm học thêm ở Nam Kinh.

Vì đây là năm đầu tiên đi làm, anh phải đi dạy ở nhiều trường khác nhau. Dẫu vậy, Lu hài lòng với cuộc sống hiện tại. Anh dự định làm việc chăm chỉ và mua được một căn hộ ở đây. "Dù không được đi du học, tôi rất vui vẻ với cuộc sống hiện tại", anh nói.

------

Zhang Shuhan đang học kĩ sư điện ở Đại học Sydney. Sau khi Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, cô buộc phải ở Thái Lan 2 tuần để tránh lệnh hạn chế di chuyển của Australia và quay về trường. Cô đến vừa kịp lúc.

Sau đó, chính phủ Australia thắt chặt chính sách nhập cảnh, và rất nhiều bạn cùng lớp của Zhang phải chịu sự gián đoạn học tập. Vì ảnh hưởng của đại dịch, Zhang nóng lòng tìm được việc làm tốt. Cô hiện đang học ở một trường đào tạo ở Nam Kinh để chuẩn bị cho bài kiểm tra chuyên môn.

Xem thêm: Đại học ở Mỹ, Australia mất hàng tỷ USD vì sinh viên Trung Quốc nghỉ học

Huyền Anh (Sixthtone)